Những người nước ngoài nặng tình với Tướng Giáp
- 10/14/2013 8:31:06 AM
Họ là những công dân Pháp, Mỹ có cơ hội được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để khi ông ra đi, những kỷ niệm với vị tướng chân thành, gần gũi lại ùa về. - VnExpress
Tom Claytor và bức ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Thanh Tùng |
Trong đám đông nóng lòng chờ linh xa của Đại tướng đi qua, có một người đàn ông nước ngoài cao lớn chít khăn tang mang dòng chữ: "Mãi mãi nhớ ơn: Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Ít ai biết, đó là Tom Claytor, người Mỹ đầu tiên đáp máy bay riêng đến Việt Nam sau chiến tranh, vào tháng 10/2001.
Tom cầm khư khư bức ảnh cũ chụp ông và Tướng Giáp đang trò chuyện. "Cuộc gặp gỡ đó là một vinh dự, bởi tôi rất khâm phục những gì bác cống hiến để đất nước giành được độc lập", Tom nói.
"'Trước khi gặp bác, tôi được phỏng vấn trên truyền hình. Người ta hỏi tôi rằng chuyện xin đáp máy bay riêng đến Việt Nam hẳn sẽ rất mất công. Và tôi đáp: Việt Nam có một câu tục ngữ 'Có công mài sắt, có ngày nên kim'".
Tướng Giáp vô tình xem được chương trình này và đó là lý do ông đồng ý gặp chàng phi công Mỹ.
"Bác bảo: 'Tôi đã xem buổi phỏng vấn của cậu trên tivi, câu tục ngữ mà cậu dùng để lời phỏng vấn chính là điều mà tôi nói với các chiến sĩ khi họ được lệnh kéo pháo vượt núi. Kỷ niệm đó rất đặc biệt với tôi, vì vậy tôi muốn gặp cậu'", Tom kể lại lời Tướng Giáp với giọng run rẩy, mắt nhòa lệ.
Sau cuộc trò chuyện khoảng 45 phút tại số 30 Hoàng Diệu, Tướng Giáp đã tặng Tom cuốn sách "Điện Biên Phủ", bao gồm những câu chuyện về lòng dũng cảm, tình bạn cho đến mọi sự kiện xảy ra trong cuộc đời vị tướng.
"Con người bác là sự kết hợp tuyệt vời giữa trí thông minh và lòng nhân ái. Mọi điều ẩn chứa trong tâm hồn đều thể hiện qua đôi mắt hiền hòa của bác", Tom nói và cho biết chính vị tướng đã truyền cảm hứng giúp ông hoàn thành cuốn sách đang ấp ủ về việc đi vòng quanh thế giới.
"Lần này trở lại Việt Nam để viếng bác, tôi quả thật rất xúc động. Tôi mới đặt chân đến Hà Nội hôm qua và cũng đứng xếp hàng nhiều giờ liền. Mặc dù vậy, tôi thấy việc đứng đợi như thế này rất quan trọng. Nó như một cách giúp người ta tĩnh tâm. Tôi được các bạn tình nguyện viên hướng dẫn chỉnh đốn lại trang phục, cài lại cổ áo, thả hết tay áo xuống để bày tỏ lòng kính trọng đến người đã khuất. Nhờ đó chúng tôi trở nên thân thiết với nhau hơn", Tom cho biết.
Tom cho rằng lễ tang Tướng Giáp rất đặc biệt và đây là lần đầu tiên ông được chứng kiến sự tiếc thương lớn lao đến vậy. "Bác Giáp giống như một người thầy, tôi vẫn nhớ lời dạy của bác rằng bạn có thể chiếm lấy toàn bộ thế giới, nhưng điều mà bạn sẽ đánh mất là hòa bình. Để châm ngòi cho một cuộc chiến thì là chuyện rất dễ dàng, nhưng bạn sẽ không bao giờ biết kết thúc sẽ thế nào, và chuyện gì sẽ xảy ra. Vì thế, tôi nghĩ trước khi làm bất kỳ điều gì, con người ta phải suy nghĩ thật kỹ những điều mình sẽ tuyên bố".
Người dự hai lễ Quốc tang Pháp, Việt
Nhà làm phim Vincent Beaumont xem lại những thước phim quay được về hàng người nối dài chờ viếng Tướng Giáp. Ảnh: Trọng Giáp |
Năm 15 tuổi, Vincent Baumont, từ ngoại ô, một mình lên thủ đô Paris dự quốc tang cựu tổng thống Pháp Francois Mitterand, người lãnh đạo nước Pháp suốt 14 năm. Gần 20 năm sau, anh lại hòa vào dòng người Việt đi viếng Tướng Giáp trên phố Hoàng Diệu, để ghi nhớ tình cảm trân trọng của người dân Việt Nam đối với Đại tướng mạnh mẽ đến nhường nào.
