Biển Đông chứa đựng nguy cơ bất ổn

Hội thảo quốc tế lần thứ 5 về Biển Đông hôm qua khai mạc tại Hà Nội, trong đó các học giả nhấn mạnh nguy cơ bất ổn vẫn còn tại vùng biển này.  - VnExpress

Các học giả đánh giá Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn

Các học giả quốc tế đánh giá Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Trong hình, hải đăng đảo Tiên Nữ, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: Nghiencuubiendong

Hội thảo quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, diễn ra trong hai ngày 11 và 12/11.

Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu quốc tế gồm học giả và quan chức chính phủ đến từ hơn 30 nước và vùng lãnh thổ, đại diện ngoại giao đoàn tại Việt Nam, và các học giả, đại biểu Việt Nam.

Đây là năm thứ 5 liên tiếp, kể từ năm 2009, hội thảo được tổ chức. Mục tiêu của hội thảo năm nay là chia sẻ thông tin cũng như những nghiên cứu mới nhất của các học giả quốc tế và khu vực về Biển Đông, trao đổi sâu về những diễn biến gần đây, về lợi ích và chính sách của các bên liên quan, phân tích các khía cạnh của luật pháp quốc tế và đề xuất những kiến nghị mới nhằm đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Hội thảo có 9 phiên họp và tập trung vào thảo luận về nhiều chủ đề. Tại phiên thảo luận hôm qua, nhiều học giả đánh giá Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, dù trong năm 2013 tình hình đã có phần được cải thiện.

Học giả Dong Manyan, Trung Quốc, cho rằng trong năm qua, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực ổn định quan hệ với các nước láng giềng, trong đó đạt bước tiến tích cực trong hợp tác trên biển với Việt Nam và làm ấm quan hệ với ASEAN. Ông tin rằng các tranh chấp biên giới lãnh thổ trong khu vực sẽ dịu đi trong thời gian tới.

Học giả Carl Thayer, Australia, cho rằng ASEAN đã có động thái tích cực khi củng cố được đoàn kết nội khối và khởi động tham vấn với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông. Indonesia, Brunei và Thái lan đã có vai trò quan trọng giúp ASEAN lấy lại được đoàn kết và uy tín trong vấn đề Biển Đông.

Thảo luận về vai trò của Công ước luật biển Liên Hợp Quốc trong tranh chấp Biển Đông, các học giả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế nói chung và Công ước nói riêng.

Học giả Clive Symmons của Anh cho rằng học thuyết quyền lịch sử không có cơ sở trong luật quốc tế hiện đại. Đường lưỡi bò của Trung Quốc không thể dựa trên học thuyết quyền lịch sử và cho rằng Trung Quốc cần phải làm rõ cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò.

Học giả Robert Beckman, Singapore, nhận định tầm quan trọng của việc làm rõ các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Vùng tranh chấp chỉ được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Luật biển 1982 về xác định đường cơ sở và các vùng biển phải tạo ra từ lãnh thổ đất liền cũng như các đảo.

Học giả Nguyễn Đăng Thắng, Việt Nam, khẳng định cơ sở luật pháp quốc tế là yếu tố cần thiết để phát triển mô hình khai thác chung tại Biển Đông, trong đó, Trung Quốc cần làm rõ đề xuất khai thác chung cũng như yêu sách đường lưỡi bò. Các bên trong tranh chấp tại Biển Đông nên nhờ một cơ quan thứ ba khách quan giúp giải thích quy chế pháp lý của đảo theo Công ước Luật biển áp dụng vào các đảo tại Biển Đông.

Tuy nhiên, các học giả cho rằng quy định của luật pháp quốc tế điều chỉnh hành vi của các bên trong vùng biển tranh chấp vẫn chưa đầy đủ, nên việc xây dựng một Bộ luật ứng xử tại Biển Đông là một yêu cầu cấp thiết để quản lý tranh chấp và phòng ngừa xung đột.

Hôm nay, hội thảo sẽ tiếp tục thảo luận về nhiều chủ đề khác, trong đó có “Đánh giá Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và việc thực thi DOC”. 

Anh Ngọc

Nguồn: VnExpress