Nỗi đau của người mẹ 17 năm tìm con bị bắt cóc

Cuộc tìm kiếm đứa con bị bắt cóc suốt 17 năm trời khiến Ye Jinxiu mất cả nhà cửa, sức khỏe và gia đình. Thế rồi, khi bà được thỏa ước nguyện, đứa con mà giờ đã là một người đàn ông trưởng thành, lại không muốn nhận mẹ.  - VnExpress

Bà Ye Jinxiu ngồi bên những tấm bạt in hình những đứa trẻ bị mất tích. Bà đang giúp những bậc cha mẹ khác tìm lại những đứa con thất lạc của họ. Ảnh: AFP
ye-2971-1389781256.jpg

Bà Ye, 59 tuổi, cô đơn và không nơi nương tựa, lại tiếp tục những ngày lang thang trên khắp các con phố của thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, phía đông Trung Quốc. Bà đang giúp những bậc cha mẹ khác tìm lại những đứa con thất lạc của họ. Bà dành trọn chút sức lực cuối cùng của cuộc đời đau khổ cho công việc mà bà biết rằng cũng là nguyên nhân khiến bà trắng tay.

Hàng chục nghìn đứa trẻ, hầu hết là bé trai, được cho là bị đánh cắp mỗi năm ở Trung Quốc. Phần lớn chúng được bán lại cho các cặp vợ chồng trong nước có nhu cầu có thêm con.

"Con cái bị bắt cóc còn đau đớn hơn ruột gan bị chia năm xẻ bảy", bà Ye nói, mắt nhìn đăm đăm vào tấm bạt mà bà trải ra bên các bến xe buýt, trên đó là những khuôn mặt trẻ thơ bầu bĩnh bị mất tích. "Nếu ai đó xé nát tim tôi, tôi sẽ chết ngay sau đó và không còn biết gì nữa. Nhưng nếu con tôi bị bắt đi và không tìm thấy nữa, mỗi ngày tỉnh dậy, lòng tôi sẽ thắt lại mỗi khi nghĩ đến nó".

Trung Quốc không công bố có bao nhiêu trẻ em bị bắt cóc mỗi năm, nhưng cho hay các lực lượng chức năng đã giải cứu được 24.000 trường hợp chỉ trong 10 tháng đầu năm 2013. Con số này có thể chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với thực tế.

Nhiều đứa trẻ bị bắt cóc từ các gia đình nghèo túng và đem bán cho những nhà giàu ở vùng duyên hải phía đông, nhất là các tỉnh như Phúc Kiến, nơi bà Ye đang sống, ông Deng Fei, một phóng viên nhiều lần giúp tìm kiếm trẻ mất tích, cho biết.

Theo ông, có hàng chục nghìn trẻ em bị bắt cóc ở Trung Quốc mỗi năm và được bán với giá hàng chục nghìn nhân dân tệ. Trên một trang web nổi tiếng về vấn đề này, có 14.000 gia đình đã đăng các thông báo tìm con thất lạc. Cảnh sát đôi khi từ chối khởi tố vụ án do khả năng phá án thấp và cũng không muốn truy tìm những gia đình mua lại đứa trẻ.

Trẻ em ở vùng nông thôn đặc biệt dễ trở thành đối tượng của những kẻ buôn người, bởi ông bà thì đã già yếu, còn cha mẹ chúng thường đi làm xa. Cứ 5 trẻ thì có hai em sống xa cha mẹ.

Tham gia đường dây buôn bán trẻ em còn có những người đáng nhẽ phải có trách nhiệm bảo vệ chúng. Mới đây, một bác sĩ ở tỉnh Thiểm Tây vừa bị kết án tử hình ân hạn hai năm vì bắt cóc và bán 7 trẻ sơ sinh. Bà này nói với cha mẹ những đứa trẻ rằng chúng mắc bệnh nghiêm trọng và thuyết phục họ từ bỏ con, sau đó bà ta đem những đứa trẻ đi bán.

