Các lần động binh của Nga sang nước láng giềng
- 3/5/2014 8:30:12 AM
Kể từ sau khi Liên Xô tan rã, Nga từng nhiều lần huy động quân đội sang các nước láng giềng gồm Gruzia, Moldova và Tajikistan và coi đây này là hoạt động gìn giữ hòa bình, trong khi những người phản đối cho là hành động xâm phạm chủ quyền. - VnExpress
1. Transnistria, Moldova (1991-1992)
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga duy trì tại Transnistria từ năm 1992 đến nay. Ảnh: Mil.ru |
Khu vực Transnistria nói tiếng Nga là một lãnh thổ phân ly nằm phần lớn trên một dải đất giữa sông Dniester và biên giới phía đông của Moldova với Ukraine. Khu vực này độc lập khỏi Cộng hòa Moldova sau cuộc nội chiến năm 1991-1992, với hơn 700 người thiệt mạng.
Nga huy động hơn 3.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình và thực thi lệnh ngừng bắn tại đây. Đến nay, khoảng 400 binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga vẫn đóng quân trong khu vực này bất chấp việc Moldova kêu gọi rút quân theo như cam kết của chính Nga rằng sẽ rút quân vào năm 1999. Nga cũng có một lượng vũ khí lớn ở đây.
Chính phủ thân Nga không được cộng đồng quốc tế công nhận và đối lập với chính quyền Moldova nói tiếng Romania trong cuộc xung đột kéo dài dai dẳng.
2. Tajikistan (1992)
Binh sĩ Nga tại căn cứ quân sự của nước này ở gần thủ đô Dushanbe của Tajikistan. Ảnh: Reuters. |
Nga điều quân đồn trú đến Tajikistan sau cuộc nội chiến của nước cộng hòa Trung Á này nổ ra năm 1992, sau khi Liên Xô tan ra. Moscow đóng vai trò người gìn giữ hòa bình và bảo vệ những người tị nạn, tuy nhiên cũng ủng hộ chính quyền của Tổng thống Emomali Rakhmonov chống lại phe đối lập ủng hộ Hồi giáo.
Nga chính thức cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến đây năm 1992 cùng với các quốc gia từng thuộc Liên Xô khác. Lực lượng trung thành với Rakhmonov cuối cùng giành thắng lợi năm 1993 sau một cuộc chiến làm 150.000 thiệt mạng.
Nga có một căn cứ quân sự ở quốc gia chiến lược giáp với Afghanistan này và có hiệp ước đóng quân lâu dài tại đây.
3. Abkhazia và Nam Ossestia, Gruzia (2008)
|
Lính gìn giữ hòa bình Nga ngồi trên xe bọc thép tiến vào quảng trường trung tâm Gori của Gruzia. Ảnh: Reuters. |
Căng thẳng giữa Nga và chính quyền thân phương Tây của Gruzia lên đến đỉnh điểm trong cuộc chiến ngắn năm 2008. Nga có quân đội thiện nghệ và các vũ khí hiện đại tại hai vùng ly khai ở Gruzia là Abkhazia và Nam Ossetia.
Nga cũng thành lập các lực lượng bán quân sự hay "đội tự vệ" tham gia vào các hoạt động chống lại nhân viên an ninh của Gruzia, khiến Tbilisi dùng quân đội để đáp trả.
Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili phát động hoạt động trên quy mô lớn chống lại Nam Ossetia vào ngày 8/8/2008, nơi các làng dân tộc người Gruzia bị bắn phá trước đó. Sự kiện này trở thành lý do để Nga điều quân và tiến vào lãnh thổ Gruzia.
Mùa thu năm 2008, Nga công nhận hai vùng lãnh thổ ly khai này là các quốc gia độc lập đóng căn cứ quân sự thường trực ở đây nhưng đã rút quân khỏi lãnh thổ Gruzia.
