Jang Song-thaek, từ đỉnh cao xuống vực thẳm cuộc đời
- 12/18/2013 8:30:10 AM
Jang Song-thaek, thông qua cuộc hôn nhân với cô của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, trở thành người có quyền lực thứ hai Triều Tiên, nhưng quyền lực cũng được cho là nguyên nhân chính dẫn đến bản án tử hình của ông. - VnExpress
Ông Jang Song-thaek trong phiên xử của tòa án quân sự Triều Tiên hôm qua, trước khi bị thi hành án tử. Ảnh: Xinhua |
Jang Song-thaek từng một thời đảm nhiệm chức vụ phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng đầy quyền lực, nhưng quan trọng hơn, ông là chồng của cô ruột nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, chính mối liên hệ gia đình này là yếu tố quan trọng để cố lãnh đạo Kim Jong-il lựa chọn Jang làm người phò tá cho con trai mình những ngày đầu cầm quyền, với tư cách như một quan nhiếp chính.
Nhưng chỉ hai năm sau ngày bước lên đỉnh cao quyền lực, Jang Song-thaek bị kết tội phản cách mạng, bị tước bỏ mọi chức vụ, khai trừ khỏi đảng và bị xử tử trong một phiên tòa đặc biệt.
"Phò mã" của gia tộc họ Kim
Jang Song-thaek sinh ngày 6/2/1946 tại tỉnh Kangwon-do, miền nam Triều Tiên. Trước khi đi du học tại Liên Xô năm 1968, Jang từng học tại đại học tổng hợp Kim Il-sung. Cũng chính tại đây, ông quen và yêu bà Kim Kyong-hui, con gái của nhà lập quốc Kim Il-sung.
Cuộc tình giữa hai người vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ ông Kim Il-sung. Jang bị buộc phải chuyển trường và sang Moscow du học cho đến năm 1972 mới được về nước. Nhưng bà Kim Kyong-hui không vì sức ép gia đình mà từ bỏ Jang. Tháng 4 năm đó, hai người tổ chức lễ cưới với sự chấp thuận miễn cưỡng của cha bà.
Sau khi trở thành người nhà của gia tộc họ Kim, sự nghiệp chính trị của Jang Song-thaek như diều gặp gió. Năm 1982, Jang trở thành thứ trưởng bộ Thanh niên thuộc đảng Lao động Triều Tiên khi chưa đầy 40 tuổi. Năm 1989, ông được phong danh hiệu anh hùng lao động. Năm 1992, Jang được bầu vào Ban chấp hành Trung ương đảng cầm quyền. Mười năm sau đó, ông đảm nhiệm chức trưởng ban Tổ chức Trung ương đầy quyền lực.
Ông Jang Song-thaek và vợ là bà Kim Kyong-hui. Ảnh: Caixin |
Nhưng chính lúc Jang chen chân được vào hàng ngũ lãnh đạo quốc gia, ông đột nhiên biến mất khỏi tầm mắt công chúng trong một thời gian dài vào giữa năm 2004. Theo báo cáo của cơ quan tình báo Hàn Quốc, Jang bị giam lỏng tại gia ở Bình Nhưỡng, mà nguyên nhân chính được cho là do ông có quyền lực quá lớn, khiến cố lãnh đạo Kim Jong-il, anh rể ông, không bằng lòng.
Tháng 1/2006, Jang Song-thaek tái xuất trên chính trường Bình Nhưỡng, với chức danh thứ trưởng thứ nhất bộ Xây dựng thủ đô. Một năm sau, ông được thăng chức bộ trưởng Hành chính, phụ trách lĩnh vực an ninh và pháp luật. Truyền thông nhà nước Triều Tiên từ đó cũng bắt đầu tăng cường đưa tin về các chuyến đi tháp tùng cố lãnh đạo Kim Jong-il của Jang.
Năm 2008 được cho là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chính trị của Jang. Năm đó, Kim Jong-il bị đột quỵ, dấy lên câu hỏi về người lãnh đạo tiếp theo của Triều Tiên.
Năm 2009, Jang Song-thaek được bầu vào Ủy ban Quốc phòng và trở thành phó chủ tịch của cơ quan thực quyền nhất nước một năm sau đó. Động thái này được cho là bước chuẩn bị của cố lãnh đạo Kim Jong-il cho tiến trình chuyển giao quyền lực cho người con trai thứ ba, Kim Jong-un, sau khi ông mất.
Tháng 12/2011, Kim Jong-il qua đời. Kim Jong-un trở thành lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên. Jang Song-thaek cùng 6 quan chức cao cấp khác được chỉ định là người phò tá cho nhà lãnh đạo trẻ tuổi trong những ngày đầu chấp chính.
Tháng 8/2012, Jang dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên sang thăm Trung Quốc, như một minh chứng cho việc ông là người có quyền lực thứ hai trên chính trường Bình Nhưỡng. Nhiều nhà phân tích từng nhận định Jang mới là người thực sự nắm quyền đằng sau người cháu trẻ tuổi.
