Dấu ấn Kim Jong-un sau hai năm cầm quyền
- 12/28/2013 8:30:05 AM
Thử nghiệm hạt nhân và thanh trừng người chú quyền lực là hai quyết định gây chấn động thế giới của nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong-un sau hai năm cầm quyền, cho thấy ông muốn tạo dựng di sản chính trị của riêng mình. - VnExpress
Kim Jong-un (phải) sau năm cầm quyền đã để lại dấu ấn chính trị riêng của mình, dần bước ra khỏi bóng của người cha, cố lãnh đạo Kim Jong-il. Ảnh: AP |
Ngày 24/12/2011, Kim Jong-un thay thế cha, cố lãnh đạo Kim Jong-il, giữ chức Tổng tư lệnh tối cao quân đội nhân dân Triều Tiên, chính thức trở thành lãnh đạo cao nhất của quốc gia này.
Năm đó, Kim Jong-un được cho là mới chỉ 27 tuổi và không có mấy kinh nghiệm trong việc điều hành đất nước và quân đội.
Tuy nhiên, hàng loạt quyết định đối nội và đối ngoại của Kim trong hai năm cầm quyền cho thấy nhà lãnh đạo trẻ quyết tâm bước ra khỏi cái bóng của cha mình, để lại dấu ấn chính trị riêng.
Chính sách hạt nhân cứng rắn
Ngày 13/4/2012, Triều Tiên tiến hành phóng tên lửa mang vệ tinh, hai ngày sau khi Kim Jong-un được bầu làm bí thư thứ nhất đảng Lao động Triều Tiên, chủ tịch Quân ủy Trung ương và chủ tịch Ủy ban Quốc phòng. Nhưng tên lửa phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng chưa đầy 2 phút và rơi xuống biển Hoàng Hải. Mặc dù thừa nhận thất bại lần này, Bình Nhưỡng vẫn quyết tâm tiếp tục phóng tên lửa vào tháng 12, bất chấp sự phản đối của Mỹ và Hàn Quốc.
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên quyết định phóng tên lửa vào mùa đông, khiến các nhà phân tích cho rằng có thể do nguyên nhân chính trị. Các chuyên gia tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn phóng tên lửa quanh thời điểm giỗ đầu của cha mình. Ông Kim Jong-il qua đời ngày 17/12/2011 khi đang trên một chuyến xe lửa đi thị sát.
Sự kiện hồi tháng 12/2012 là lý do để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt mới với nước này. Trong một động thái đáp trả, ngày 24/1, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba nhằm đối phó với "kẻ thù truyền kiếp" là Mỹ và đe dọa chiến tranh với Hàn Quốc.
Tuyên bố trên vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, thậm chí ngay cả đồng minh Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối. Nhưng điều này cũng không ngăn cản được quyết định của giới lãnh đạo Triều Tiên.
Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân hồi tháng 2. Ảnh: AFP |
Ngày 12/2, Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử hạt nhân lần thứ ba thành công, tại một địa điểm ngầm trong lòng đất ở phía bắc đất nước. Thời điểm cuả việc thử hạt nhân này được cho là có tính toán, bởi diễn ra gần thời điểm kỷ niệm sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Jong-il, người luôn quyết tâm theo đuổi tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tờ Independent của Anh nhận định: "Kim Jong-un muốn chứng tỏ vị thế lãnh đạo tối cao của mình với những chính trị gia, tướng lĩnh lão làng trong nước và gửi đến người dân Triều Tiên thông điệp về hiểm họa từ nước ngoài. Không gì tốt hơn là tiến hành một vụ thử hạt nhân và lợi dụng sự khiển trách của cộng đồng quốc tế, để đưa đất nước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu".
