Tập Cận Bình và ba thách thức trong năm 2014
- 1/17/2014 8:30:06 AM
Chủ tịch Tập Cận Bình bước vào năm 2014 với vị thế người có quyền lớn nhất Trung Quốc, nhưng cũng phải đối diện với các thách thức sống còn, đó là cuộc chiến chống tham nhũng, giải quyết tranh chấp lãnh thổ và xác định con đường cải cách. - VnExpress
Theo CNN, việc ông Tập Cận Bình hồi tháng trước đến một quán bánh bao ăn như thường dân và thông điệp năm mới lần đầu được phát đi từ văn phòng của ông khiến cộng đồng mạng Trung Quốc xôn xao tán thưởng. Hiệu ứng truyền thông trên đủ để thấy Tập có sức ảnh hưởng khác biệt. Chỉ sau hơn một năm cầm quyền, ông Tập tích lũy được nhiều chức danh hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào. Ông không chỉ là người đứng đầu đảng Cộng sản, nhà nước và quân đội Trung Quốc, mà còn nắm quyền chỉ đạo cơ quan cải cách toàn diện và hội đồng an ninh quốc gia mới thành lập.
Vấn đề là chủ tịch Trung Quốc sẽ tận dụng như thế nào lợi thế và sức ảnh hưởng chính trị của mình để thúc đẩy tiến trình cải cách sâu rộng tại Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại và nguy cơ bất ổn xã hội tăng cao.
Hổ và ruồi nhặng
Một trong những động thái của Tập Cận Bình được hoan nghênh nhất sau khi ông trở thành tổng bí thư là việc triển khai chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô lớn. Đây là vấn nạn ăn sâu vào hệ thống chính trị Trung Quốc trong suốt thời gian dài và là ngọn nguồn của sự bất mãn xã hội.
Trong một cuộc họp của Ủy ban Kỷ luật và Kiểm tra Trung ương hồi đầu tháng 1/2013, ông Tập Cận Bình lần đầu đưa ra cặp khái niệm "hổ" và "ruồi nhặng", để cho thấy đối tượng tham nhũng nào cũng đều có thể bị điều tra, bất kể chức vụ cao hay thấp.
Theo Xinhua, trong 9 tháng đầu năm ngoái, hơn 108.000 quan chức Trung Quốc đã bị điều tra, trong đó có gần 20 quan chức cấp bộ trưởng. Hai ủy viên trung ương được bầu sau Đại hội 18 bị cách chức, là các ông Tưởng Khiết Mẫn, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản Quốc gia và ông Lý Đông Sinh, nguyên thứ trưởng bộ Công An.
Nhưng, sự kiện có sức ảnh hưởng và tiếng vang nhất là việc Trung Quốc kết án cựu ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai tù chung thân, với tội danh tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng chức quyền. Mặc dù những người ủng hộ Bạc khẳng định có động cơ chính trị đằng sau vụ án, đây vẫn được cho là thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của ban lãnh đạo mới. Thậm chí có người còn cho rằng vụ án Bạc Hy Lại dự báo khả năng về một kế hoạch điều tra ở cấp cao hơn.
"Tập đã thực hiện tốt lời hứa của mình", Giáo sư Hàn Đức Cường thuộc đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh bình luận. "Rõ ràng có một sợi dây liên hệ giữa cuộc vận động của Tập và sự hồi sinh của chủ nghĩa Mao Trạch Đông, nhấn mạnh nguyên tắc phục vụ nhân dân và lối sống thanh liêm". Giáo sư Hàn nổi tiếng tại Trung Quốc bởi quan điểm cực tả và thái độ sùng bái cố chủ tịch Mao Trạch Đông.
Trong khi đó, nhà kinh tế Mao Vu Thức, người cổ súy cho quan điểm tự do hóa thị trường, cho rằng "nếu không có những cải cách mang tính hệ thống, thì các vụ tham nhũng sẽ không ngừng xuất hiện khi vụ án cũ được giải quyết". "Giải pháp căn bản là tận diệt mảnh đất mà tham nhũng nảy nở", ông Mao Vu Thức nói.
Cùng chung quan điểm trên, học giả nổi tiếng Tư Trung Vân khẳng định "chống tham nhũng mà không dựa trên nền tảng pháp quyền thì khó lòng lạc quan", thậm chí còn làm tổn thương "lực lượng trung gian ôn hòa", có lợi cho việc xã hội phát triển ổn định.
Chiến tranh hay hòa bình
Ngày 26/12, Tập Cận Bình và 6 thành viên khác trong Ban thường vụ Bộ Chính trị đến thăm Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh, nhân dịp 120 năm ngày sinh cố chủ tịch.
