Xếp hàng từ mờ sáng chờ tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trước cửa ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, cả nghìn người đang túc trực với mong muốn được nhìn thấy Đại tướng lần cuối cùng ở Thủ đô. Không ít trong số họ đã thức trắng đêm qua, thắp nến, dâng hoa tưởng niệm Người.  - VnExpress

Từ 6h sáng nay, toàn bộ đường Hoàng Diệu đã đông kín người, họ xếp hàng tràn trên dải phân cách và lòng đường phía hướng đối diện nhà số 30, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình sinh sống hàng chục năm qua. Một dàn người ngồi ở dải phân cách trên tay cầm hoa cúc vàng, hướng ánh nhìn vào ngôi nhà, bái vọng Đại tướng.

Cụ Lê Bá Thêm, 82 tuổi ở Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) có mặt ở đây từ 4h sáng. Tuổi cao, sức yếu, mấy hôm trước không thể tới nhà Đại tướng nhưng hôm nay là ngày cuối cùng còn cơ hội trông thấy người, nên cụ dứt khoát phải tới. Cụ từng trải qua hai cuộc chiến và là lính trực tiếp của Đại tướng.

DSC-0925-4663-1381621692.jpg

Anh Hồ Văn Thanh ôm con đứng khóc trước nhà Đại tướng.

Tại các điểm Nhà hát lớn, Đại học Tổng hợp, từ lúc 5h45, bắt đầu có những người đầu tiên chờ đợi.

Bác Phạm Văn Ngọc, đội bảo vệ phường Phan Chu Trinh, 73 tuổi, có mặt trước Đại học Tổng hợp lúc 6h chia sẻ: "Tôi không cảm thấy vất vả, trong những ngày này, mọi người dân ai cũng muốn đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình. Chúng tôi có nhiệm vụ góp phần giữ gìn trật tự trên đường di chuyển linh cữu Đại tướng. Không chỉ tôi mà tất cả người dân VN đều biết ơn Đại tướng vì những công lao to lớn của người".

Lại Thiên Tuấn, Hải Dương, 34 tuổi, ôm cô con gái 8 tuổi ngủ ngon lành trong lòng, chia sẻ với VnExpress: "Hai bố con lên đây viếng bác Giáp từ 1h30 đêm qua ở nhà tang lễ nhưng không kịp, nên chúng tôi lang thang quanh nhà tang lễ, ăn mì tôm lót dạ và giờ có mặt ở ĐH Tổng hợp xếp hàng đưa tiễn bác lần cuối. Cháu nhà tôi khi bố bảo đi viếng bác Giáp là hớn hở xin đi. Mặc dù cháu hơi mệt do phải thức trắng đêm đứng đường cùng bố, nhưng đây là ngày cuối cùng bác ở Hà Nội nên cố gắng thôi. Trong tâm trí tôi, bác Giáp là người vô cùng tuyệt vời, xứng đáng để thế hệ con cháu noi theo".

Mọi người trò chuyện sôi nổi, người trẻ ngồi quạt cho nhau, người già kể lại chiến dịch Điện Biên.

6h sáng, người dân xung quanh khu vực Nhà hát Lớn, Tràng Tiền, Trần Thánh Tông đã tập trung hai bên đường. Lệnh cấm đường sẽ được thực hiện sau 7h nên đa số các phương tiện vẫn di chuyển chậm xung quanh Nhà hát Lớn.

Bà Nguyễn Thị Bích Hoà, nhà ở Tràng Tiền, chia sẻ, bà dậy từ 5h15 sáng, đi bộ quanh khu vực nhà tang lễ để cảm nhận không khí, những khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong cuộc đời mình. Với bà, Đại tướng là một con người vĩ đại, bởi sự giản dị, hiền hậu và tài năng xuất chúng. Bà cũng cho biết, hôm qua đã xếp hàng từ 14h đến 22h nhưng không thể vào viếng đại tướng vì quá đông.