Ngày 8/3, Bình Nhưỡng tuyên bố hủy hiệp định đình chiến và đường dây nóng với Seoul, sau khi Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử. Ngày 29/3/2013, Kim Jong-un ký lệnh đưa tên lửa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu và hôm sau tuyên bố Triều Tiên đã “chuyển sang tình trạng thời chiến”, sẵn sàng sử dụng tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân để tiến công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. Động thái này dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bùng nổ chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai.
"Hành động của Kim Jong-un dường như cực đoan hơn cha của ông ấy, người lạnh lùng hơn và dễ dự đoán hơn", CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ. Việc Kim từng du học tại Thụy Sĩ dường như không đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo trẻ này sẵn sàng hơn trong việc đối thoại với phương tây. "Phong cách của ông ấy rất gần với cha và ông nội. Tình hình hiện nay không lạc quan chút nào".
Trong một bài phân tích trên Foreign Policy, hai chuyên gia David Kang và Victor Cha lại nhận định: "Nếu như Kim Jong-un vẫn thực sự dự định tiến hành tấn công Hàn Quốc và Mỹ như trong tuyên bố trước đó, thì ông ấy tự đặt mình và đất nước bên bờ nguy hiểm".
Dưới sức ép của quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, cuối tháng 5, Kim Jong-un đã cử Phó nguyên soái Choe Ryong-hae làm đặc phái viên của mình sang Bắc Kinh, gửi đi thông điệp Bình Nhưỡng lắng nghe lời gợi ý của Bắc Kinh về việc bắt đầu đàm phán để giải quyết những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nguy cơ chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai tạm thời lắng xuống.
"Kim không có kinh nghiệm gì trước khi tiếp nhận quyền lực. Đây là lý do mà hành vi của ông ấy rất khó dự đoán", chuyên gia Fred Kaplan kết luận. Nhưng quá trình hoạch định chính sách của Triều Tiên luôn nằm trong bức màn bí ẩn và sự phức tạp của chính trường Bình Nhưỡng trong giai đoạn chuyển giao quyền lực là một trong những nhân tố ảnh hưởng quan trọng nhất.
Củng cố quyền lực trong nước
5 trong 7 vị đại quan có nhiệm vụ phò tá Kim Jong-un, nay hoặc bị điều động, hoặc mất chức và thậm chí còn bị xử tử. Đồ họa: Chosun Ilbo |
Trước khi qua đời, cố lãnh đạo Kim Jong-il ủy thác cho 7 quan chức cao cấp vai trò hỗ trợ con trai mình trong những ngày đầu cầm quyền, như các "quan nhiếp chính". Họ cũng chính là những người cùng ông Kim Jong-un hộ tống linh xa của cố lãnh đạo trong lễ quốc tang.
Trong đó có 4 người thuộc giới an ninh quân sự: Tổng tham mưu trưởng Ri Yong-ho, Bộ trưởng Vũ trang Kim Jong-gak, Phó nguyên soái Kim Yong-chun và Thứ trưởng thứ nhất bộ Bảo vệ an toàn quốc gia U Tong-chuk. Hai quan chức dân sự cấp cao là Bí thư Trung ương đảng Kim Ki-nam và Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao Choe Thae-bok. Người có vai trò quan trọng nhất trong 7 quan nhiếp chính là Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, Bộ trưởng Hành chính Jang Song-thaek, chồng bà Kim Kyong-hui, cô ruột nhà lãnh đạo trẻ.
Nhưng từ tháng 4/2012 đến nay, 5 quan nhiếp chính đã bị điều động, cách chức và thậm chí là xử tử, chỉ còn sót lại các ông Kim Ki-nam và Choe Thae-bok vẫn còn đương chức.
"Các quyết định điều động cho thấy Kim Jong-un củng cố được địa vị của mình", chuyên gia Ken Gause thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế CNA, nhận định. CNN dẫn nguồn tin nội bộ Triều Tiên cho biết, chỉ riêng trong năm thứ nhất cầm quyền, 31 tướng lĩnh quân đội bị điều động hoặc cách chức. Còn theo Tân Hoa Xã, trong hai năm qua, Kim Jong-un đã điều động chức vụ của 97 quan chức cao cấp, chiếm 44% số lượng các chính trị gia hàng đầu của Triều Tiên.
Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, ông chú Jang Song-thaek có vai trò quan trọng trong tiến trình cải tổ bộ máy lãnh đạo quân đội của Kim. Bản thân ông Jang mặc dù chưa từng phục vụ trong quân đội, vẫn được phong làm phó nguyên soái và bầu vào chức phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng đầy quyền lực.
Sau khi lên cầm quyền, Kim Jong-un tước bỏ một phần đặc quyền kinh doanh và xuất khẩu của quân đội, chuyển giao cho nội các, cơ quan được chỉ định phụ trách công tác phục hồi nền kinh tế. Jang Song-thaek được cho là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho quyết định trên.
Thanh trừng bất ngờ
Mặc dù có thân phận là chú của nhà lãnh đạo tối cao, Jang Song-thaek vẫn không tránh khỏi kết cục bị thanh trừng. Trong một diễn biến đầy bất ngờ, Bình Nhưỡng hôm 9/12 công bố thông tin bắt giữ và cách chức Jang. Người từng có quyền lực thứ hai đất nước bị buộc tội phản đảng, phản cách mạng, âm mưu lật đổ lãnh đạo tối cao, tham ô và bị xử tử trong một phiên tòa quân sự đặc biệt hôm 12/12.
Nguyên nhân thực khiến Kim Jong-un ra quyết định xử tử người chú đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Hiện có hai luồng quan điểm chính giải thích cho quyết định quyết liệt và chóng vánh trên.
Tờ New York Times dẫn thông tin từ cơ quan tình báo của Hàn Quốc và Mỹ cho rằng, giới quân sự Triều Tiên có thể đứng đằng sau vụ thanh trừng Jang Song-thaek, nhằm giành lại quyền kiểm soát ngành xuất khẩu than, sò và cua đầy lợi nhuận, mà phe nhóm của Jang chiếm trước đó. Đỉnh điểm của mâu thuẫn kinh tế này là vụ nổ súng tại một ngư trường khiến hai binh sĩ thiệt mạng. Giám đốc tình báo Hàn Quốc Nam Jae-joon cho hay, Kim Jong-un đã rất tức giận trước sự việc này và coi đây là hành vi thách thức quyền lực tối cao của mình, từ đó mới ủng hộ giới quân sự thanh trừng phe nhóm của Jang.
Một quan điểm khác lại nhận định, quyết định thanh trừng Jang Song-thaek diễn ra trong bối cảnh giai đoạn chuyển tiếp quyền lực giữa cố lãnh đạo Kim Jong-il và con trai Kim Jong-un đã kết thúc. "Vai trò cầu nối giữa quá khứ và tương lai của Jang Song-thaek đã chấm dứt", Tiến sĩ Paik Hak-soon thuộc Viện nghiên cứu Sejong Hàn Quốc bình luận.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên trong lịch sử đương đại Triều Tiên, chính trị gia có vai trò nhiếp chính bị loại bỏ. Trong những năm 1970, nhà lãnh đạo tương lai của Triều Tiên khi đó Kim Jong-il cũng đã loại bỏ một người chú nhiều quyền lực được coi là đối thủ chính trị của ông để kế thừa di sản của cha mình, nhà lập quốc Kim Nhật Thành.
Hai giả thuyết trên đều tựu chung một mẫu số, đó là nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un sau hai năm cầm quyền đã thành công trong việc củng cố địa vị lãnh đạo tối cao. Truyền Thông Triều Tiên gần đây bắt đầu gọi Kim là "nhà lãnh tụ kính yêu", một danh hiệu trước đây chỉ thuộc về ông Kim Jong-il.
Đức Dương
Nguồn: VnExpress