Ấn Độ tổ chức hội thảo về vùng phòng không Trung Quốc

Các học giả quốc tế và nhà ngoại giao hôm qua tham dự hội thảo tại New Delhi về Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc và những thách thức hàng hải đối với châu Á-Thái Bình Dương. - VnExpress

Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc (đường nét liền màu đỏ), Nhật Bản (đường nét liền màu xanh) và Hàn Quốc (đường màu trắng). Phần tô màu sẫm trên biển là giếng khí đốt lớn Chunxiao (Xuân Hiểu). Đồ họa: SCMP

Các vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc (đường nét liền màu đỏ), Nhật Bản (đường nét liền màu xanh) và Hàn Quốc (đường màu trắng). Phần tô màu sẫm trên biển là giếng khí đốt lớn Chunxiao (Xuân Hiểu), hay Sharabaki theo cách gọi của Nhật. Đồ họa:SCMP

Cuộc hội thảo bàn tròn với chủ đề "Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc và những thách thức hàng hải mới đối với châu Á-Thái Bình Dương và cấu trúc an ninh Biển Đông" do viện nghiên cứu "Stratcore Group" của Ấn Độ tổ chức.

Tại hội thảo, 10 diễn giả trình bày tham luận về các vấn đề liên quan đến hành động của Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên vùng biển Hoa Đông; nguy cơ đối đầu giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực, đặc biệt với Nhật Bản; nguy cơ đối với an ninh hàng hải tại biển Hoa Đông, cũng như những thách thức mới đối với toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cấu trúc an ninh biển Đông.

Chủ tọa hội thảo nêu rõ bối cảnh Trung Quốc thiết lập vùng phòng không bao trùm cả quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, và cho rằng hành động này sẽ ảnh hưởng đến cân bằng chiến lược lâu dài tại châu Á.

Một số diễn giả khác cũng chỉ trích hành động tấn công và chiếm đóng của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988, chiếm đóng bãi Vành khăn năm 1994, chiếm bãi Cỏ Rong và ban hành lệnh cấm bắt cá tại biển Đông thời gian gần đây; lên án việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực tại biển Đông, biển Hoa Đông nhằm thay đổi thực trạng hiện nay.

Các diễn giả cho rằng việc giải quyết tranh chấp chủ quyền tại biển Đông là vấn đề khó khăn và phức tạp, đòi hỏi các bên liên quan phải tuân thủ Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS 1982), tìm kiếm giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), để hướng tới bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Các diễn giả tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hay Nga, đối với việc các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc hướng tới COC.

Theo TTXVN

Nguồn: VnExpress