Mở cửa thành phố, đón tình yêu ở Brisbane
- 1/9/2014 8:30:03 AM
Trong chặng cuối của hành trình tham quan các tòa nhà trong ngày Mở cửa thành phố, chúng tôi đến bảo tàng Hàng hải Brisbane. Đó là ngôi nhà của nhiều con tàu từng lập những chiến công vẻ vang từ thời Thế chiến II. - VnExpress
Con tàu Ella’s nằm ngay lối vào bảo tàng Hàng hải Brisbane. Ảnh: Thế Dương |
Mỗi năm, thành phố Brisbane, Australia, có vài dịp mở cửa một số ngôi nhà cho công chúng vào thăm, gọi là Unlock Your City hay Brisbane Open House (Mở cửa thành phố). Bạn có thể đến thăm các tòa án, nhà tù, hay trạm cứu hỏa, hay vào trường nghệ thuật để tự làm một bộ phim ngắn. Thành phố mở cửa đón mọi người vào thăm để hiểu biết và yêu thành phố của mình hơn.
Thứ 7 hôm nọ, gia đình tôi cũng hào hứng tham gia Mở cửa thành phố. Sau khi thăm tòa thị chính, viện bảo tàng Brisbane rồi tòa tháp đồng hồ, chúng tôi chuyển qua thăm một tòa án sau đó đi kiểm tra công việc của các lính cứu hỏa thành phố. Cuối cùng, chúng tôi ghé chân đến thăm bảo tàng Hàng hải ngay cạnh bờ sông Brisbane.
Bảo tàng Hàng hải
Trong ngày Mở cửa thành phố, chúng tôi được vào thăm bảo tàng Hàng hải miễn phí. Giá vé thông thường cho người lớn là 12 AUD và cho trẻ con là 6 AUD. Hàng năm, bảo tàng này thu hút 35.000 lượt khách tham quan. Nó đã thành lập được hơn 40 năm và tự thu chi tài chính.
Người lớn và trẻ con có thể bỏ ra hàng giờ để tham quan bảo tàng. Ở ngay cửa, đón du khách là một "cô" tàu màu hồng tên là Ella’s, trông rất nữ tính. Các con tàu ở Australia dù to hay nhỏ thì đều có tên, và tàu được xem là phụ nữ, dù tàu chiến thì chả có vẻ gì là nữ tính cả. Trong bảo tàng, các "nàng" tàu trẻ có, già có.
Tiếp sau Ella's là một tàu chiến lớn từ thời chiến tranh thế giới thứ hai, cũng là điểm nhấn trong bảo tàng này, tàu Diamantina. Tàu được đặt tên theo dòng sông Diamantina ở bang Queensland. Tên dòng sông thì được đặt theo tên phu nhân của toàn quyền đầu tiên bang Queensland.
Con tàu này được thiết kế từ Anh rồi đóng ở Úc vào tháng 4/1943, đưa vào sử dụng vào năm 1945, vài tháng trước khi Nhật tuyên bố đầu hàng Liên Xô và quân đồng minh vô điều kiện. Điểm thú vị của con tàu này nằm ở chỗ nó là tàu chiến lớn nhất trong Thế chiến II còn được bảo tồn tại Australia.
Bước chân lên tàu, chưa chắc chiều dài 91,36m và chiều rộng sàn tàu 11,06 m là điều làm bạn ngạc nhiên nhất, mà chiều cao của thân tàu mới làm bạn choáng ngợp. Theo chi tiết kỹ thuật, gầm tàu cao 3,6m nhưng khi bạn đi trên đó, bạn như đang chênh vênh trên nóc của một ngôi nhà sâu hoắm, nhìn xuống chóng cả mặt. Phải qua nhiều bậc thang đi xuống bạn mới chạm đến đáy tàu.
Tàu chiến Diamantina, một biểu tượng của bang Queensland. Ảnh: hnsa |
Khách tham quan lên tàu có thể được đi khắp các ngóc ngách, từ khoang lái đến phòng động cơ. Cái tàu này mà lái cũng không phải chuyện đùa đâu nhé vì khoang lái ở tầng dưới. Người lái tàu đứng ở đây. Người hoa tiêu thì ở trên nóc tàu, quan sát và nói vào hệ thống loa để người lái tàu dưới khoang lái nghe thấy. Bạn cứ hình dung mình phải bịt mắt lái xe và một người hoa tiêu ngồi trên đầu lại bảo bạn đi thẳng hay quẹo trái thì khó thế nào.
Con tàu, nặng 1.420 tấn tiêu chuẩn và 2.220 tấn đầy tải, có thể chạy 19-20 hải lý một giờ. Chức năng của tàu là chống ngầm nhưng trong thực tế, nó có thể hỗ trợ cho các tàu chiến bắn phá kẻ thù. Kẻ thù ở đây là hải quân của phát xít Nhật, khi đó cực kỳ thiện chiến. Trên tàu vẫn còn các súng ống.
Lũ trẻ con còn được vào xem những phòng tầng dưới, nơi ăn ở chật chội của các anh chàng hải quân Australia, giờ chắc cũng đã lên chức cụ rồi. Có cả áo quần của các các cựu quân nhân đó. Bọn trẻ con nhà chúng tôi mê đắm với các kỷ vật đó lắm. Con tàu này còn đặc biệt ở chỗ chính tại đây, phát xít Nhật đã phải ký hiệp định đình chiến tại các đảo Nauru và Ocean trong Thế chiến II.
