Bên trong tàu tiêu hủy vũ khí hóa học Syria
- 1/5/2014 8:30:05 AM
Các thiết bị đặc biệt được lắp đặt hoàn thiện trên tàu vận chuyển Cape Ray, để nó có thể kịp thời tham gia nhiệm vụ tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria trên Địa Trung Hải. - VnExpress
Tàu Cape Ray. Ảnh: USNI News |
Theo AFP, tàu Cape Ray có tổng chiều dài 197,5 m, được đưa đến xưởng tàu Norfolk ở bang Virgina để trang bị hai hệ thống thủy phân di động, được thiết kế để trung hòa các hóa chất nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Syria.
"Tôi đang đợi lệnh xuất phát", thuyền trưởng Rick Jordan nói. Ông cho hay nhiệm vụ có thể được bắt đầu trong vòng hai tuần nữa. Tàu Cape Ray được trang bị đủ cho một thủy thủ đoàn 35 thành viên, 63 chuyên gia giám sát quá trình tiêu hủy và một đội bảo vệ an ninh.
Theo thỏa thuận giữa Nga và Mỹ, kho vũ khí hóa học của Syria phải được vận chuyển ra khỏi quốc gia Trung Đông này vào cuối năm 2013. Các chất hóa học nguy hiểm nhất sẽ được các tàu chở hàng đưa đến vùng biển của Italy, với sự hộ tống của tàu hải quân Đan Mạch và Na Uy. Sau đó, khoảng 700 tấn hóa chất được nạp lên tàu Cape Ray. Tàu này sẽ tiến hành trung hòa tại một địa điểm bí mật được cho là nằm trong khu vực Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, nội chiến liên miên, kết hợp với điều kiện thời tiết xấu và các vấn đề hậu cần khác, khiến tiến trình di chuyển các chất hóa học ra khỏi Syria theo đường cảng Latakia không diễn ra như kế hoạch. Các tàu của Na Uy và Đan Mạch hôm nay khởi hành từ cảng Limassol thuộc quốc đảo Síp, để thu thập các chất hóa học.
Theo Lầu Năm Góc, thời gian trung hòa các chất hóa học độc hại dự tính kéo dài từ 45 đến 90 ngày, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và trên biển.
Phần thân tàu Cape Ray giống như một kho chứa hàng, với một tấm lều trắng khổng lồ. Hệ thống lọc được đặt ở bên trong. Hai bể chứa được đặt trong lều để đựng các chất hóa học gây chết người, cùng với nước và các chất khác phục vụ cho việc trung hòa.
Phía bên ngoài lều là hệ thống ống dẫn màu xanh lá với rất nhiều van nước và 6 bể chứa màu xám. Các bể này được dùng để chứa và đo nồng độ độc hại của chất dư sau quá trình thủy phân.
Quá trình tiêu hủy vũ khí hóa học tương tự như việc xử lý chất thải công nghiệp. Các chất dư sau công đoạn thủy phân sau đó sẽ được giao cho các công ty tư nhân xử lý. 42 công ty đang muốn hợp tác với Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW).
Ông Robin de Bois, thuộc một tổ chức bảo vệ môi trường của Pháp, cảnh báo về những nguy hiểm tiềm tàng trong quá trình tiêu hủy trên tàu Cape Ray. Tàu này đã hoạt động 36 năm và chỉ có một lớp vỏ duy nhất, không đảm bảo an toàn nếu xảy ra hỏa hoạn hoặc rò rỉ.
Tuy nhiên, thuyền trưởng Jordan cho biết tàu hai lớp vỏ chỉ được sử dụng trong việc vận chuyển dầu và các hàng hóa khác. Trong trường hợp này, chất hóa học đã được chứa trong các thùng kín.
"An toàn là ưu tiên số một của chúng tôi. Chúng tôi đảm bảo việc xử lý các chất hóa học sẽ diễn ra an toàn. Chúng tôi cũng sẽ chú ý đến những người có khả năng chịu ảnh hưởng và cả môi trường", ông Frank Kendall, thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách công nghệ và hậu cần, cho biết.
Đức Dương (Video: AP)
Nguồn: VnExpress