'Chúng tôi không lường hết hậu quả khi xả lũ'

Dù thừa nhận chưa lường hết được hậu quả và sẽ chịu trách nhiệm trước dân về việc xả cùng một lúc 5 cửa tràn hồ chứa nước Vực Mấu, nhưng Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho rằng đó vẫn là phương án tối ưu. - VnExpress

- Thưa ông, lý do gì lại xả lũ tại hồ Vực Mấu vào đêm 30/9 và ngày 1/10?

dg.jpg

Ông Nguyễn Văn Đệ. Ảnh: Hải Bình

-  Theo báo cáo của ông Hồ Ngọc Mai, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thủy lợi bắc Nghệ An, vào lúc 19h30' ngày 30/9 mực nước tại hồ Vực Mấu là 20,54 mét nên đã mở cửa thứ nhất. Lúc 0h ngày 1/10 mở cửa thứ hai, mực nước là 20,62 m. Nước ngày càng dâng cao, đến lần mở thứ 5 lúc gần 4h30 thì mực nước đo được gần 22 m.

- Việc thông báo cho nhân dân vùng hạ lưu dưới chân đập di dời tránh lũ được tiến hành ra sao?

- Trước khi mở cửa xả lũ thứ nhất, vào 7h30 ngày 30/9 đơn vị vận hành đã có thông báo bằng văn bản và bằng điện thoại tới tất cả các đơn vị, địa phương liên quan, trong đó ghi rõ: "Cơn bão số 10 có thể sẽ đổ bộ vào miền Trung và trực tiếp ảnh hưởng tới Nghệ An, dự báo mưa lớn. Xí nghiệp Thủy lợi huyện Quỳnh Lưu đã chuẩn bị các bước để xả tràn hồ Vực Mấu đảm bảo quy trình an toàn đập và các công trình. Thời gian kể từ 08h ngày 30/9 cho đến hết mưa bão. Xí nghiệp thủy lợi thông báo cho UBND các xã vùng hạ lưu hồ Vực Mấu thông báo cho nhân dân di dời lên vùng cao...".

xaluvm-5493-1380816144.jpg

Lực lượng chức năng tiếp cận khu vực ngập lụt ở thị xã Hoàng Mai sau khi hồ Vực Mấu xả lũ. Ảnh:HB-VH

- Đơn vị nào chịu trách nhiệm di dời dân?

- Ban phòng chống lụt bão của công trình hồ Vực Mấu, mà trực tiếp là Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thị xã Hoàng Mai, chịu trách nhiệm di dời dân.

- Thực tế, việc xả lũ đã khiến ít nhất 20.000 ngôi nhà tại thị xã Hoàng Mai bị ngập, ước tính thiệt hại 800 tỷ đồng. Tại cuộc họp với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Hoàng Văn Thắng ngày 2/10 và các đơn vị liên quan tại Nghệ An, quy trình xả lũ này được nhận xét như thế nào?

- Sau khi nghe toàn bộ báo cáo của đơn vị vận hành hồ Vực Mấu, cùng với báo cáo thực tế của Sở Nông nghiệp, báo cáo của ủy ban thị xã, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng kết luận Công ty Thủy lợi bắc Nghệ An đã vận hành đúng quy trình xả lũ và đây là phương án tối ưu.

- Sở Nông nghiệp Nghệ An có trách nhiệm gì trong việc xả lũ gây ngập nhà dân?

- Sở và các đơn vị liên quan đã làm đúng và đã cố gắng hết sức. Trước hết dù thiệt hại lớn hay nhỏ thì Sở đều chịu trách nhiệm trước dân. Chúng tôi cũng tự nhận thấy chưa linh hoạt và bị động trong việc xả lũ cùng lúc 5 cửa tràn.

- Hồ Vực Mấu đã bao nhiêu lần xả lúc cùng lúc 5 cửa tràn?

- Từ khi đi vào vận hành năm 1982, đây mới là lần đầu tiên xả lũ cùng lúc 5 cửa. Đây là phương án bất khả kháng.

- Đơn vị có trách nhiệm và Sở đã lường trước thế nào về hậu quả khi ra quyết định xả cùng lúc 5 cửa?

- Đúng là chúng tôi chỉ mới tính được độ an toàn của đập, cũng không thể lường hết được hậu quả sau khi xả lũ.

Báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An ngày 3/10 cho biết, do ảnh hưởng của mưa bão số 10 và đợt xã lũ hồ Vực Mấu, chỉ tính riêng thị xã Hoàng Mai đã có 20.000 nhà dân bị ngập. Hiện, cơ bản nước đã rút hết. Ước tính thiệt hại của toàn tỉnh trong đợt mưa lũ do bão số 10 gây ra là 1.239 tỷ đồng, riêng thị xã Hoàng Mai là 800 tỷ đồng.

Vực Mấu là hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Nghệ An, được xây dựng năm 1978 -1979, vận hành năm 1982. Hồ có dung tích sử dụng là 75 triệu mét khối nước (tương đương với 20,5 mét so với mực nước biển). Theo quy định khi mực nước trong hồ cao 20,5 mét thì bắt đầu xả lũ 1 cửa... Đây là hồ duy nhất ở Nghệ An được lắp đặt hệ thống điện tử SCADA, kết nối việc theo dõi đến Tổng Cục Thủy lợi 24/24h.

Hải Bình thực hiện

Nguồn: VnExpress