Bão Nari uy hiếp, hơn 150.000 người miền Trung sơ tán

Các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đang khẩn cấp sơ tán hơn 150.000 dân phòng tránh nguy hiểm trước khi cơn bão Nari, được cho là mạnh tương đương với bão Wutip đang áp sát với cấp 12-13. - VnExpress

14-10-Song-lon-Lson-9133-1381729362.jpg

Mặc dù bão Nari chưa đổ bộ vào đất liền nhưng từ rạng sáng đến trưa 14/10 ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã xuất hiện những cột sóng dội vào bờ cao 5-7m uy hiếp các khu dân cư ven biển. Ảnh: Trí Tín.

Sáng 14/10, người dân các tỉnh miền Trung hối hả đưa tàu thuyền lên bờ, giằng buộc cố định chống va đập tại các vũng neo đậu. Hàng chục nghìn hộ dân ven biển Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng dùng bao tải xúc cát, dây thừng giằng mái nhà chắc chắn để chống bão số 11. 

Mặc dù bão Nari chưa vào đất liền nhưng từ rạng sáng đến trưa 14/10 ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh lên cấp 8, giật trên cấp 10, những cột sóng lớn từ 5 đến 7 m liên tục dội vào bờ. Dọc theo hai bên trục đường chính của huyện đảo Lý Sơn, gió lớn đã quật đổ nhiều cây và giật sập nhà ông Đặng Oai ở thôn Tây, An Hải. Hàng chục hộ dân đã được di dời đến vùng an toàn.

Thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, các địa phương đã lập phương án sẵn sàng sơ tán khoảng hơn 54.000 hộ dân với 216.000 nhân khẩu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ cho biết, tỉnh đã yêu cầu các huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn, Sơn Tịnh, huyện đảo Lý Sơn và các huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà di dời gần 5.200 hộ dân với 21.300 nhân khẩu trong vùng ảnh hưởng bão, ngập lụt, sạt lở núi...

"Bão số 11 đổ bộ vào thì công tác sơ tán dân đến các trường học, trụ sở cơ quan, nhà dân kiên cố an toàn hoàn thành trước 21h tối 14/10. Riêng các huyện miền núi cần dựng ngay lều bạt tạm, di dời dân đến ở khu vực an toàn đề phòng nguy hiểm tính mạng do sạt lở núi. Nếu bão đổ bộ tỉnh sẽ chỉ đạo ngành giáo dục cho học sinh nghỉ học vào ngày mai (15/10)", ông Thọ nhấn mạnh. 

Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi nhận định, do có khả năng nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 11, nên vùng biển Quảng Ngãi từ chiều nay đến ngày 15/10 sẽ có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 12-13; biển động dữ dội. Vùng ven biển các địa phương phía bắc Quảng Ngãi sẽ có gió cấp 6, giật trên cấp 7; sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 10-11. Trong đất liền sẽ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông. "Cơn bão số 11 có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng và còn có khả năng đổi hướng khi vào gần bờ nên người dân cần cẩn trọng đề phòng", ông Sỹ nói. 

Trước diễn biến phức tạp của bão Nari, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã tổ chức sơ tán khẩn cấp khoảng 11.000 hộ dân với gần 55.000 nhân khẩu tại vùng ven biển quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn... hoàn thành trước 17h chiều nay. 

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng lo ngại, có nguy cơ tâm bão số 11 (sức gió cấp 10-11, giật cấp 14-15) có sức tàn phá chẳng khác gì cơn bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006. 

14-10-Anh-2-Song-lon-6956-1381722850.jpg

Ngư dân Quảng Ngãi đưa tàu thuyền, ghe thúng vào bờ trú tránh bão. Ảnh: Trí Tín.

Trong khi đó, Trung tâm dự báo khí tượng Trung ương dự báo, bão số 11 đổ bộ kèm theo mưa to ở phía bắc Quảng Nam khiến mực nước các sông dâng cao nhiều khả năng vượt trên báo động 3.  

Để chủ động đối phó với cơn bão số 11, tỉnh Quảng Nam sẵn sàng phương án di dời khoảng 7.000 hộ dân với hơn 27.000 nhân khẩu ở các xã ven sông biển, vùng trũng các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn và phố cổ Hội An. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam đã gửi công văn khẩn đề nghị các chủ hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 xả nước đón lũ. Điều lo ngại nhất hiện này là toàn tỉnh có 32 trong tổng số 73 hồ chứa nước thủy lợi đã đầy nước.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An cho biết, thành phố đang huy động lực lượng bộ đội, công an, dân quân tự vệ di dời khoảng 8.000 người dân ở hai phường ven biển Cửa Đại, Cẩm An và xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) đến nơi trú tránh bão an toàn. Số hộ dân nhà yếu, nhà tạm còn lại cũng buộc phải sơ tán đến nhà ở kiên cố; các khách sạn ven biển gần khu vực Cửa Đại được yêu cầu tuân thủ sơ tán du khách vào sâu khu vực bên trong an toàn.

"Việc sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm chậm nhất hoàn tất lúc 16h tối nay. Người dân neo buộc tàu thuyền, giằng chống nhà cửa đã hoàn tất trong hôm nay", ông Sự nói.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẩn cấp vào các tỉnh miền Trung chỉ đạo công tác phòng chống bão Nari. Chiều nay, Phó Thủ tướng thị sát, làm việc với Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn về phương án phòng chống bão tại nhà máy lọc dầu Dung Quất. 

Trước đó, chiều 13/10, trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, đây là cơn bão tương đương hoặc mạnh hơn so với cơn bão số 10 vừa qua. Do vậy các tỉnh cần tăng cường kiểm tra, rà soát các biện pháp phòng chống, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để giảm tránh thiệt hại đến mức thấp nhất do bão, lũ gây ra. Tập trung tuyên truyền, thông báo, cảnh báo tình hình diễn biến cơn bão cho người dân địa phương nắm rõ tình hình để có thể chủ động để ứng phó với bão lũ.

Bão số 11 (tên quốc tế Nari) đang tăng cấp 15, 16, hướng vào các tỉnh ở khu vực miền Trung. Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây nguyên cho hay các tỉnh thành từ Quảng Bình đến Quảng Nam trong hôm nay phải sơ tán 38.381 hộ dân với 155.544 người.

Dự báo chiều tối nay, tâm bão sẽ ập vào TP Đà Nẵng. Đến 16h, vị trí tâm bão ở cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 140 km về phía Đông với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14 (134-166 km/h), giật cấp 15, cấp 16. Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to đến rất to. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 đến 4 m. 

Trí Tín

Nguồn: VnExpress