Chúa tể hắc ám nhảy vào giữa quan hệ Nhật - Trung
- 1/7/2014 8:30:05 AM
Nhân vật xấu xa nhất trong truyện Harry Potter được đặt vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, khi hai đại sứ của hai bên đều tố cáo bên kia là phù thủy hắc ám nhất thế gian. - VnExpress
Tàu tuần duyên Trung Quốc và Nhật Bản thường xuyên xuất hiện gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hơn một năm qua, gây lo ngại về mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Ảnh minh họa: AP |
Đại sứ Nhật Bản tại Anh Keiichi Hayashi hôm qua cho biết, Bắc Kinh là Chúa tể hắc ám Voldemort của châu Á, đáp lễ chính xác lời miêu tả của người đồng cấp Trung Quốc trước đó.
"Hiện có hai con đường mở ra với Trung Quốc. Một là tìm kiếm đối thoại và tuân thủ quy định của luật pháp. Một con đường khác là đóng vai trò như một Voldemort của khu vực bằng cách chạy đua vũ trang và leo thang căng thẳng", ông Hayashi viết trong bài báo gửi cho Telegraph hôm qua.
Đây là động thái đáp trả cho việc hồi tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh đăng một bài báo trên tờ này, cũng so sánh Nhật Bản đương đại với Chúa tể hắc ám Voldemort, nhân vật "chết đứng" vào cuối truyện và kêu gọi London đứng về phía Bắc Kinh chống lại kẻ thù chung thời chiến tranh. Bài báo của ông Lưu được đăng tải sau sự kiện Thủ tướng Shinzo Abe thăm đền Yasukuni cuối tháng trước khiến Trung Quốc và Hàn Quốc tức giận.
Ông Hayashi phản bác lại quan điểm trên, cho rằng Nhật Bản đã bày tỏ sự " hối hận sâu sắc và lời xin lỗi chân thành " đối với "sự đau khổ to lớn cho người dân nhiều nước " mà quốc gia này gây ra. Tokyo thời hậu thế chiến thứ hai đã có nhiều nỗ lực trong việc duy trì hòa bình thế giới và "tiết chế ở mức tối đa trước mối đe dọa từ Trung Quốc".
Đại sứ Nhật Bản buộc tội Trung Quốc nhiều lần cố ý "thay đổi hiện trạng bằng biện pháp vũ lực hoặc cưỡng ép". Trung Quốc hôm 23/11đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, bao trùm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Tuy nhiên, trong buổi phỏng vấn với BBC hôm qua, Đại sứ Trung Quốc Lưu Hiểu Minh một lần nữa khẳng định việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ "thuần túy vì mục đích phòng vệ". "Anh và Mỹ đều có hành động tương tự. Hơn nữa, 45 năm về trước, Nhật Bản cũng thiết lập ADIZ và không ngừng mở rộng", ông nói.
"Thật là mỉa mai khi một quốc gia tăng mức chi tiêu quân sự của mình trên 10% một năm trong suốt 20 năm qua, lại gọi nước láng giềng theo chủ nghĩa quân phiệt", ông Hayashi viết. "Trung Quốc tiến hành tuyên truyền để người dân nước mình mất lòng tin với Nhật Bản bằng những cáo buộc vô căn cứ".
Trước đó, ông Lưu Hiểu Minh "đặt câu hỏi nghiêm túc về thái độ của Nhật Bản và lịch sử theo chủ nghĩa quân phiệt, xâm lược va cai trị thực dân của nước này. Ông Lưu cũng kêu gọi "cộng đồng quốc tế nên đặt tình trạng báo động cao".
Căng thẳng giữa Nhật-Trung bắt đầu tăng cao từ năm 2012 sau khi Tokyo quyết định quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp, gây nên làn sóng biểu tình trên khắp Trung Quốc. Mâu thuẫn song phương không ngừng leo thang sau sự kiện Bắc Kinh đơn phương thiết lập ADIZ và Thủ tướng Nhật Abe thăm đền Yasukuni trong hai tháng cuối năm 2013.
Đức Dương
Nguồn: VnExpress