Nhưng chính vai trò quan trọng đó càng khiến Jang đối diện với những nguy cơ chính trị tiềm tàng, dẫn đến bản án tử hình dành cho ông. Theo KCNA thì tại phiên tòa hôm qua, Jang Song-thaek thừa nhận có kế hoạch làm tê liệt nền kinh tế quốc dân, sau đó sẽ tập trung cài cắm phe phái của mình vào nội các và tự phong làm thủ tướng, làm bàn đạp thực hiện chính biến lật đổ lãnh đạo Kim Jong-un.
Quan hệ mật thiết với Bắc Kinh
Ông Jang Song-thaek (trái) bắt tay với chủ tịch kiêm tổng bí thư Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến công du Bắc Kinh hồi tháng 8/2012. Ảnh: CCTV |
"Nhiều năm qua, đồng chí Jang Song-thaek có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển quan hệ láng giềng hữu hảo Trung Quốc - Triều Tiên", Tân Hoa Xã dẫn lời đánh giá của chủ tịch kiêm tổng bí thư Hồ Cẩm Đào trong chuyến công du Bắc Kinh của Jang năm 2012.
New York Times dẫn lời Giáo sư Châu Phong thuộc đại học Bắc Kinh cho biết, Bắc Kinh coi Jang là trung gian đối thoại quan trọng và ổn định với tầng lớp lãnh đạo Bình Nhưỡng.
Jang Song-thaek, 67 tuổi, là người cùng thế hệ với các lãnh đạo Trung Quốc, trong khi đó, Kim Jong-un với tuổi đời ngoài 30, chưa từng đến thăm Bắc Kinh. "Tại Triều Tiên, Jang Song-thaek là nhân vật tiêu biểu, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách kinh tế. Trung Quốc đặt nhiều hy vọng vào Jang trong việc thúc đẩy cải cách kinh tế Triều Tiên", Giáo sư Châu cho biết.
Jang được cho là người có quan điểm mở cửa toàn bộ nền kinh tế Triều Tiên theo mô hình Trung Quốc. Nghị trình chính trong chuyến công du Bắc Kinh tháng 8/2012 của Jang là thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào Triều Tiên, đặc biệt trong việc xây dựng các khu kinh tế đặc biệt.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên trong tháng 11 công bố thông tin nước này thiết lập 14 khu kinh tế đặc biệt. Mặc dù quy mô còn nhỏ, các khu kinh tế trên vẫn mang tính biểu tượng quan trọng, đánh dấu sự thành công của Jang trong việc thúc đẩy tiến trình cải cách kinh tế.
"Các khu kinh tế trên là thành quả của Jang Song-thaek. Nhưng có lẽ ông ấy đã đi quá xa trên con đường quyền lực", Giáo sư Châu nhận định trong bài báo của New York Times.
Kể từ khi lên cầm quyền, ông Kim Jong-un thường xuyên phàn về việc nguồn tài nguyên của nước này được xuất khẩu với giá quá rẻ mạt. Jang là người phải chịu trách nhiệm chính cho cáo buộc này, bởi ông là người phụ trách chính và Trung Quốc là nước nhập khẩu khoáng sản lớn nhất của Triều Tiên.
Kim từng yêu cầu các doanh nghiệp liên doanh Triều Tiên - Trung Quốc nâng cao mức giá xuất khẩu khoáng sản, đất hiếm và than đá. Quyết định này vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các công ty Trung Quốc, thậm chí có doanh nghiệp quyết định rút vốn khỏi Triều Tiên.
Việc Jang Song-thaek bị xử tử hôm qua không những gây chấn động lớn trên chính trường Triều Tiên, còn khiến tình hình khu vực trở nên bất an trước nguy cơ Bình Nhưỡng tiến hành một cuộc thử nghiệm hạt nhân nhằm chuyển sự chú ý khỏi vấn đề trong nước.
"Tất cả các quan chức Trung Quốc mà tôi hỏi đều lo ngại trước khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành thử nghiệm hạt nhân trong thời gian không xa", cựu quan chức tình báo Mỹ Roger Cavazos cho biết.
Nhưng bất kể chính trường Bình Nhưỡng biến động lớn, Triều Tiên vẫn là nước đồng minh quan trọng của Trung Quốc trong khu vực Đông Bắc Á. Trong bài xã luận "Sự ổn định của Triều Tiên phù hợp với lợi ích của Trung Quốc" đăng tải ngày 10/12, Thời báo Hoàn cầu bản tiếng Anh kêu gọi: "Trung Quốc nên mời Kim Jong-un sang thăm sớm nhất có thể, vì điều này có lợi cho sự ổn định của Triều Tiên và mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước".
Đức Dương
Nguồn: VnExpress