Hồi tháng 10, một cặp đôi ở Thượng Hải đã bán chính con gái của mình để mua điện thoại iPhone. Họ biện minh rằng họ muốn cho con gái một cuộc sống tốt hơn, trong một gia đình giàu có hơn.

Yang Jing, một người mẹ 35 tuổi ở tỉnh tây nam Tứ Xuyên, kể bà đã mất 13 năm để đi tìm lại con trai sau khi cậu bé bị bán cho một cặp vợ chồng giàu có hơn ở tỉnh Giang Tô, bởi chính chồng bà.

"Họ nói với tôi rằng đây không phải là bắt cóc, vì cha thằng bé đưa nó đi", bà Yang kể.

"Tôi không thể ngừng tìm kiếm"

"Tôi đã tìm thấy con mình nhưng còn bao người cha người mẹ khác chưa tìm được con của họ, tôi không thể ngừng việc tìm kiếm lại được", bà Ye nói. Ảnh: AFP
missing.jpg

Bà Ye đã lặn lội khắp nhiều tỉnh thành, nhặt rác, rửa bát, vay tiền để làm lộ phí và ngủ trong các công viên, kể từ khi đứa con trai 6 tuổi mất tích năm 1993. Bà gần như kiệt quệ. Chồng bà van xin vợ hãy bỏ cuộc và cuối cùng bỏ bà lại một mình.

Bà cho biết đã tìm thấy nhà của kẻ buôn người vào năm 1995, nhưng mãi đến nhiều năm sau đó, chính quyền mới chịu vào cuộc dưới sức ép của người mẹ đã chẳng còn gì để mất. Năm 2000, ba thủ phạm lĩnh án ba năm tù, và một thập kỷ sau, cảnh sát mới tìm thấy con trai của bà, Lu Jianning.

Đêm trước ngày đoàn tụ, bà Ye không thể chợp mắt nổi. Thế nhưng, đứa con trai mà bà cất công đi tìm suốt hơn chục năm thậm chí không thèm bước đến ôm mẹ. Cậu ta ở lại cùng mẹ một năm, trong khi bà ngày càng chồng chất nợ nần vì vay tiền cho con đi học.

Sau đó, cậu con trai bỏ đi và không hề liên lạc gì với mẹ suốt hai năm qua.

"Tôi không hối tiếc vì đã đi tìm nó. Nó muốn sống thế nào là tùy nó", bà nói. "Khi con bị mất tích, chúng ta không thể không tìm nó".

Bà trải tấm bạt của mình ở những nơi yên tĩnh mà cảnh sát không thể làm phiền và phát cho những người xung quanh các tờ rơi thông báo tìm trẻ lạc, trên đó in hình những gương mặt non nớt.

Hai anh em trai Dou Dou và Yuan Yuan bị bắt cóc từ khi còn là những đứa trẻ mới lọt lòng mẹ cùng một ngày năm 1991. Một nạn nhân khác là một bé gái tóc ngắn, bị bắt cóc trên đường từ trường mẫu giáo về nhà năm 2010. Cô bé được cho là "mặc áo khoác đen trắng" trước khi mất tích.

Một người qua đường tên Zhen chỉ trích rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm về tình trạng này vì không quan tâm đến người dân ở các vùng nông thôn.

"Nếu các cặp vợ chồng không phải lên thành phố kiếm sống, họ đã có thời gian để trông nom con cái và số vụ bắt cóc sẽ giảm đi", Zhen nói.

Cuộc tìm kiếm con trai đã cướp đi sức khỏe của bà Ye. Bà ho ra máu và mắt hầu như không còn nhìn thấy gì nữa.

"Tôi còn nợ người thân quá nhiều tiền đến nỗi bây giờ không dám về nhà nữa", người đàn bà nói. "Chỉ nghĩ đến những đứa trẻ đáng yêu ấy là tim tôi lại tan nát. Tôi đã tìm thấy con mình nhưng còn bao người cha người mẹ khác chưa tìm được con của họ, tôi không thể ngừng việc tìm kiếm lại được".

Nhân Mã (theo AFP)

Nguồn: VnExpress