Nelson Mandela và những cái bắt tay nổi tiếng
- 12/9/2013 8:30:04 AM
"Xin chào! Anh khỏe chứ? Rất vui được gặp anh!", đó là những lời mà Nelson Mandela, người từng là một võ sĩ quyền anh, thường nói trước khi hướng đôi bàn tay to lớn của mình về phía người đối diện. - VnExpress
Nelson Mandela và đối thủ một thời của ông, cựu tổng thống Nam Phi Frederik Willem de Klerk. Ảnh: DailyMail |
Đối với Nelson Mandela, bắt tay không chỉ là một cử chỉ giao tiếp bình thường, mà thay vào đó, nó đã trở thành một lời chào vượt qua mọi rào cản xã hội, một biểu tượng của sự hòa giải và thậm chí là một lời tuyên bố chiến thắng.
Các trợ lý của Mandela cho biết, trước mỗi cuộc hội đàm quan trọng, vị chính trị gia lão làng luôn cố gắng đảm bảo rằng mọi nhân viên và công nhân làm việc gần phòng họp đều nhận được một cái bắt tay từ ông.
Thói quen này cũng xuất hiện tại mỗi cuộc tuần hành của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), nơi thường ghi dấu bằng sự xuất hiện của Mandela. Đám đông người ủng hộ thể hiện sự ngưỡng mộ đối với người anh hùng của dân tộc bằng cách hướng bàn tay của họ về phía Mandela.
Và để đáp lại, ông thường mỉm cười và nói to: "Tôi muốn đặt tất cả các bạn vào túi và đưa về nhà!".
Những hành động này đã góp phần thỏa mãn sự mong đợi của những người ủng hộ, cũng như niềm ngưỡng mộ ở mức độ toàn cầu đối với một cựu tù nhân chính trị, người đã trở thành tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi.
Trong mắt nhiều người, Mandela giống như hiện thân của Chúa cứu thế, luôn đem hy vọng tới cho những con người vô vọng. Ông làm điều đó bằng cách xây dựng một mối quan hệ gần gũi và thân thiết với người ủng hộ, thông qua những cái bắt tay thật chặt và nụ cười hồn hậu.
Đi đầu cuộc cải cách
Chỉ cần nghe tin về sự xuất hiện của Mandela, thì người dân Nam Phi sẽ sẵn sàng làm náo động bầu không khí bằng cách lao xuống những con hẻm, nhảy qua hàng rào hoặc thậm chí là leo lên những cành cây hoặc biển quảng cáo, để được chiêm ngưỡng vị anh hùng của đất nước.
Để có được sự yêu quý ấy, Mandela đã phải nỗ lực rất nhiều, để đưa bản thân từ một luật sư vô danh trở thành người đứng đầu đất nước, vào thời điểm đảng ANC của ông đang không ngừng đấu tranh để chuyển từ một phong trào giải phóng không chuyên thành một chính đảng.
Thời điểm Mandela được chính thức được trả tự do vào năm 1990, hình ảnh của ông đã gắn liền với quá trình chuyển đổi từ một đất nước do người da trắng nắm quyền sang một nền dân chủ đa sắc tộc của Nam Phi. Mỗi cái bắt tay, mỗi nụ cười và mỗi bài phát biểu của ông đều được lan truyền trên khắp thế giới cũng như trên kênh truyền hình quốc gia Nam Phi, nơi từng không cho phép sự có mặt của những gương mặt da màu.
Từ khoảnh khắc đó, bộ máy chính trị của Nam Phi bắt đầu thay đổi, mà một trật tự mới bắt đầu trở nên rõ ràng sau cuộc hội đàm đa đảng đầu tiên được thực hiện vào tháng 12/1991.
Đối thủ lớn nhất lúc bấy giờ của Mandela là cựu tổng thống Nam Phi F. W. de Klerk, người từng tuyên bố từ chối giải tán quân đội và sẵn sàng chống lại ANC.
