Trung - Nhật khẩu chiến về quy định đánh cá Biển Đông

Bắc Kinh hôm nay cho biết "hết sức không hài lòng " với lời chỉ trích của bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản về quy định đánh cá trên Biển Đông. - VnExpress

0

Các tàu của Trung Quốc, trong một cuộc tập trận trên Biển Đông. Ảnh: Navy.81.cn

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói. "Tôi muốn nhắn nhủ với quan chức này của Nhật Bản rằng, trước khi đưa ra nhận xét thì hãy nghiên cứu về luật và các quy định của Trung Quốc".

Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera nói rằng quy định của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, về việc đánh cá trên Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế lo lắng. Theo ông, quy định này cùng với Vùng Nhận dạng Phòng không ở biển Hoa Đông là những hành động đáng lo ngại.

Theo quy định mới, Trung Quốc yêu cầu các tàu cá nước ngoài phải xin giấy phép mới được thăm dò hoặc đánh bắt cá tại hai phần ba diện tích Biển Đông. Bà Hoa nói rằng những thay đổi trong quy định này hoàn toàn là chỉnh sửa về mặt kỹ thuật cho luật đánh cá đã tồn tại 30 năm nay của Trung Quốc.

Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, khu vực được đánh giá là có trữ lượng dầu và khí đốt phong phú. Các nước khác ở Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở đây.

Ngày 10/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định những yêu sách đơn phương mà Trung Quốc áp đặt tại Biển Đông là bất hợp pháp và vô giá trị. Cùng ngày, phía Philippines cũng tuyên bố Bắc Kinh đã vi phạm luật quốc tế.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Washington coi việc chính quyền tỉnh Hải Nam ra quy định hạn chế đánh bắt cá mới trên phần lớn Biển Đông là "hành động khiêu khích và tiềm ẩn nguy hiểm".

Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới, trở nên căng thẳng trong nhiều tháng qua vì tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Căng thẳng càng tăng cao sau khi Trung Quốc công bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013, với phạm vi bao trùm cả quần đảo tranh chấp kể trên. Việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tới thăm đền Yasukuni cũng đổ thêm dầu vào lửa. Trung Quốc coi ngôi đền này là biểu tượng của thời kỳ Nhật Bản xâm lược.

Vũ Hà

Nguồn: VnExpress