Lịch sử không quân chiến lược Nga
- 3/5/2014 8:30:13 AM
Lực lượng không quân tầm xa Nga có lịch sử gần 100 năm, với thế hệ "Tráng sĩ Nga" được coi như ông tổ của các máy bay ném bom chiến lược toàn thế giới. - VnExpress
Ilya Muromet. Ảnh: Wikipedia. |
Tổng công trình sư Nga Y. Sikorski là người chế tạo thành công chiếc máy bay 4 động cơ đầu tiên trên thế giới mang tên “Tráng sĩ Nga”. Chiếc máy bay khổng lồ có thể chở được 7 người, sải cánh dài 27 m, trọng lượng gần 5 tấn.
Quá khứ huy hoàng
Biến thể hiện đại hóa đầu tiên của “Tráng sĩ Nga" là “Muromet” cất cánh ngày 23/12/1913, và đây có thể coi là máy bay chở khách đầu tiên trên thế giới . Nó cũng là máy bay ném bom hạng nặng đầu tiên được đưa vào trang bị của Quân đội Sa hoàng Nga vào đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Phi đội máy bay ném bom hạng nặng đầu tiên gồm các máy bay kiểu trên được thành lập ngày 10/12/1914 theo sắc lệnh của Nga hoàng Nicholas đệ nhị. Ngày này được công nhận là ngày thành lập của Không quân chiến lược Nga.
Trong những năm chiến tranh thế giới thứ nhất, các tổ lái của phi đội đã tiến hành gần 400 lần xuất kích tác chiến để trinh sát và ném bom các mục tiêu của đối phương và bắn hạ 12 máy bay tiêm kích của địch trong các trận không chiến và chỉ tổn thất có 1 chiếc. Nhưng đến tháng 9/1917, khi quân Đức tiến gần Vinnytsia là nơi phi đội đóng quân, tất cả các máy bay trên đã bị đốt cháy để khỏi rơi vào tay quân Đức.
Việc khôi phục lại Không quân tầm xa được bắt đầu ngay sau khi Cách mạng tháng 10 Nga thành công . Ngày 22/3/1918, Hội đồng dân ủy đã ra sắc lệnh thành lập cụm quân phía bắc gồm 3 chiếc Ilya Muromet.
Năm 1930 đánh dấu một giai đoạn phát triển mới về chất của Không quân tầm xa Liên Xô bằng việc đưa vào trang bị máy bay ném bom TB-3 do một nhóm công trình sư dưới sự lãnh đạo của A. Tupolev thiết kế. Đây là máy bay hiện đại nhất thế giới lúc đó , là máy bay 4 động cơ đầu tiên được chế tạo hoàn toàn từ vật liệu kim loại.
Buồng lái của TB-3, với các tấm kim loại dập sóng có thể được thấy rõ. Ảnh: Wiki. |
Thế hệ máy bay hạng nặng tiếp theo của Không quân tầm xa là các máy bay ném bom hai động cơ DB-3 do Phòng thiết kế Ilyushin thực hiện. Sau khi được hiện đại hóa, chúng mang tên DB-ZF ( Il-4). Loại máy bay này đã trở thành lực lượng tấn công chủ yếu của Không quân tầm xa trong những năm chiến tranh vệ quốc của Liên Xô.
Máy bay ném bom tầm xa DB-3
Máy bay ném bom DB-3 tại một bảo tàng quân sự ở Nga. |
Trước chiến tranh với Đức, Không quân tầm xa của Hồng quân có 5 quân đoàn, 3 sư đoàn không quân độc lập và 1 trung đoàn không quân độc lập (với gần 1.500 máy bay và gần 1.000 tổ lái). Các phi công của Không quân tầm xa bắt đầu xuất kích chiến đấu ngay từ ngày 22/6/1941 và đã tham gia vào tất cả các chiến dịch lớn của Quân đội Xô Viết, thực hiện 220.000 lần xuất kích tác chiến. Gần 25.000 binh sĩ và sĩ quan của lực lượng này được tặng thưởng huân huy chương nhà nước các loại, 269 người trở thành anh hùng Liên Xô, trong đó có 6 người được hai lần phong anh hùng.
Hiện tại
Hiện nay, Không quân tầm xa Nga là một trong ba thành tố cấu thành của Bộ ba kiềm chế hạt nhân Nga (cùng tàu ngầm và tên lửa) - lực lượng chủ chốt đảm bảo an ninh quốc gia Nga. Thành phần chủ yếu của Không quân tầm xa Nga hiện nay là các máy bay ném bom – mang tên lửa hiện đại nhất như Tu-160MS, Tu-95MS, Tu-22M3. Đây là những máy bay có tốc độ cao (đến 2.220 km/h), mang tên lửa có đầu đạn hạt nhân và có thể bay xuyên lục địa (tầm hoạt động 12.300 km nếu không tiếp liệu trên không).
