Cựu binh Hàn và 63 năm oan khuất vì tội phản quốc

Trong thời khắc quyết định của cuộc chiến tranh Triều Tiên, một người lính Hàn Quốc từng mạo hiểm sinh mạng để cứu đất nước, nhưng lại bị kết án tử hình vì tội phản quốc, để rồi phải tha hương tìm công lý trên đất Mỹ. - VnExpress

alt-korea-articleLarge-7595-1390211807.g

Cựu binh Hong Yoon-hee. Ảnh: New York Times

Đây không phải tình tiết trong tiểu thuyết hay phim truyện mà là cuộc đời thực của cựu binh Hong Yoon-hee. Ông từng thề phải chứng minh bằng được quá khứ trong sạch của mình. Năm ngoái, tâm nguyện của Hong đã trở thành hiện thực.

Trong suốt nhiều năm trước đó, ông không ngừng tra cứu tài liệu quân sự ở cả Mỹ và Hàn Quốc, đâm đơn kiện và thỉnh nguyện khắp nơi. Tháng 2/2013, một tòa án ở Seoul bác lại phán quyết tử hình của Hong năm 1950. Ông từng bị kết tội phản quốc vì chiến đấu cho miền Bắc.

Không chỉ dừng lại ở đây, cựu binh 83 tuổi này tuyên bố mục tiêu của của ông mới chỉ đạt được một nửa. Hong hy vọng mình được ghi nhận như một anh hùng. "Trong suốt 63 năm qua, tôi đã sống trong sự kỳ thị đối với một kẻ phản bội", New York Times dẫn lời ông Hong. "Sự thật là tôi góp phần cứu Hàn Quốc vào một trong những thời điểm quyết định với đất nước".

Tháng 6/1950, Triều Tiên tấn công Hàn Quốc. Hong Yoon-hee khi đó là một trung sĩ của quân đội miền Nam. Trước thế tấn công của miền Bắc, tổng thống Syngman Rhee buộc phải tháo chạy xuống phía nam. Cầu Hán Giang bị phá hủy ngay sau đó, khiến tuyến đường sơ tán bị cắt đứt. Hong và nhiều người dân khác mắc kẹt ở Seoul.

Hong kể lại ông từng cố đuổi theo quân đội Hàn Quốc đang tháo chạy. Một người bạn còn khuyên ông nên nhập vào đoàn quân Triều Tiên nam tiến, rồi sau này có thể quay trở lại quân đội Hàn Quốc trên tiền tuyến. Người bạn này chính là một đảng viên đảng Cộng sản hoạt động ngầm.

Nghe lời bạn, Hong đã tiếp cận quân đội miền Bắc và tự xưng mình là anh em của phó thủ tướng Triều Tiên Hong Myong-hee. Trên thực tế, hai người là họ hàng xa.

Tháng 8/1950, nhánh quân Triều Tiên mà Hong gia nhập áp sát Pusan, nơi liên quân Mỹ-Hàn thiết lập phòng tuyến bao quanh khu vực đông nam Hàn Quốc. Có một hôm, Hong nghe nói lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành ra lệnh cho một viên tướng chuẩn bị tổng tấn công, đột phá phòng tuyến Pusan vào đầu tháng 9.

"Tôi không thể đợi thêm được nữa. Tôi có thể sẽ bị bắn chết trong khi vượt qua chiến tuyến, nhưng nếu như Triều Tiên thắng trong cuộc chiến này, thân phận của tôi cũng sẽ bị lộ. Và lúc đó, tôi vẫn sẽ phải chết", Hong nói.

Ngày 31/8/1950, Hong quyết định bỏ trốn. Hôm sau, ông nhìn thấy một tốp lính Hàn Quốc và gào lên rằng mình có tin tình báo khẩn cấp. Hong được một sĩ quan tình báo Mỹ thẩm vấn trong nhiều tiếng đồng hồ.

Sau đó, Hong được phép quay trở lại đơn vị cũ, nhưng ông bị lực lượng Hiến binh Hàn Quốc bắt lại vì làm gián điệp cho miền Bắc vào ngày 11/9/1950. Hong bị tra tấn và lĩnh án tử hình. Luật sư, và cũng là một người bạn chí cốt của Hong, đệ đơn kháng cáo. Bản án tử hình được giảm xuống chung thân.

