Những vụ án oan nổi tiếng thế giới

Một chủ quán rượu người Australia bị treo cổ năm 1922 rồi được minh oan sau 87 năm hay tử tù đầu tiên thoát chết nhờ kỹ thuật ADN, là hai trong số những vụ án oan nổi tiếng khắp thế giới. - VnExpress

Justice-for-hanged-innocent-4165-1383637

Colin Ross và bé Alma Tirtschke. Ảnh: Dailytelegraph

Gần một thế kỷ chịu oan ức

Chiều ngày 30/12/1921, bé gái Alma Tirtschke, 12 tuổi, được người dì làm nghề bán thịt tại phố Swaston, thành phố Melbourne, Australia nhờ đi giao thịt cho khách hàng ở một khu phố gần đó, nhưng em đã không bao giờ quay trở lại. Sáng hôm sau, cảnh sát phát hiện ra thi thể không quần áo của Alma tại hẻm Gun, gần nơi em phải giao hàng.

Cảnh sát treo giải thưởng bằng tiền cao nhất vào thời đó, để bắt được kẻ sát nhân. Colin Ross là một trong những đối tượng tình nghi. Có nhân chứng cho biết một cô gái với mô tả rất giống bé Alma xuất hiện trước quán rượu của Ross vào thời điểm vụ án xảy ra.

Ngoài ra, Ross cũng là đối tượng bị nghi ngờ trong vụ nổ súng và cướp một khách hàng của quán rượu trước đó. Mặc dù, Ross đưa ra các bằng chứng ngoại phạm thuyết phục đó là ông đang phục vụ khách vào thời điểm vụ án được cho là xảy ra, nhưng cảnh sát vẫn nhận định chủ quán rượu này là hung thủ. Ross bị bắt và đưa ra xét xử với mức án tử hình cho tội sát nhân.

Trước khi bị hành hình, Ross gửi cho gia đình một bức thư tuyệt mệnh với lời trăn trối "một ngày nào đó người ta sẽ chứng minh tôi vô tội". Nhưng phải 87 năm sau, ngày 27/5/2008, thống đốc bang Victoria mới chính thức tuyên bố Ross vô tội. Trước đó, trong những năm 90 của thế kỷ trước, các cơ quan pháp y cho rằng việc hai nhân chứng nhìn thấy một cô gái có mái tóc màu đỏ giống Alma ở trước quán rượu của Ross là không đáng tin.

Cảnh sát mớm cung hãm hại nghi phạm gốc Phi

clarencecrop-731x1024-9211-1383637950.gi

Clarence Brandley bị kết án oan bởi ông là người da đen. Ảnh: Oneforten

Năm 1981, Clarence Brandley, một người Mỹ gốc Phi, bị kết án tử hình vì hành vi hãm hiếp và giết hại Cheryl Ferguson, nữ sinh 16 tuổi học tại trường cấp ba Bellville, bang Texas. 

Ferguson bị giết hại vào ngày 23/8/1980. Thi thể cô được Brandley và Henry Peace, bảo vệ trường phát hiện tại căn gác của giảng đường. Mọi nghi vấn tập trung vào hai người đàn ông gốc Phi trên. 

Mặc dù, Brandley qua được bài kiểm tra nói dối, nhưng điều này không thuyết phục các nhân viên điều tra. Ba nhân viên bảo vệ khác là Gary Acreman, Sam Martinez, and John Sessum, đứng ra làm chứng chống lại Brandley. Tuy nhiên, có người cho rằng điều tra viên Wesley Styles mớm cung cho họ.

Theo lời kể của Henry Peace, điều tra viên Styles từng tuyên bố một trong hai người sẽ bị treo cổ vì vụ việc lần này, bởi họ là dân da đen. Sự kiện làm dấy lên làn sóng phản đối trong xã hội Mỹ lúc đó bởi yếu tố phân biệt chủng tộc nghiêm trọng của vụ án.

Các nhà hoạt động xã hội và tổ chức nhân quyền quyên góp được 80.000 USD giúp Brandley thuê một luật sư giỏi. Tuy nhiên, phải 9 năm sau đó, tòa án Tối cao mới đưa ra phán quyết vô tội với Brandley, nhưng ông không nhận được bất kỳ một khoản tiền bồi thường và lời xin lỗi nào. 