Hạn chót của dự án riêng sắp cận kề, nhưng ngày 10/10, Vincent vẫn cố gắng vác máy ảnh lên số 30 phố Hoàng Diệu, ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ghi lại hình ảnh đoàn người xếp hàng dài dằng dặc. "Tất cả đều đến để bày tỏ sự kính trọng Đại tướng. Ở đây không phân biệt giai cấp, tuổi tác, giới tính. Người già, thanh niên, người mặc quân phục, người béo, người gày, người 'siêu trẻ' và cả người phương tây đều có chung một cảm xúc", anh nói.
Lấy vợ người Việt, ở Việt Nam 3 năm, chàng trai Pháp hiểu rõ đây là thời điểm quan trọng trong lịch sử đất nước Đông Nam Á. "Đây là sự chấm dứt của một thời kỳ lịch sử. Đó là giai đoạn người ta có niềm tin và lý tưởng mãnh liệt, khi người ta có thể hy sinh vì điều họ tin tưởng. Tôi nghĩ rằng sẽ ngày càng khó để tìm được những người có hành động như thế", Vincent nói.
Theo chân một nhà làm phim về Tướng Giáp, năm 2011, chàng trai Pháp có dịp cùng vợ đến nhà Đại tướng, gặp và trò chuyện người con trai cả Võ Điện Biên. Dù không được gặp vị tướng nổi tiếng, những điều anh được biết qua báo chí, phim ảnh và những câu chuyện đã đem đến cho anh những ấn tượng tốt.
"Ông dường như là một người chân thật, không chơi trò chơi chính trị, và tiếng Pháp của ông thật ấn tượng, cách dùng câu cú thậm chí còn tốt hơn nhiều người Pháp chính cống, dù ông vẫn có chút ngữ điệu Việt".
Với hai ngày Quốc tang khi các công viên đóng cửa, các kênh truyền hình giải trí tạm ngừng phát sóng, Vincent cho rằng "đây là thời điểm tốt để người Việt lắng mình, xích lại gần nhau và cùng nhớ về những công lao của Đại tướng".
Cuộc gặp gỡ đầy xúc động
Christian Décout vui mừng khi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 9/4/1999. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
"Hôm nay là một ngày buồn đối với đất nước Việt Nam. Tôi muốn chia sẻ với gia đình và bạn bè Việt Nam của tôi niềm tiếc thương này", Christian Décout viết trong thư gửi VnExpress.
Người đàn ông sinh năm 1949 không quên kể lại cuộc trò chuyện đầy xúc động với người ông gọi là "vị tướng huyền thoại", trong một chuyến thăm Việt Nam gần 15 năm trước.
"Buổi sáng ngày 9/4/1999, trong tôi có một cảm giác khang khác và an tâm hơn mọi ngày. Quả thế, một cuộc gọi cho tôi biết là Đại tướng dành cho tôi cuộc hẹn: một chiếc xe chờ tôi ở ngay trước khách sạn, để đến một ngôi biệt thự, với phong cách kiến trúc của Pháp thời đầu thế kỷ", thư viết.
"Tôi thật không tưởng tượng nổi là có ngày được ngồi bên cạnh một nhân cách đã để lại dấu ấn đặc biệt trong thời niên thiếu của tôi", ông cho biết.
Tướng Giáp mời Christian dùng trà, và cuộc trò chuyện diễn ra một cách thân mật bằng tiếng Pháp. Ông cho biết Đại tướng bày tỏ sự tiếc nuối vì chưa bao giờ có dịp đặt chân đến nước Pháp. Ông cũng ấn tượng khi được lắng nghe vị cựu giáo sư về sử học nói một cách thông thạo về tiến triển tình hình kinh tế của đất nước mình.
"Tôi hết sức kinh ngạc về sự sáng suốt và nhanh nhẹn của Tướng Giáp cũng như tấm lòng hết mực nhân ái của ngài. Tôi bày tỏ với ngài niềm quan tâm đối với lịch sử Việt Nam cũng như sự gắn bó của tôi với đất nước này. Tôi kể vắn tắt với ngài về những lộ trình tham quan những địa danh của Việt Nam như khu vực Đồng Đăng, về con đường chất chứa nhiều sự kiện lịch sử, được biết đến dưới thời Pháp thuộc với cái tên RC4, nối Lạng Sơn với Cao Bằng, xuyên qua muôn vàn cảnh quan đẹp như mơ", Christian kể.
"Anh còn rất trẻ", vị tướng nói nhỏ với Christian. Và Christian đáp lại, có phần hơi bất ngờ: "Tôi cũng gắng để được trẻ lâu!"
Khi Tướng Giáp hỏi thăm về gia đình và cuộc sống riêng tư, Christian thú nhận mình vừa bước qua tuổi 50. Nghe vậy, Đại tướng thoáng nở một nụ cười và bộc bạch với một niềm tự hào hết sức tự nhiên. Lúc mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, vị tướng mới 43 tuổi.
Cuộc trò chuyện diễn ra vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên. Nhân dịp này, Đại tướng đã đề tặng Christian tác phẩm "Điện Biên Phủ", và thêm cuốn "Những năm tháng không thể nào quên", trong đó xen lẫn những hồi ức cùng những suy ngẫm của vị tướng.
Trọng Giáp - Tùng Trương
Nguồn: VnExpress