* Ảnh: Dòng người xếp hàng dọc đường linh cữu đi qua

Trước đó, từ 1h sáng 13/10, người dân đã tập trung rất đông ở trước cổng để chờ đưa Đại tướng về Quảng Bình. Đưa con đến vái vọng vào nhà Đại tướng, anh Hồ Văn Thanh, một công nhân làm việc ở Hà Nội nước mắt lưng tròng. Anh chưa có dịp gặp nhưng rất thần tượng, kính trọng, biết ơn Người. Hôm biết tin Bác mất, anh thấy hụt hẫng và buồn thương. Mấy buổi vừa qua vì bận công việc cộng thêm chuyện con trai bị ốm nên anh không đến viếng. Biết hôm nay là cơ hội cuối cùng, nên sau khi đưa con đi bệnh viện khám, anh vội đưa con tới đây chắp tay vái Người. 

Cô Điệp, nhà ở Hải Phòng cùng bạn bè bắt xe lên thủ đô lúc 11h đêm. "Mấy bữa trước bận nhiều việc nên chưa lên viếng Đại tướng được. Hôm nay là buổi cuối Người ở thủ đô nên dù muộn chúng tôi vẫn gắng bắt xe lên thắp nén nhang, cô Điệp nói. Cô không dám rời khỏi vị trí đứng của mình từ đêm qua, vì sợ không thể quay trở lại.

Anh Long, nhà ở Hà Đông cũng chung nỗi lo sáng mai không chen được vào trong nên quyết định ở lại qua đêm trước cửa nhà Đại tướng. 

DSC-1036-2516-1381621692.jpg

Nhóm "Thế hệ trẻ dòng họ Vũ - Võ Việt Nam" thắp nến, niệm kinh tưởng niệm Đại tướng. 

Trong đêm 12 - rạng sáng ngày 13 ở một số địa điểm như Bắc Sơn và công viên Lê Nin một số nhóm bạn trẻ đã có hoạt động tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Tại khu Bắc Sơn, hơn 100 người của "Thế hệ trẻ dòng họ Vũ - Võ Việt Nam" cùng thắp nến, niệm phật cầu siêu cho Đại tướng. Trước đó họ đã xếp hàng diễu hành qua 30 Hoàng Diệu, dành một phút mặc niệm tới người đã khuất. 

Theo Vũ Đức Trí, một thành viên trong Ban tổ chức thì ngoài 100 bạn mặc áo đồng phục hình Đại tướng tham gia thắp nến cầu siêu, nhóm "Thế hệ trẻ dòng họ Võ - Vũ Việt Nam" còn 300 người nữa đứng rải rác trước cổng nhà bác Giáp. Các bạn này đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước như Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái, Thái Bình, Nam Định, thậm chí cả ở Đà Nẵng, Quảng Trị... Sau khi viếng trong nhà tang lễ, nhóm mới cùng nhau ra khu nhà Đại tướng ở để làm lễ thắp nến tưởng niệm này. 

Võ Văn Chi, 27 tuổi, một thành viên của nhóm "Thế hệ trẻ dòng họ Vũ - Võ Việt Nam" mới bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội trưa qua. Trước khi ra thủ đô anh đã xác định mình sẽ chẳng được vào trong viếng Đại tướng vì đọc báo thấy nói đông người xếp hàng quá. Anh chỉ mong được đứng trước nhà bác Giáp vái vọng vào trong để thể hiên lòng tôn kính ngưỡng mộ với người. Khi đi cùng đoàn được vào sớm viếng Bác, anh Chi cảm thấy rất may mắn, mãn nguyện. Bởi kính trọng và ngưỡng mộ đại tướng từ lâu, anh đã, đang và hứa sẽ tiếp tục công tác thật tốt để báo công với Người.

Vũ Thị Thủy, 23 tuổi, kinh doanh tại Hà Nội nước mắt ướt đầm trên má kể rằng, 3 ngày nay, hôm nào cũng tới viếng Đại tướng một lần. Tuy chưa có dịp gặp bác Giáp khi người còn sống nhưng Thủy rất tự hào, tôn kính vĩ nhân dân tộc của dòng họ mình. 

Tại khu tượng đài Lê Nin lúc 1h30 sáng 13/10, một nhóm khoảng 50 bạn trẻ thuộc đội "Trái tim vì cộng đồng" - những người ham mê phượt đã cùng nhau thắp nến tương niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các bạn này cho biết, sáng mai mình sẽ có mặt sớm ở 30 Hoàng Diệu để phát băng tang cho người dân. 

