Ồ ạt dỡ nhà, đào vườn nuôi tôm bán cho thương lái

Bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương, hàng loạt người dân ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đào vườn, thậm chí dỡ cả nhà để đào hồ nuôi tôm trái phép bán cho thương lái Trung Quốc.  - VnExpress

9-10-Anh-1-Nuoi-tom-trai-phep.jpg

Mặc dù quĩ đất không nằm trong vùng qui hoạch nuôi tôm của chính quyền địa phương, song liên tục nhiều tháng qua, hàng trăm người dân ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê đã đào tung cả vườn nhà, đất trồng cây cói (dùng làm chiếu)  để làm hồ nuôi tôm trái phép với giấc mơ đổi đời nhanh. Đất trồng cói bỏ hoang, nhiễm phèn mặn nhiều năm qua giờ đây được người dân đổ xô đến mua với giá cao để đào hồ nuôi tôm bán cho thương lái Trung Quốc. 

9-10-Anh-2-Nuoi-tom-trai-phep.jpg

Đang sở hữu 4 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng ông Nguyễn Thân ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê vẫn tiếp tục mua đất trồng cói bị bỏ hoang (gần sát khu dân cư Khê An) để đào hồ thứ 5 nuôi tôm. "Vụ tôm năm nay thương lái Trung Quốc đến tận hồ thu mua tôm thẻ chân trắng với giá mỗi ký 160.000 đồng (cao hơn 35.000 đồng so với năm ngoái). Chỉ qua hai lứa, gia đình tôi đã thu về bạc tỷ", ông Thân hồ hởi cho hay.

9-10-Anh-3-Nuoi-tom-trai-phep.jpg

Không có đất, người dân ở xã Tịnh Khê đã đào cả khu vườn và vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng để hạ công tơ điện, mua bạt, con giống, hệ thống sục khí làm hồ ngay sát nhà. Nguồn nước họ sử dụng để nuôi tôm chủ yếu là nước ngầm từ các giếng đóng.

9-10-Anh-4-Nuoi-tom-trai-phep.jpg

Không có đất vườn, gia đình ông Võ Tấn Phượng ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê tháo dỡ 2/3 ngôi nhà để lấy đất làm hồ. "Thấy người ta nuôi tôm bán cho thương lái được nhiều tiền nên tôi bàn với con trai dỡ nhà để lấy đất nuôi tôm. Đợi qua mấy kỳ thu hoạch nếu tôm được mùa, được giá, lúc đó sẽ xây lại nhà", ông Phượng nói. 

9-10-Anh-5-Nuoi-tom-trai-phep.jpg

Đường làng bị biến thành "bờ bao" kè cho hồ nuôi tôm giữa khu dân cư đông đúc. Thống kê sơ bộ của UBND xã Tịnh Khê, chỉ tính riêng thôn Cổ Lũy đã có ít nhất 65 hộ dân đào khoảng 70 hồ nuôi tôm trên tổng diện tích mặt nước gần 98.000 m2. Hầu hết các hộ dân sử dụng đất làm hồ không đúng mục đích, sai qui hoạch, trong đó đáng lo ngại là đào cả vườn và dỡ nhà cửa làm hồ giữa khu dân cư đông đúc. 

9-10-Anh-6-Nuoi-tom-trai-phep.jpg

Trao đổi với VnExpress, ông Lư Văn Tin, Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết, tình trạng ồ ạt nuôi tôm trái phép bán cho thương lái Trung Quốc của người dân trên địa bàn xã đã vượt quá "tầm kiểm soát" của địa phương. "Họ lén lút đào vườn làm hồ cả ngày nghỉ, chủ nhật hay ban đêm nên chúng tôi khó thể kiểm soát. Hiện các giếng nước sinh hoạt tại những thôn có dân nuôi tôm đề cạn kiệt, nhiễm mặn, khu dân cư ô nhiễm", ông Tin lo ngại. 

9-10-Anh-8-Nuoi-tom-trai-phep.jpg

Không chỉ đào hồ trong vườn, nhiều hộ dân nuôi tôm ở xã Tịnh Khê đã xả nước thải hôi thối tràn lan ra đường. Lãnh đạo xã Tịnh Khê đang "đau đầu trước thực trạng, người dân nuôi tôm nơi đây thấy cái lợi trước mắt chứ không  nghĩ về lâu dài cho môi trường sống của mình". 

9-10-Anh-9-Nuoi-tom-trai-phep.jpg

Theo thống kê, nhiều hộ nghèo đã vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng để đào hồ nuôi tôm. Nếu tôm xảy ra dịch bệnh hoặc  thương lái Trung Quốc đột ngột dừng thu mua thì họ phải đối mặt với nợ nần chồng chất. Lão ngư này cho biết đã cầu mong vụ nuôi tôm năm nay không xảy ra dịch bệnh, giá cả ổn định để gia đình không phải lâm cảnh trắng tay.

9-10-Anh-10-Nuoi-tom-trai-phep.jpg

Theo Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, để chấn chỉnh, thời gian tới chính quyền địa phương sẽ có chế tài xử phạt nghiêm, yêu cầu các chủ hồ hoàn trả lại mặt bằng như ban đầu. Nếu không tuân thủ, xã sẽ tổ chức cưỡng chế theo qui định của pháp luật nhằm tránh ô nhiễm môi trường gây phát sinh dịch bệnh, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn. 

Trí Tín

Nguồn: VnExpress