Năm 1955, hai năm sau ngày chiến tranh kết thúc, Hong được trả tự do, nhưng vẫn chịu sự giám sát của cảnh sát. Năm 1973, lo sợ trước khả năng bị bắt giam lại, ông cùng vợ di cư đến Mỹ và sinh sống cho đến tận bây giờ với công việc điều hành một siêu thị và một nhà hàng. Hong không từ bỏ quốc tịch Hàn Quốc.

"Tôi thậm chí còn không dám nói với vợ về quá khứ của mình, vì không muốn người thân cảm thấy hổ thẹn. Trước đây tôi từng cho rằng những thông tin mà mình cung cấp hồi năm 1950 là sai lầm, nên mới bị trừng phạt", cựu binh này chia sẻ.

Hành trình đi tìm công lý

04Korea-hpMedium-9161-1390211807.gif

Hong Yoon-hee tin mình là người đã cứu Hàn Quốc và quân đồng minh. Ảnh: New York Times

Năm 1994, Hong phát hiện tài liệu của quân đội Mỹ có nhắc đến thiếu tá Kim Song-jun, một sĩ quan Triều Tiên đào ngũ. Đây là người cung cấp thông tin về kế hoạch tấn công năm 1950 của miền Bắc. Tài liệu của quân đội Hàn Quốc cũng nhắc đến người này và cho biết thông tin cung cấp "rất đúng lúc, vì thế quân đoàn số 8 của Mỹ mới kịp cảnh báo lực lượng tiền tuyến chuẩn bị trước cuộc tấn công của đối phương".

Càng nghiên cứu sâu, Hong càng nghi ngờ về nhân vật thiếu tá Kim Song-jun. Báo cáo thẩm vấn Kim chỉ ghi người này "nghe nói Triều Tiên sắp triển khai một cuộc tổng tấn công", hơn nữa thông tin này chỉ được báo cáo vài ngày sau khi cuộc chiến bắn đầu.

Thiếu tá Kim được trao trả lại cho phía Triều Tiên vào năm 1953 trong khuôn khổ một kế hoạch trao đổi tù nhân giữa hai miền. "Ông ta dường như nổi tiếng là vì tôi", Hong nói.

Năm 2000, Ủy ban biên soạn lịch sử quân đội thuộc chính phủ Hàn Quốc thừa nhận thiếu tá Kim không phải là nguồn tin tình báo. Hong cũng phát hiện được báo cáo về phiên tòa xét xử ông năm 1950 có nhiều thông tin sai. Theo đó, Hong bị kết án tử hình vì từng tấn công quân đội Hàn Quốc vào ngày 3/9/1950, nhưng thời gian đó ông đã được trả về đơn vị cũ.

Mặc dù vậy, năm 2007, Tòa án tối cao Hàn Quốc vẫn bác yêu cầu kháng cáo của Hong, với lý do thiếu chứng cớ. Năm 2011, trong khi tra cứu tài liệu tại Ủy ban biên soạn lịch sử quốc gia ở Seoul, Hong phát hiện bản ghi nhớ năm 1954 của trung tá Roy E. Appleman, người tham gia biên soạn lịch sử quân đội Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên. Theo đó, Hong Yoon-hee đào ngũ vào ngày 1/9/1950 và báo cáo về kế hoạch tấn công của Triều Tiên. Thông tin tình báo này sau đó được chuyển đến Bộ tư lệnh Viễn Đông tại Tokyo.

Với bản ghi nhớ này, tháng 2/2013, một tòa án ở Seoul lật lại phán quyết năm 1950, tán thưởng Hong vì "đã nỗ lực trong một thời gian dài để hoàn trả lại chân tướng lịch sử chiến tranh Triều Tiên và chứng minh sự trong sạch của bản thân".

Ủy ban biên soạn lịch sử quân đội cho biết quân đồng minh đã được biết về kế hoạch tấn công của Triều Tiên thông qua nguồn tình báo riêng, nên trước khi tìm được bản ghi chép lời khai, thì khó lòng đánh giá được mức độ cống hiến của lời khai của Hong.

Mặc dù vậy, sau khi đọc qua hàng nghìn trang ghi chép lời khai của các tù binh, Hong Yoon-hee vẫn cho rằng mình là người duy nhất vượt qua tiền tuyến cung cấp thông tin tình báo vào thời điểm quan trọng 63 năm về trước. "Tôi chắc chắn rằng mình đã cứu quân đồng minh", cựu binh 83 này quả quyết nói.

Đức Dương (Theo New York Times

Nguồn: VnExpress