Đáp lại, Mandela đã yêu cầu phe hòa giải tạo điều kiện để hai người có thể tranh luận trực tiếp, và đề xuất của ông đã được chấp thuận. Đó là một minh chứng cho sự thay đổi đầu tiên trong chính trường Nam Phi.
Trước đám đông những con người đang tràn đầy nhiệt huyết, Mandela đã nhìn thẳng vào vị tổng thống da trắng và tuyên bố rằng: "Ngay cả một chế độ phạm pháp, bất tín nhiệm và mất lòng dân nhất cũng phải tuân thủ những tiêu chuẩn đạo đức nhất định".
Đó là một phát biểu chưa từng có ở Nam Phi.
Mandela cũng có những cách hành xử rất tích cực đối với nội bộ đảng ANC của mình. Tại hội nghị pháp lý đầu tiên của ANC được tổ chức hồi tháng 12/1990, ông đã yêu cầu chấm dứt những cuộc đàm phán bí mật giữa lãnh đạo ANC và chính phủ của người da trắng. Thay vào đó, ông muốn xây dựng những cuộc đối thoại công khai và chính thức.
Sau vụ ám sát Chris Hani, một nhà cộng sản da đen nổi tiếng, người được cho là sẽ lên lãnh đạo Nam Phi trong tương lai, năm 1993, Mandela đã công khai xuất hiện trên truyền hình và kêu gọi những người ủng hộ ông bình tĩnh.
Bản thân chính phủ da trắng của de Klerk cũng nhận ra rằng, chỉ có ANC và Mandela mới có thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng chính trị có thể xảy ra sau cái chết của Hani.
"Đây là bước ngoặt cho tất cả chúng ta", Mandela nhìn thẳng vào máy quay. "Lựa chọn và hành động trong tương lai sẽ xác định liệu chúng ta có thể biến đau thương thành hành động, để tìm ra một giải pháp mang tính lâu bền cho đất nước. Đó là việc xây dựng một chính phủ của dân, do dân và vì dân."
Cái bắt tay làm cả dân tộc say mê
Người dân Nam Phi ủng hộ mọi thứ Mandela làm, nhất là khi ông sẵn sàng dẹp bỏ các hiềm khích cá nhân và sẵn sàng chia sẻ sân khấu với đối thủ lớn nhất, de Klerk.
Họ dường như đã không thể kiềm chế nổi cảm xúc khi chứng kiến Mandela kết thúc bài phát biểu hồi tháng 5/1990 bằng cách hướng bàn tay to lớn về phía de Klerk như một cách để thể hiện sự thống nhất, nói rằng bất chấp những khác biệt, ông sẵn sàng làm việc với đối thủ của mình. De Klerk khi ấy không có nhiều lựa chọn ngoài việc đón nhận bàn tay đang hướng về phía ông.
Nhưng những cái bắt tay của Mandela không phải lúc nào cũng nhằm thể hiện niềm vui. Tại phiên tòa năm 1996, ông từng đứng lên và giãi bày về những góc tối trong cuộc hôn nhân của mình với bà Winnie Mandela, một nhà hoạt động nổi tiếng.
"Phòng ngủ là nơi một người đàn ông và một người phụ nữ chia sẻ về những gì riêng tư nhất", Mandela nói trước bồi thẩm đoàn. "Tôi không muốn làm phiền cô ấy bằng quá nhiều câu chuyện vặt vãnh, nhưng cô ấy là kiểu người không muốn chia sẻ. Quãng thời gian chung sống với cô ấy biến tôi thành một người đàn ông đơn độc nhất."
Sau khi phiên tòa kết thúc, Mandela đã tới bên người không lâu sau sẽ trở thành vợ cũ của ông và trao cho bà một cái bắt tay, như một cách để chấm dứt cuộc hôn nhân.
Rất nhiều cái bắt tay khác của Mandela đã được cánh báo chí chụp lại và sử dụng như một minh chứng cho thấy sức cuốn hút và năng khiếu chính trị thiên tài của ông.
Quỳnh Hoa (Theo CNN)
Nguồn: VnExpress