Nếu tính theo tuổi khai sinh của tàu là tháng 4/1945 thì Diamantina được gọi là "bà" rồi vì năm nay nó cũng đã 68 tuổi. Khi tham chiến, nó vẫn còn được coi là "thiếu nữ".
Sau khi đã vẻ vang phục vụ trong chiến tranh thế giới thứ hai, năm 1948, Diamantina được tân trang, ra khơi lại năm 1959 để thực hiện các nghiên cứu hải dương học. Một trong các kết quả nghiên cứu với sự tham dự của “cô nàng” là tìm ra một trong những rãnh sâu nhất ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi biển Tây Australia. Chính vì vậy rãnh này được đặt tên Diamantina, theo tên con tàu.
Năm 1963, khi nữ hoàng Elizabeth đến thăm Australia, "người nữ anh hùng" Diamantina đã xuất hiện trong đoàn tàu hộ tống bà. Năm đó con tàu mới 18 tuổi.
Đến năm 1980, ở tuổi 35, Dianmantina được nghỉ hưu và được đưa vào bảo tàng Hàng hải Queensland tại Brisbane. Con tàu được xem như một biểu tượng của bang.
Chắc bây giờ, "bà" Dianmantina rất hài lòng với khí hậu thoáng đãng gió và nắng ở đây, nhất là khi được hướng mũi ra phía dòng sông Brisbane. Có lẽ bà hoàn toàn hạnh phúc với sự thăm nom của các bậc trai tráng và trẻ con, những người không phải chứng kiến chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Trong bảo tàng Hàng hải có nhiều con tàu và đèn biển. Có chiếc đèn biển được đặt trên tàu nên trông đèn biển như là tàu vậy. Đèn biển này được đặt ở những vùng không thể xây những tháp hải đăng.
Điều thú vị là khi tham quan ở đây, tôi được biết những tàu-đèn biển như vậy bao giờ cũng cần có một chị em khác, để khi một tàu-đèn được kéo về kiểm tra bảo dưỡng định kỳ, người chị em của nó sẽ làm nhiệm vụ thay thế.
Lũ trẻ không bao giờ quên thò mặt vào cái hình cướp biển để chụp ảnh. So với các "bà", các "chị" tàu to lớn trong bảo tàng, các cướp biển chỉ bé tí xíu, nhưng niềm vui thì to đùng. Kết thúc chuyến đi, các cướp biển này lại ra bơi lội tung tăng ở biển nhân tạo ngay trên phố gần đó.
Lũ trẻ con thích thú khi tham quan buồng lái tàu. Ảnh: Thế Dương |
Brisbane và Hà Nội
Một ngày lang thang Brisbane với thành phố không khóa cửa, chúng tôi cũng chỉ thăm thú được vài điểm trên 71 ngôi nhà mở cửa cho công chúng vào thăm miễn phí. Có những ngôi nhà chỉ hạn chế đón vài chục hay vài trăm khách nên muốn tham quan ở đó thì phải đăng ký trước.
Người xem hoàn toàn có thể đăng ký trực tuyến hay điện thoại để đặt chỗ. Với những dịp như thế, những công dân chính thức của thành phố, những cư dân mới hay cư dân ngắn hạn của thành phố này - như tôi - sẽ hiểu biết và yêu thêm thành phố của mình.
Tôi và chồng cứ bảo rằng nếu ở Hà Nội, các tòa nhà cũng được mở ra để mọi người vào thăm, một năm vài lần, thì người Hà Nội và người đến Hà Nội sẽ yêu thành phố này bao nhiêu.
Bỗng dưng, tôi nhớ đến những cuộc cãi vã nảy lửa cho rằng dân nhập cư làm "quê" Hà Nội mà thấy buồn. So với các công dân chính thức của thành phố Brisbane, tôi cũng là một người dân nhập cư, và chỉ ở đây ngắn hạn. Nhưng tôi sống ở thành phố này, yêu nó, hiểu nó.
Dù không phải là tình yêu máu thịt như Hà Nội, nơi tôi được sinh ra và lớn lên, nhưng chí ít ai đó đến thăm nơi đây, tôi cũng có thể dẫn đi vài nơi đáng thăm. Tôi cũng có vài câu chuyện tốt đẹp để kể về nó. Và những lúc đạp xe trong lòng thành phố, tôi cứ miên man nghĩ ngợi.
Sau 40 năm gắn bó với Hà Nội, tôi sống vài năm ở Brisbane. Tôi không làm được nhiều thứ cho Brisbane như Hà Nội nhưng chí ít tôi là một cư dân tốt, tuân theo những quy định được chỉ ra rất rõ ràng của thành phố này. Tôi đóng góp học bổng của tôi cho ngành giáo dục của bang Queensland này, chứ không phải của bang khác. Nhờ có các bạn Việt Nam của tôi cùng các sinh viên quốc tế khác, các công dân Australia có thể cho thuê nhà với giá cao. Nhờ có các bạn Việt Nam của tôi, thỉnh thoảng người Australia được ngắm áo dài trên phố và ăn món nem cuốn tươi hay rán, và món bún chả rất ngon của Việt Nam.
Phải chăng Hà Nội của tôi đang lãng phí bao nhiêu là tình yêu, bao nhiêu là sức lực của những người đang sống trong lòng Hà Nội?
Có ai đó có thể "unlock", cho tình yêu được "open" ở Hà Nội không?
Bùi Thu Thủy
Nguồn: VnExpress