Binh sĩ Nga hướng về phía Tskhinvali, thủ phủ Nam Ossetia. Ảnh: AFP. |
Nhiều tàu chiến của Nga thuộc Hạm đội Biển Đen khi đó cũng tuần tra thường xuyên ở ngoài khơi Abkhazia.Theo số liệu của tình báo Gruzia, Quân khu 7 của Nga ở Abkhazia có 3.500 quân, 150 xe tăng T-90, các bệ phóng tên lửa Grad và hai khẩu đội tên lửa đất đối không tầm xa S-300. Về thiết bị và độ sẵn sàng chiến đấu, "đây là một trong những đơn vị mạnh nếu không muốn nói là mạnh nhất của toàn quân đội Nga", cựu quan chức an ninh cấp cao ở Tbilisi nói với AFP.
Ở Nam Ossetia, Quân khu 4 của quân đội Nga có 3.500 binh sĩ, 150 xe tăng T-72 và các bệ phóng tên lửa Grad.
Ngoài ra, vùng biên giới của cả hai khu vực trên thực tế đều được Lực lượng Biên phóng Nga, một đơn vị của Cơ quan An ninh Liên bang Nga mà tiền thân là KGB, bảo vệ. Có khoảng 2.000 lính biên phòng của Nga ở Abkhazia và 1.000 ở Nam Ossetia.
Trong những tháng gần đây, lính biên phòng của Nga tăng cường lắp đặt hàng rào dây thép gai dọc theo biên giới giữa Nam Ossestia và các vùng khác của Gruzia. Động thái này khiến người dân địa phương và Tbilisi, các lãnh đạo EU và Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng phản đối.
4. Crimea, Ukraine (2014)
Các xe quân sự của Nga được nhìn thấy đang di chuyển trong thành phố Sevastopol, Crimea. Ảnh: CNN |
Nước cộng hòa tự trị Crimea là một vùng đất nhô ra từ phía nam phần lục địa của Ukraine, ngăn cách với Nga ở phía đông bằng eo biển hẹp Kerch. Nga nhượng lại Crimea cho Ukraine vào năm 1954, khi cả Nga và Ukraine đều thuộc Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, một số người dân địa phương có nguyện vọng tách Crimea khỏi Ukraine và trở lại làm một phần lãnh thổ của Nga. Tuy nhiên, các nghị sĩ Ukraine và Crimea đã bỏ phiếu nhất trí tiếp tục duy trì bán đảo này cho Ukraine.
Sau ba tháng biểu tình chống chính phủ và tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị phế truất, người dân ở Crimea phản đối chính phủ mới thân châu Âu và bán đảo trở thành điểm nóng. Hôm 27/2, một nhóm tay súng nắm được quyền kiểm soát quốc hội và tòa nhà chính quyền ở Crimea và cắm cờ Nga.
Căng thẳng càng gia tăng khi các máy bay Nga chở khoảng 2.000 binh sĩ được cho là đã hạ cánh xuống một căn cứ quân sự ở Crimea. Hai sân bay trên bán đảo cũng đã nằm dưới sự kiểm soát của các tay súng không rõ thuộc bên nào. Ukraine cũng tố cáo Nga đã đưa 6.000 quân nhân vào Crimea và cho rằng Moscow đang "khiêu khích quân sự".
Ngày 1/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị quốc hội thông qua việc sử dụng quân sự ở Ukraine. Quốc hội Nga nhất trí. Ông Putin đưa ra đề nghị sử dụng quân lực nhằm bảo vệ các công dân Nga sống ở khu tự trị Crimea của Ukraine và binh sĩ Nga đang hiện diện tại căn cứ quân sự mà Moscow thuê trên lãnh thổ của Ukraine.
Động thái này của Nga khiến quân đội Ukraine được đặt trong trạng thái báo động. Chính phủ Ukraine tuyên bố rằng một hành động quân sự như vậy sẽ là xâm lược trắng trợn đối với chủ quyền của Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng Nga vi phạm luật pháp quốc tế nếu can thiệp quân sự vào Ukraine và cảnh báo sẽ có hành động "trừng phạt về chính trị và kinh tế".
Vũ Hà (theo AFP)
Nguồn: VnExpress