Những sự cố máy bay hy hữu năm 2013

Phi cơ gãy đôi trên biển nhưng toàn bộ 108 người trên khoang sống sót, cậu bé bám cánh máy bay để đi chui suốt 35 phút mà vẫn an toàn, là hai trong số những câu chuyện hy hữu liên quan đến hàng không trong năm qua. - VnExpress

Máy bay lao xuống biển, 108 người sống sót

]Ảnh: AFP

Hiện trường máy bay Lion Air nằm sõng xoài trên biển. Ảnh: AFP

Chiếc máy bay Boeing của hãng hàng không giá rẻ Lion Air gặp nạn lúc 15h30, ngày 12/4. Giới chức cho hay nó đã bỏ qua đường băng của sân bay quốc tế Ngurah Ra ở Bali, Indonesia, để hạ cánh thẳng xuống biển rồi vỡ đôi. 

Tại hiện trường, chiếc phi cơ nổi nửa mình trên mặt biển, với các thang trượt hơi dập dềnh hai bên thân. Áo phao của hành khách cũng bập bềnh trên mặt nước xung quanh. Thân máy bay bị gãy làm đôi ở vị trí ngay gần cánh.

Có 101 hành khách trên chuyến bay, trong đó có 5 trẻ em và một trẻ sơ sinh, đi cùng phi hành đoàn gồm 7 thành viên. Tất cả đều sống sót.

Sống sót dù bám bánh máy bay suốt 35 phút

nige.jpg

Cậu thiếu niên bị các nhân viên an ninh bắt lại sau khi bám dưới bánh máy bay của hãng Arik Airline suốt 35 phút. Ảnh: Osundefender

Hôm 24/8, khi máy bay của hãng hàng không Arik Airline hạ cánh xuống Lagos, thủ đô cũ của Nigeria, một cậu bé khoảng 13 tuổi bất ngờ nhảy từ bánh máy bay xuống đất và bị các nhân viên của Arik giữ lại.

Trước đó, các hành khách và phi hành đoàn đã nhìn thấy cậu bé chạy về phía máy bay lúc nó đang chuẩn bị cất cánh từ thành phố Benin, phía nam Nigeria. Họ đã báo cho các phi công về chuyện này. Tuy nhiên, bất chấp việc cậu bé có thể đang ở đâu đó trên máy bay, các phi công vẫn quyết định cho phi cơ cất cánh.

Thông thường, những người đi máy bay lậu có khả năng sống sót rất thấp. Tuy nhiên, trong trường hợp trên, hãng Airk Airline cho biết cậu bé có thể sống sót là nhờ chuyến bay chỉ kéo dài 35 phút và máy bay đã không tăng độ cao lên trên 7.600 mét.

Rắn dài 3 mét bám trên cánh máy bay

Hành khách trên một chuyến bay ngày 10/1 của hãng hàng không Australia Qantas được một phen kinh ngạc, khi phát hiện một con rắn cố gắng bám trên cánh máy bay suốt hai giờ.

Vụ việc xảy ra trên chuyến bay từ thành phố Cairns, bang Queensland, đến Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea. Con rắn kiên trì trụ trên cánh phi cơ giữa những cơn gió mạnh và nhiệt độ lạnh lẽo ở trên cao, cho đến khi phi cơ hạ cánh xuống Port Moresby. Tuy nhiên khi đó, nó đã chết.

Robert Weber, một hành khách kể rằng, lúc đầu, con rắn nép mình rất gọn gàng trên cánh, nhưng khi bị một cơn gió mạnh đánh vào đuôi, nó "duỗi thẳng thân ra" và kể từ đó bắt đầu "cuộc đấu tranh vô vọng giữa sự sống và cái chết".

Một chuyên gia cho biết con rắn trên có thể là loại rắn dài nhất Australia và rất phổ biến ở bắc Queensland. Hãng Qantas cho hay chưa bao giờ xảy ra chuyện tương tự trước đây và khẳng định con bò sát này không có cách nào để tiếp cận cabin.