Lớp máy bay nổi tiếng nhất trong số đó này là phi cơ siêu âm Tu-160MS. Nó được các phi công đặt biệt danh là “Thiên nga trắng”.
Một chiếc "Thiên nga trắng" tại triển lãm hàng không Moscow MASK năm 2007. Ảnh: Wikipedia |
Đây là chiếc máy bay siêu âm cánh cụp cánh xòe lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không quân sự, đồng thời cũng là chiếc máy bay chiến đấu có trọng lượng cất cánh lớn nhất trên thế giới (275.000 kg) . Nó đã được đưa vào trang bị từ năm 1987.
Năm 2008, theo lời mời của Venezuela, các máy bay Tu-160 đã tiến hành chuyến bay thẳng dài nhất trong lịch sử hàng không từ Nam Mỹ đến Nga, với thời gian bay kéo dài đến 19 giờ.
Hiện nay Không quân tầm xa Nga có 16 chiếc máy bay như vậy, mỗi một chiếc đều có một tên riêng, như cách đặt tên các con tàu.
Thảm kịch lớn nhất trong lịch sử Không quân tầm xa Nga là vụ tại nạn của chiếc Tu-160 mang tên “Mikhail Gromov” (tên của phi công đã từng lập 2 kỷ lục thế giới về cự ly bay những năm 30 của thế kỷ trước) cách làng Sovetski vùng Saratov ngày 18/9/2003.
Tổ lái gồm 4 người đã cố gắng hết sức để cứu chiếc máy bay ném bom chiến lược này nhưng bất thành .Ở độ cao 1.200 m, chiếc máy bay bắt đầu vỡ và bốc cháy. Sau khi ra lệnh cho đồng đội nhảy dù, chỉ huy tổ lái Yuro Deinhenko là cuối cùng người rời khỏi máy bay. Nhưng do nhảy dù ở độ cao quá thấp và tốc độ tiếp đất quá lớn cùng một vụ nổ lớn tiếp theo trên máy bay nên toàn bộ tổ lái đã thiệt mạng. Năm 2004, tại nơi máy bay rơi, người đã dựng một tượng đài kỷ niệm.
Tương lai
Bắt đầu từ năm 2014, Phòng thiết kế Tupolev được giao nhiệm vụ thiết kế các máy bay ném bom chiến lược mới để thay thế Tu-95MS và Tu-160.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95, một trong những con cưng của Phòng thiết kế Tupolev. Ảnh: Wikipedia. |
Theo kế hoạch, các máy bay mới này sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm 2020 . Loại vũ khí chủ yếu của chúng sẽ là tên lửa có cánh mới Kh-101 với tầm bắn đến 5.500 km. Ngoài ra, nó còn có thể được trang bị các tên lửa tầm ngắn và bom có điều khiển. Hướng ưu tiên trong các thiết kế mới sẽ là tăng cự ly bay và giảm bề mặt phản xạ radar.
Nga đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chế tạo các máy bay ném bom chiến lược. Trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước, Phòng thiết kế Tupolev cũng triển khai dự án chế tạo Tu-202 vói 2 phiên bản: máy bay ném bom chiến lược và máy bay săn ngầm tầm xa. Tầm bay của máy bay ném bom chiến lược lên đến 16.000 km, bán kính hoạt động của máy bay ném bom mang 6 tên lửa có cánh là 5.500 km. Rất có thể, trong nghiên cứu chế tạo loại máy bay ném bom chiến lược mới, Phòng thiết kế Tupolev sẽ ứng dụng những nghiên cứu đã tiến hành
Các dự án chế tạo máy bay ném bom mới bao giờ cũng đi kèm với nhiều rủi ro kỹ thuật và kinh phí tốn kém. Nhưng bù lại, nếu chế tạo thành công máy bay chiến lược mới như dự kiến, Nga sẽ có một hệ thống tấn công toàn cầu rất hiệu quả, hệ thống này có thể tiêu diệt các mục tiêu gần như ở bất cứ địa điểm nào trên trái đất chỉ vài giờ sau khi nhận lệnh, trong khi không cần bất kỳ một căn cứ không quân nào ở nước ngoài.
Lê Hiếu
Nguồn: VnExpress