Quan hệ Trung - Triều sau vụ xử tử Jang Song-thaek

Jang Song-thaek được coi là người có quan hệ thân thiết với Bắc Kinh, nhưng việc Jang bị xử tử khó có thể làm lung lay quan hệ Trung - Triều, bởi hai nước có chung nhiều lợi ích chiến lược. - VnExpress

1345280886787-1345280886787-40-6231-5012

Ông Jang Song-thaek (trái) bắt tay với chủ tịch kiêm tổng bí thư Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến công du Bắc Kinh hồi tháng 8/2012. Ảnh: CCTV

Tháng 8/2012, Jang Song-thaek với tư cách phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng dẫn đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên thăm chính thức Trung Quốc. Đây không phải chuyến công du đầu tiên của Jang đến nước đồng minh, nhưng là lần quan trọng nhất, bởi chuyến thăm đánh dấu cho việc chính trị gia này trở thành người có quyền lực thứ hai tại Bình Nhưỡng, người phò tá đắc lực của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un.

Chuyến công du đó cũng được cho là đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hợp tác kinh tế Trung Quốc - Triều Tiên. Sau các cuộc hội đàm giữa Jang Song-thaek với chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo, hai nước ký kết một loạt thỏa thuận, mà nổi bật nhất là về khu kinh tế đặc biệt Rason thuộc miền tây bắc Triều Tiên.

Đọc thêm: Triều Tiên dè dặt mở cửa

Triều Tiên vẫn cần Trung Quốc

Bắc Kinh và Bình Nhưỡng có mối quan hệ đồng minh đặc biệt, bắt nguồn từ Thế chiến II, qua chiến tranh Triều Tiên và kéo dài cho đến tận ngày nay. Sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời, Trung Quốc coi Jang Song-thaek là kênh liên lạc quan trọng và ổn định nhất với giới lãnh đạo Triều Tiên. Bản thân Jang, với vai trò phụ trách công tác cải cách và phát triển kinh tế, là người ủng hộ chủ trương mở cửa nền kinh tế Triều Tiên theo mô hình Trung Quốc.

Nhưng trong một động thái gây bất ngờ, Bình Nhưỡng hôm 9/12 tuyên bố tước bỏ chức vụ và khai trừ đảng với Jang Song-thaek. Ngày 13/12, thông tin Jang bị xử tử được truyền thông nhà nước Triều Tiên xác nhận, với tội danh phản đảng, phản cách mạng, âm mưu lật đổ lãnh tụ tối cao và tham nhũng.

Bản phán quyết kết tội Jang mà tòa án quân sự đưa ra liệt kê chi tiết mọi tội trạng của chính trị gia quyền thế một thời này, trong đó có đoạn viết: "Jang Song-thaek còn phạm tội bán nước, với việc cho phép thuộc hạ thân tín bán tài nguyên quốc gia với giá rẻ mạt, mắc lừa những kẻ vận động chính sách khiến đất nước nợ nần chồng chất. Trong tháng 5, Jang lấy cớ trả nợ, bán rẻ cho nước ngoài khu kinh tế mậu dịch Rason trong thời hạn 50 năm".

"Nước ngoài" chính là để chỉ Trung Quốc, bởi quốc gia này là bạn hàng nhập khẩu khoáng sản lớn nhất của Triều Tiên. Kể từ khi lên cầm quyền, ông Kim Jong-un thường xuyên phàn nàn về việc nguồn tài nguyên của nước này được xuất khẩu với giá quá rẻ mạt. Kim từng yêu cầu các doanh nghiệp liên doanh Triều Tiên - Trung Quốc nâng cao mức giá xuất khẩu khoáng sản, đất hiếm và than đá.

Sau khi Jang bị xử tử, Bình Nhưỡng bắt đầu triệu về nước hàng loạt quan chức và thương nhân nước này đang làm việc tại các thành phố Thẩm Dương và Đan Đông, miền đông bắc Trung Quốc.

"Có quan điểm cho rằng Kim Jong-un thanh trừng Jang Song-thaek và những người có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, nhằm mục đích trả đũa Trung Quốc. Quan hệ Trung-Triều sẽ đối diện với thời gian đầy khó khăn", Financial Times dẫn lời chuyên gia Đặng Duật Văn thuộc trường Đảng Trung ương Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Đặng cho rằng quan điểm trên không phản ánh được thực chất quan hệ giữa hai nước. "Trung Quốc là nguồn hỗ trợ tài chính lớn nhất và cũng là nước đồng minh duy nhất sẵn sàng đứng về phía Triều Tiên trên các vấn đề liên quan", ông Đặng nhận định. "Chính vì vậy, Triều Tiên không bao giờ có hành động gì làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ với Trung Quốc. Việc thanh trừng Jang Song-thaek chỉ mang mục đích loại bỏ nguy cơ tiềm tàng với địa vị lãnh đạo cao nhất của Kim Jong-un".