Cùng hàng nghìn người chờ đợi trên phố Tràng Tiền, bà Vũ Thị Minh lặn lội từ Gia Lâm sang đây từ lúc 4h sáng. Cách đây không lâu, bà bị tai nạn phải đeo nẹp cột sống. Dù vẫn còn rất đau nhưng người phụ nữ 67 tuổi cho hay: “Đau thân thể có xá gì với nỗi đau tinh thần mà cả dân tộc này đang phải gánh chịu. Đại tướng là người nhân dân thực sự kính trọng và tôn thờ”.

Biết Đại tướng sẽ trở về với đất mẹ Quảng Bình sau gần một thế kỷ xa quê, bà Minh cũng thấy mãn nguyện và bảo sau này khi sức khỏe tốt hơn, nhất định bà sẽ viếng thăm mộ Người một lần cho thỏa tấm lòng.

Hơn 6h sáng, hàng trăm người dân tập trung dọc tuyến đường Kim Mã - Cầu Giấy và đổ về ngày càng đông. Đường Kim Mã có hàng cây râm mát, người dân ngồi xếp thành hàng dài ngay ngắn trên vỉa hè từ sáng sớm. Không ai bảo ai, họ truyền cho nhau những trang báo ngồi cho đỡ mỏi chân. Trang nào có tin tức, hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người dân giữ lại đọc hoặc gấp cẩn thận rồi cầm trên tay.

Tay cầm gói xôi xòn đang ăn dở, những người phụ nữ trung niên kể cho nhau nghe câu chuyện 1.559 ngày Đại tướng nằm viện, rồi chuyển hướng thông tin về miền đất Quảng Bình “Tháng mười này, đất Quảng chịu nhiều mất mát, đau thương quá. Bão vừa mới tan đã đón nhận tin bác Giáp qua đời”. Tiếng ai đó vang lên khiến cho không khí chùng hẳn xuống.

Anh Nguyễn Văn Thùy (Ngọc Hà, Ba Đình) đưa vợ và hai con đi tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi Người rời xa Hà Nội mãi mãi. Anh nhận xét: “Đây là tuyến đường dễ quan sát nhất khi linh cữu Đại tướng đi qua”. Từng phục vụ quân ngũ, anh Thùy ngưỡng mộ và kính trọng tài đức vị tướng huyền thoại đã lâu nên đưa cả gia đình đi đưa tiễn Người. “Tôi muốn sau này chúng lớn lên sẽ được nghe những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài học lịch sử chính là ở đây”, anh Thùy nói.

sanbay-1681-1381621693.jpg

Sân bay Nội Bài sẵn sàng đón Đại tướng.

Lúc 4h30 sáng, khi thành phố vẫn còn say ngủ, khu vực VIP của sân bay Nội Bài đã sáng đèn chuẩn bị đón linh cữu Đại tướng. Bên ngoài khu vực VIP A, một tấm biển đã được dựng lên từ hôm qua trên cổng chào với nội dung "Vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Các cửa ra vào đã được niêm phong. Trước khi niêm phong được bóc ra, các nhân viên tại đây tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Nhân viên của sân bay đi vào cũng phải qua khâu kiểm tra an ninh, anh Lê Đức Hưởng, nhân viện đội an ninh của Nội Bài cho biết. Anh Nguyễn Văn Nghĩa, đội trưởng đội an ninh kiểm soát khu bay cũng cho hay hôm nay, lực lượng an ninh cử 100 chiến sĩ để bảo vệ khu vực VIP A, nơi sẽ diễn ra buổi tiễn đưa Đại tướng lên máy bay. 6h sáng, các lực lượng an ninh đã có mặt đầy đủ. Mặc đồng phục an ninh, các chiến sĩ tại đây sẽ đeo băng tang ở trước ngực để tỏ lòng thành kính trước vị tướng huyền thoại. 

Sau lễ truy điệu tại Nhà tang lễ Quốc gia, xe chở linh cữu Đại tướng sẽ di chuyển qua nhiều tuyến phố và lên đến sân bay Nội Bài lúc 11h.

Nhóm phóng viên

Nguồn: VnExpress