Kiểm sát viên cứu tử tù trước giờ hành quyết

Năm 1955, An Lạc Tam, nguyên phó phòng cảnh sát huyện Giao, tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc vào thời kỳ chính phủ Dân quốc, bị kết án tử hình bởi hành vi trộm cắp, đánh đập con nợ dẫn đến tử vong 10 năm trước đó.

Tuy nhiên, cho đến trước giờ hành quyết, tử tù này cũng không hề biết việc mình bị kết án tử hình. Chỉ đến khi bị áp giải đến gần pháp trường, An mới hiểu chuyện gì đang xảy ra, rồi một mực gào thét kêu oan.

Hành vi bất thường này được kiểm sát viên Lưu Minh Trí, người giám sát thi hành án hôm đó chú ý. Với linh tính nghề nghiệp, ông Lưu quyết định tạm hoãn hành quyết và mở lại vụ án.

Trong quá trình điều tra, kiểm sát viên Lưu phát hiện cơ quan an ninh trước đó có hành vi mớm cung, bức cung. Chị An Hứa, con nợ của An Lạc Tam, chết là bởi xuất huyết trong quá trình sinh con, không liên quan gì đến nghi phạm.

Với kết quả điều tra trên, tòa án cao cấp Sơn Đông sau đó tuyên bố trả tự do cho An Lạc Tam. Đây được coi là vụ án đầu tiên ở Trung Quốc thời hiện đại được minh oan ngay trước giờ thi hành án. 

Từ tù đầu tiên được minh oan nhờ kỹ thuật ADN

screen-extra-KirkBloodswort-6921-1383637

Kirk Bloodsworth là người đầu tiên được minh oan bởi kỹ thuật phân tích ADN. Ảnh: Boise Weekly

Năm 1985, Kirk Bloodsworth nhận án tử hình sau khi bị tình nghi hiếp dâm rồi giết hại một bé gái 9 tuổi tại Rosedale, bang Maryland, Mỹ. Mặc dù, có 5 nhân chứng xác nhận việc nghi phạm có mặt cùng nạn nhân vào thời điểm vụ án diễn ra, nhưng Bloodsworth một mực tuyên bố mình vô tội. 

Trong thời gian chờ thi hành án, nghi phạm này đọc được một tài liệu về việc sử dụng ADN để xác minh thủ phạm trong các vụ án giết người. Bloodsworth yêu cầu tiến hành xét nghiệm và kết quả cho thấy mẫu tinh dịch trên người nạn nhân có cấu trúc ADN không phù hợp với nghi phạm.

Bloodsworth được trả tự do năm 1993, sau gần 9 năm trong tù. Ông cũng trở thành người đầu tiên được minh oan nhờ phương pháp phân tích ADN.

Vụ án Troy Davis

troy-davis-suit-5572-1383637950.gif

Troy Davis trên một phiên tòa xét xử. Ảnh: Technorati

Năm 1991, Troy Davis, một người Mỹ gốc Phi, bị kết án tử hình vì đã giết hại cảnh sát Mark MacPhail trong một vụ xô xát tại Savannah, bang Georgia, hai năm trước đó. Davis bị hành quyết năm 2011, nhưng một mực phủ nhận hành vi trên cho đến tận trước lúc chết.

7 nhân chứng xác nhận việc Davis bắn chết MacPhail và hai nhân chứng cho biết nghi phạm thú nhận với họ về hành vi trên. Chỉ có 5 nhân chứng cho lời khai có lợi cho Davis.

Mặc dù cảnh sát không tìm ra khẩu súng gây án và vỏ đạn tìm được tại hiện trường sau khi kiểm tra được cho là không có liên quan với vụ án, nhưng tòa án vẫn kết án tử hình với Davis.

Vụ án này nhận được sự quan tâm của toàn xã hội Mỹ và thế giới. Cựu tổng thống Jimmy Carter, Giáo hoàng Benedict XVI, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) William Sessions lần lượt lên tiếng yêu cầu xét xử lại.

Cơ quan tư pháp từng ba lần chọn ngày hành quyết Davis, nhưng sau đó đều phải tạm hoãn. Cuối cùng, việc hành quyết vẫn được tiến hành vào ngày 21/9/2011. Đến tận lúc bị tiêm thuốc độc, Davis vẫn nói: "Tôi vô tội".

Vụ án Troy Davis được coi như trường hợp điển hình của việc người da đen bị kết án oan tại Mỹ và trở thành biểu tượng cho phong trào phản đối án tử hình thế giới.

Đức Dương

Nguồn: VnExpress