'UFO' làm móp mũi máy bay Trung Quốc

Máy bay của hãng hành không Air China bị móp mũi sau vụ va chạm trên không bí ẩn. Ảnh: Examiner

Máy bay của hãng hành không Air China bị móp mũi sau vụ va chạm trên không bí ẩn. Ảnh: Examiner

Vụ việc xảy ra vào khoảng 20 phút sau khi máy bay của hãng hàng không Air China cất cánh từ Thành Đô đến Quảng Châu hồi giữa tháng 6. Chiếc máy bay chở khách đang bay ở độ cao khoảng hơn 7.900 mét trên bầu trời Trung Quốc thì bị chấn động bởi một va đập lớn.

Phi công cho biết ông nghe thấy một tiếng nổ lớn và cảm nhận được nó bên trong máy bay. Sau đó, việc điều khiển máy bay trở nên khó khăn và phi công ngay lập tức gọi cho trạm kiểm soát không lưu để xin phép hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay gần đó.

Khi chiếc Boeing 757 đã hạ cánh hoàn toàn, giới chức phát hiện ra mũi của nó bị lõm sâu và đầy vết nứt. Các chuyên gia cho rằng khi máy bay đang bay ở độ cao như trên thì tác động này không thể do một đàn chim gây ra. Họ cũng không tìm thấy dấu vết của lông hay máu trên mũi máy bay như thường thấy trong các vụ va chạm giữa máy bay và chim. Họ phỏng đoán đây là một vụ va chạm với máy bay không người lái hoặc UFO. 

Không có hành khách hay thành viên phi hành đoàn nào bị thương sau vụ việc bí ẩn trên.

Hai máy bay đâm nhau trên không, hành khách nhảy dù an toàn

Hai chiếc máy bay nhỏ đâm vào nhau ở độ cao hơn 3.600 mét tại phía tây bắc Wisconsin, Mỹ, hôm 4/11.

Mike Robinson, 64 tuổi, một người có mặt ở một trong hai máy bay trên, cho hay ông và ba người khác đã trèo ra ngoài chiếc phi cơ Cessna 182 để sẵn sàng nhảy dù xuống, khi chiếc máy bay thứ hai lao tới từ phía sau và đâm vào máy bay của họ.

Chiếc phi cơ biến thành một quả cầu lửa lớn và cánh rơi ra. Những người trên khoang đã nhảy xuống mặt đất giữa những ánh lửa tóe lên và mảnh vỡ máy bay đang rơi lả tả. Họ đều là những người có kinh nghiệm nhảy dù lâu năm.

Ba người nhảy dù định nhảy xuống từ máy bay thứ hai thì bị hất lên không trung do tác động của cú va chạm, trong khi hai người khác nhảy thành công ra ngoài sau vụ tai nạn. Cả 11 người cuối cùng đều "hạ cánh" an toàn xuống mặt đất.

Máy bay mất bánh càng, vẫn hạ cánh êm

Càng trước của chiếc ATR 72 bị hỏng và mất bánh bên phải đã được bịt kín tại sân bay Đà Nẵng chiều 21/10 sau sự cố. Ảnh: Văn Đông

Càng trước của chiếc ATR 72 bị hỏng và mất bánh bên phải được bịt kín tại sân bay Đà Nẵng chiều 21/10 sau sự cố. Ảnh: Văn Đông

Hôm 21/10, chuyến bay VN1673 của hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines vừa hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, thì phát hiện máy bay bị mất một chiếc bánh bên phải. Ngoài ra, một bên trục càng trước cũng bị gãy.

Dù chiếc máy bay ATR72, xuất phát từ một sân bay ở miền bắc, đã hạ cánh an toàn cùng 41 hành khách, nhưng sự cố mất bánh vẫn được xem là nghiêm trọng và chưa từng có.

Một đội ngũ lên tới 30 người đã được triển khai đi tìm kiếm khắp hai điểm đi và đến. Cuối cùng, sau 4 ngày mất tích bí ẩn, chiếc bánh đã được tìm thấy ở sân bay Cát Bi. Nó có kích cỡ nhỏ nên công tác tìm kiếm không dễ dàng.

Nguyên nhân gây rơi bánh có thể là do vòng bi trong trục càng bị kẹt hoặc trục bánh đã bị nứt ngầm từ trước, gây ra biến dạng.

Xem tiếp >>

Anh Ngọc

Nguồn: VnExpress