Theo Giáo sư Lưu Minh thuộc Viện khoa học xã hội Thượng Hải, đường lối quan hệ hợp tác kinh tế Trung-Triều được xác lập từ thời cố lãnh đạo Kim Jong-il, Jang Song-thaek chỉ là người phụ trách công việc cụ thể. Vì vậy các chương trình hợp tác song phương sẽ không vì vụ thanh trừng Jang mà dừng lại.

Theo New York Times, một ngày sau khi Jang bị bắt, hai nước vẫn ký kết một thỏa thuận hợp tác kinh tế. Các quan chức thuộc Ủy ban quản lý vốn nước ngoài Triều Tiên cũng khẳng định với Bắc Kinh rằng vụ việc Jang Song-thaek không ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế song phương.

Trung Quốc lặng lẽ quan sát

chinavp-8555-1387270365.gif

Phó chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều (trái) bắt tay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 7. Ảnh: Xinhua

Khác với phản ứng khá gay gắt của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc tỏ ra rất kín tiếng trong vụ thanh trừng Jang Song-thaek. Ông Hồng Lỗi, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 13/12 cho biết, việc Jang Song-thaek bị xử tử là công việc nội bộ của Triều Tiên và bày tỏ hy vọng "mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với Triều Tiên tiếp tục phát triển một cách lành mạnh và ổn định".

Trong một diễn đàn tại Bắc Kinh hôm qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chỉ thừa nhận việc nước này quan sát những biến đổi lớn đang diễn ra tại Triều Tiên, nhưng không trực tiếp nhắc đến Jang Song-thaek.

"Jang quan trọng với Trung Quốc là bởi chủ trương và hành động của chính trị gia này khiến Bắc Kinh hài lòng. Nhưng nếu Kim Jong-un vẫn tiếp tục đường lối đối ngoại trước đây sau khi loại bỏ Jang, thì không có lý do gì để Bắc Kinh phải can thiệp", Đặng bình luận.

Trong bài xã luận "Sự ổn định của Triều Tiên phù hợp với lợi ích của Trung Quốc" đăng tải ngày hôm 10/12, Thời báo Hoàn cầu bản tiếng Anh kêu gọi: "Trung Quốc nên mời Kim Jong-un sang thăm sớm nhất có thể, vì điều này có lợi cho sự ổn định của Triều Tiên và mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước".

Báo này khẳng định, mối quan hệ truyền thống giữa hai nước, cũng như tầm quan trọng của Bình Nhưỡng như một đòn bẩy chiến lược trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh tại khu vực Đông Á.

Theo Giáo sư Lưu Minh, Bắc Kinh coi trọng Bình Nhưỡng bởi hai lý do: một là hai nước cùng chia sẻ ý thức hệ xã hội chủ nghĩa; hai là sự ổn định của Triều Tiên phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. "Biện pháp duy nhất để đảm bảo sự ổn định lâu dài của Triều Tiên là quốc gia này cần tiến hành cải cách mở cửa, hội nhập quốc tế. Đây chính là lý do mà Trung Quốc thuyết phục Kim Jong-il, rồi Kim Jong-un tiến hành cải cách kinh tế", ông Lưu nói.

"Trung Quốc đặt hy vọng Triều Tiên tiến hành cải cách kinh tế vào Jang Song-thaek", Giáo sư Châu Phong thuộc đại học Bắc Kinh nhận định trong một bài báo của New York Times

Theo chuyên gia Đặng Duật Văn, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un cần đến thăm chính thức Trung Quốc trong thời gian sớm nhất, nhằm tái khẳng định mối quan hệ song phương mật thiết và chứng minh với trong nước và quốc tế rằng chính quyền của mình vẫn được Bắc Kinh hậu thuẫn.

Mối quan tâm của Bắc Kinh trong vụ thanh trừng Jang Song-thaek không chỉ dừng lại ở góc độ kinh tế, mà còn vì hệ lụy của vụ việc đối với sự ổn định của khu vực Đông Bắc Á.

Jang Song-thaek không phải là người trực tiếp hoạch định chính sách hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng việc chính trị gia này bị xử tử kéo theo khả năng diễn ra hàng loạt vụ thanh trừng những người liên quan. Điều này có thể buộc Triều Tiên tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân nhằm chuyển sự chú ý khỏi vấn đề trong nước.

"Tất cả các quan chức Trung Quốc mà tôi hỏi đều lo ngại trước khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành thử nghiệm hạt nhân trong thời gian không xa", cựu quan chức tình báo Mỹ Roger Cavazos cho biết.

Đức Dương

Nguồn: VnExpress