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm đền Yasukuni, nơi thờ hơn hai triệu người Nhật thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai, bao gồm cả những tội phạm chiến tranh.
Chuyến thăm ngôi đền gây tranh cãi của ông Abe khiến quan hệ Trung - Nhật càng trở nên căng thẳng, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh trước đó đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Cũng trong tháng 11, Trung Quốc điều tàu sân bay Liêu Ninh diễn tập quân sự tại Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa nước này và một số nước ASEAN. Tháng 11/2013, chính quyền tỉnh Hải Nam thông qua quy định mới. Theo đó bắt đầu từ 1/1, các tàu cá nước ngoài phải xin giấy phép mới được thăm dò hoặc đánh bắt cá tại hai phần ba vùng biển này.
Những động thái trên đều vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các nước liên quan, nhưng lại được những người theo chủ nghĩa dân tộc trong nội bộ Trung Quốc hoan nghênh. Họ coi đây là sự trở lại của kỷ nguyên Mao Trạch Đông, khi Bắc Kinh có lập trường cứng rắn với cả Liên Xô và Mỹ.
Tuy nhiên, giới trí thức theo quan điểm ôn hòa lo ngại đường lối ngoại giao của Bắc Kinh dần đi vào quỹ đạo mạo hiểm. "Hiện nay, có một hiện tượng không bình thường. Đó là quân đội có sức nặng đáng kể trong lĩnh vực ngoại giao. Việc này rất nguy hiểm, bởi ngoại giao là lĩnh vực phức tạp, tinh tế và nhạy cảm", bà Tư Trung Vân cho biết. "Tôi cũng không tán thành việc quần chúng tham gia vào lĩnh vực ngoại giao".
Một số người lại cho rằng việc Trung Quốc có các hành động cứng rắn là cách để giới lãnh đạo nước này chuyển sự chú ý khỏi các vấn đề xã hội trong nước. "Việc Abe thăm đền cho Tập lý do hoàn hảo để thể hiện sức mạnh trong và ngoài nước, cũng như để chuyển sự chú ý của công chúng khỏi các vấn đề trong nước", Hồ Giai, một người hoạt động nhân quyền, bình luận.
Ngã ba cải cách
"Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đang cố gửi đi những thông điệp đa dạng cho tất cả mọi người, bất kể là thuộc cánh tả, cánh hữu hay đường lối trung dung", bình luận viên Steven Jiang thuộc CNN phân tích.
Những người theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông hài lòng trước việc Tập Cận Bình vẫn vào lăng tỏ lòng tôn kính với Mao nhân dịp 120 năm ngày sinh của nhà cố lãnh đạo. Nhưng trong bài phát biểu đầu năm trước đó, Tập lại không hề nhắc đến tư tưởng Mao Trạch Đông mà nhấn mạnh "sự giải phóng của tư tưởng".
Trong một bài phát biểu trước thềm Hội nghị Trung ương ba, Chủ tịch Tập một lần nữa khẳng định "hai giai đoạn 30 năm trước và sau Cải cách mở cửa không thể phủ nhận lẫn nhau".
Giai đoạn 30 năm đầu tiên là để chỉ từ năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, đến trước thời kỳ Cải cách mở cửa. Đây là giai đoạn khó khăn của Trung Quốc, với công cuộc Đại nhảy vọt và Cách mạng văn hóa.
Giai đoạn 30 năm thứ hai là thời kỳ bắt đầu từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, khi Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, khởi động tiến trình Cải cách mở cửa. Với việc tận dụng mối quan hệ hòa hoãn và nền kỹ thuật tiên tiến của các cường quốc như Mỹ và Nhật Bản, nền kinh tế Trung Quốc có những bước phát triển chóng mặt và nhanh chóng trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Nhưng hệ quả của quá trình này là khoảng cách giàu nghèo trong xã hội và tệ nạn tham nhũng.
Bản kế hoạch 60 điểm do đích thân Chủ tịch Tập công bố sau Hội nghị Trung ương ba được giới chuyên gia kinh tế coi là bộ khung lý luận và chương trình hành động đủ tầm để thúc đẩy tiến trình cải cách tại Trung Quốc. Tuy nhiên, học giả Tư Trung Vân lại "không dám quá lạc quan, bởi trong quá trình mỗi điểm trong bản kế hoạch được thực hiện, nếu vấp phải lực cản và mâu thuẫn, thì phải giải quyết như thế nào".
Đức Dương
Nguồn: VnExpress