Trung Quốc trước ngưỡng cửa cải cách sống còn

Ba vấn đề sống còn mà Trung Quốc đang phải đối mặt, gồm tốc độ phát triển, cơ cấu kinh tế và mâu thuẫn xã hội, sẽ được đưa ra bàn luận trong Hội nghị Trung ương ba, khóa 18 của đảng Cộng sản nước này ngày mai.   - VnExpress

13999049176744560804-3202-1383905028.gif

Chạy theo GDP sẽ hút cạn tiềm năng phát triển kinh tế của Trung Quốc và gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Trong ảnh là người dân lao động nghèo khó tại một thành phố của Trung Quốc. Ảnh minh họa: Xinminwang

Kể từ sau năm 1978 khi Trung Quốc bắt đầu đường lối cải cách mở cửa, Hội nghị Trung ương ba trở thành danh từ riêng ám chỉ lộ trình phát triển trong từng giai đoạn mới của nước này.

Hội nghị Trung ương ba khóa 11, do ông Đặng Tiểu Bình chủ trì năm 1978, đã đặt nền tảng quan trọng cho quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc 35 năm sau đó. Tuy nhiên, đi cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng mặt là hàng loạt hệ lụy như phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường và tham nhũng.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 khiến mô hình kinh tế Trung Quốc lộ ra những điểm yếu cố hữu cần giải quyết. Nhân tố tác động bên ngoài khiến mô hình phát triển kinh tế dựa vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu khó lòng duy trì lâu. Phân phối thu nhập không bình đẳng khiến mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Đồng nhân dân tệ tăng giá, giá trị tài sản và bất động sản bị thổi phồng khiến ngành công nghiệp chế tạo mất đi ưu thế cạnh tranh.

Không gian phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng bị thu hẹp. Các ngành sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng như sắt thép, than, điện lực và hóa học phát triển mạnh, gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

"Không giải quyết được các nguy cơ trên, thành quả của công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng, phát triển lâu dài sẽ không thể thành hiện thực. Chính vì vậy, khó khăn và thách thức mà Hội nghị Trung ương ba lần này đối diện thách thức không hề ít hơn 35 năm trước", Financial Times dẫn lời Giáo sư Đào Thụ Khiết, giám đốc học viện nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc đại học Nottingham, Anh.

Cũng chung nhận định trên, ông William Rhodes, giám đốc quỹ quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới State Street Global Advisers, cho biết, thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế Trung Quốc với tăng trưởng GDP đạt mức hai con số đã qua đi. Kỳ hội nghị này sẽ phải tập trung tìm ra giải pháp duy trì tốc độ phát triển 7-7,5% một năm trong thời gian dài.

Ba bài toán cấp bách

chinaecon1-articleLarge-3149-1383898939.

Phân hóa giàu nghèo là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất Trung Quốc đang đối diện. Trong ảnh là một người thợ xây nhập cư tại khu Tử Cấm Thành. Ảnh minh họa: NY Times

Tại Trung Quốc, tốc độ phát triển quá nóng là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến khả năng phát triển của nền kinh tế trong tương lai. Hạ tăng trưởng GDP ở mức hợp lý không đồng nghĩa với dừng phát triển, mà là vì một xu thế phát triển lâu dài hơn, hiệu quả hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây cũng đặc biệt nhấn mạnh không lấy phát triển GDP làm tiêu chí đánh giá duy nhất. 

“Chủ nghĩa GDP không những không thể góp phần xây dựng giấc mơ Trung Quốc mà còn sẽ có tác động phá hoại. Chủ nghĩa GDP không những không giúp Trung Quốc phát huy tiềm năng phát triển, mà sẽ hút cạn những tiềm năng ấy trong thời gian ngắn”, tờ Zaobao của Singapore dẫn lời Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên, giám đốc học viện nghiên cứu Đông Á thuộc đại học quốc gia Singapore (NUS). 

Chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế là câu trả lời cho bài toán nâng cao chất lượng tăng trưởng GDP. Nội hàm quan trọng của quá trình này là thông qua việc hạn chế ở mức thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao tăng trưởng GDP.

"Sáng tạo khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu suất sử dụng của nguồn nhân lực và tài nguyên trong ngành công nghiệp chế tạo, từ đó chuyển dịch nhân công sang lĩnh vực dịch vụ, là những bước quan trọng nhằm nâng cao nội lực nền kinh tế Trung Quốc", ông Đào Thụ Khiết cho biết.

Năm 2012, chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên sau 10 năm công bố chỉ số đánh giá phân hóa giàu nghèo (Gini) của nước này đạt 0,474, vượt ngưỡng an toàn 0,4. "Phân phối không công bằng là ngọn nguồn của mọi vấn đề xã hội tại Trung Quốc", chuyên gia kinh tế Mao Vu Thức cho biết. Ông Mao nổi tiếng tại Trung Quốc với quan điểm ủng hộ tự do hóa tối đa nền kinh tế. 

Cùng quan điểm trên, Giáo sư Trịnh thuộc NUS cho rằng "một xã hội ổn định cần hai yếu tố, thứ nhất là nền tảng phát triển kinh tế, thứ hai là cơ chế phân phối công bằng".

Đặng Tiểu Bình đưa ra khẩu hiệu "để một bộ phận khu vực và người dân giàu trước", nhằm mục đích khơi dậy tính tích cực trong lao động sản xuất của người dân. Nhưng vế sau của câu nói này cũng rất quan trọng, "để giúp đỡ những khu vực và người dân khác, từ đó đạt mục tiêu cùng giàu".

Chính vì vậy, cải thiện cơ chế phân phối kinh tế là một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong kỳ hội nghị lần này. Nâng cao tỷ lệ tiền lương trong giá thành sản xuất, phá vỡ thế độc quyền, tăng cơ hội việc làm và xây dựng môi trường cạnh tranh kinh doanh công bằng hơn, được cho là những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tình trạng phân phối bất công hiện nay.

Các nhà lãnh đạo nước này nhiều lần khẳng định, sau 35 năm cải cách mở cửa, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Trung Quốc cũng đang gặp nhiều thách thức mà chỉ có tiếp tục đi sâu cải cách mới giải quyết được. Ông Du Chính Thanh, ủy viên thường trực Bộ Chính trị, chủ tịch Ủy ban Chính hiệp, từng phát biểu thể hiện quyết tâm của ban lãnh đạo nước này: "Làm sâu sắc hơn cải cách là nhu cầu và hơn nữa là cơ hội phát triển. Phạm vi, mức độ của đợt cải cách lần này sẽ là chưa từng có". 

Đức Dương (tổng hợp)

Nguồn: VnExpress