Chính phủ Mỹ đóng cửa, Trung Quốc hưởng lợi

Việc chính phủ Mỹ ngừng hoạt động không chỉ gây ra ảnh hưởng lớn tiêu cực ở trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu, nhưng Trung Quốc đang hưởng lợi từ diễn biến này. - VnExpress

kerry-obama-6705-1380877083.jpg

Ngoại trưởng John Kerry sẽ phải xuất hiện một mình tại các hội nghị sắp tới ở châu Á. Ảnh: NY Times

Bế tắc giữa Tổng thống Barack Obama và Hạ viện về dự luật trần nợ công đã khiến Obama phải hủy chuyến công du tới 4 quốc gia Đông Nam Á, những nước vốn đang chịu sức ép và ảnh hưởng ngày càng lớn từ Trung Quốc.

Quyết định này cũng làm ảnh hưởng đến sức nặng của những lời tuyên bố trước đó về chiến lược ngoại giao lấy châu Á làm trọng tâm, vốn được cho là điểm sáng trong đường lối đối ngoại nhiệm kỳ đầu của Obama.

Dự kiến ban đầu của ông Obama là đến 4 nước Đông Nam Á, trong đó có Philippines là nước đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực. Tổng thống Mỹ không chỉ tham gia các cuộc hội nghị, mà còn muốn gửi đến Trung Quốc thông điệp về vai trò chủ đạo của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, chiến lược ngoại giao quay lại châu Á của chính quyền Obama đang bị hãm lại bởi hai nhân tố, đó là cuộc xung đột tại Trung Đông và mâu thuẫn với Hạ viện.

Việc Tổng thống Obama không thể công du Đông Nam Á sẽ gây ra nhiều tổn hại về mặt ngoại giao, ông Kenneth G. Lieberthal, cố vấn hàng đầu của chính phủ Clinton về vấn đề Trung Quốc phân tích. "Tôi chắc chắn rằng ở Trung Quốc có người so sánh Mỹ, ở một chừng mực nào đó, là cái gai trong mắt họ. Nếu vậy, thì điều đó sẽ tránh cho họ phải đối diện với nó", Lieberthal nói.

Tuy nhiên, một chuyên gia khác, ông Jeffrey A. Bader, nguyên cố vấn cao cấp của Tổng thống Obama về vấn đề Trung Quốc, lại cho rằng nỗ lực ban đầu của Nhà Trắng trong việc tham dự hai hội nghị trên trong tình cảnh mâu thuẫn nội bộ dâng cao, chứng tỏ quyết tâm của chính phủ với chiến lược ngoại giao châu Á.

Trong khi Obama không thể đến Đông Nam Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến công du đến chính khu vực này, mà chặng dừng chân đầu tiên là Indonesia hôm 2/10.

Trung Quốc, vốn có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông với một số quốc gia Đông Nam Á, rõ ràng đã hưởng lợi từ việc chính quyền Obama bị phân tâm do vấn đề quốc nội.

Trong các chuyến thăm trước đó, ông Obama đã tuyên bố Mỹ muốn các tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình và giữ tuyến đường biển được khai thông. Để đạt được các mục tiêu trên, một đồng minh của Mỹ như Philippines lại càng trở nên quan trọng hơn, với vai trò như một đối trọng với sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. 

Malaysia vốn có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ dưới thời Thủ tướng Mahathir Mohamad. Tuy nhiên, quan hệ song phương nay đã trở nên nồng ấm hơn trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Najib Razak. Nước này cũng là thành viên trong vòng đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và là trụ cột kinh tế quan trọng trong chiến lược châu Á của Obama.

Chính phủ Mỹ hy vọng các cuộc đàm phán sẽ có kết quả vào cuối năm nay, nhưng rất ít nhà phân tích lạc quan về điều này, đặc biệt trong tình hình Tổng thống Mỹ không thể hiện diện tại diễn đàn APEC lần này. 

Đã có nhiều tiếng nói chỉ trích chiến lược quay lại châu Á của ông Obama chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà thiếu các hành động thực tế. Một hiệp định thương mại non trẻ, và việc bố trí 2.500 quân đến một vùng hẻo lánh của Australia, không nói lên được điều gì. 

Các quan chức chính phủ Mỹ cho rằng các ý kiến trên là không khách quan, nếu chú ý đến việc ông chủ Nhà Trắng đã dành hàng giờ đối thoại trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc ở Nam California hồi tháng 6.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cuộc khủng hoảng tại Syria khiến vấn đề Trung Đông vẫn là mối bận tâm hàng đầu hiện nay của chính phủ Mỹ. Ông Obama trong bài phát biểu gần đây trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chỉ nhắc đến châu Á trong một dòng duy nhất, với nội dung nhấn mạnh tác dụng kinh tế của khu vực này.

quochoi-my-3459-1380878526.jpg

Một người đàn ông, với tờ tiền một USD gắn trên miệng, đứng trước Tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 3/10.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng coi Trung Đông là ưu tiên hàng đầu của ông khi vừa mới nhậm chức, đặc biệt là đàm phán hòa bình giữa Israrel và Palestine. Điều này trái ngược với thái độ trọng thị vấn đề khu vực châu Á của người tiền nhiệm, bà Hillary Clinton, với việc chọn thăm châu Á đầu tiên khi tiếp quản vị trí ngoại trưởng.

Cố vấn an ninh quốc gia, bà Susan Rice cũng tập trung vào vấn đề châu Á ít hơn người tiền nhiệm là ông Tom Donilon. Bộ trưởng Thương mại Jacob Lew cũng có ít kinh nghiệm về khu vực này hơn so với ông Timothy Geithner.

Trong hàng ngũ các thành viên quan trọng nhất của nội các chính quyền Obama, chỉ có Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, người có mối quan hệ sâu sắc với châu Á với thời gian tham chiến tại Việt Nam, là có vẻ như đặt vấn đề của khu vực này vào một vị trí cân bằng hơn trong nghị trình ưu tiên.

Ông Hagel hiện đang công du ở Nhật Bản sau chuyến thăm Hàn Quốc 4 ngày, hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Bắc Á. Chuyến công du của ông nằm trong bối cảnh Triều Tiên đang có kế hoạch phát triển chương trình hạt nhân, không chỉ có ý nghĩa cảnh cáo chính quyền Kim Jong-un, mà còn thể hiện sự quan tâm của Mỹ với sức mạnh quân sự đang lên nhanh của Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc cũng không hề mong đợi một chính phủ Mỹ ngừng hoạt động, bởi hai cường quốc có những liên kết chặt chẽ về kinh tế. Tuy nhiên, về góc độ ngoại giao, việc chính quyền Mỹ đình trệ có lợi cho Trung Quốc trong việc tranh thủ ảnh hưởng chính trị.

Đức Dương (theo NY Times)

Nguồn: VnExpress