Đóng cửa chính phủ ở Mỹ thời Clinton

Kịch bản đóng cửa chính phủ Mỹ cách đây 17 năm được tái diễn với hai nhân vật chính vẫn là Tổng thống đảng Dân chủ và Nghị viện đảng Cộng hòa. - VnExpress

gty-newt-gingrich-bill-clinton-nt-120808
Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich (trái) và Tổng thống Bill Clinton năm 1995. Ảnh: AFP

Dây dẫn nổ của cuộc khủng hoảng chính trị Mỹ cách đây 17 năm (cuối năm 1995, đầu năm 1996) cũng bắt nguồn từ mẫu thuẫn giữa Tổng thống Bill Clinton thuộc đảng Dân chủ và Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số, về vấn đề dự toán ngân sách cho kế hoạch cải cách chăm sóc y tế, giáo dục và môi trường.

Cuối năm 1995, Lãnh đạo đảng Cộng hòa và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich đã đưa ra lời hứa hãm lại mức độ chi tiêu của chính quyền Liên bang. 

Tuy vậy, chủ trương này đi ngược lại với mục tiêu tăng cường đầu tư cho giáo dục, y tế công cộng và môi trường của Tổng thống Bill Clinton. Theo hồi ký của ông Clinton, ngọn nguồn của mâu thuẫn này là hai đảng có những đánh giá khác nhau về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, chi tiêu y tế và thu ngân sách dự kiến.

Khi Clinton từ chối phương án cắt giảm dự toán ngân sách của Hạ viện, thì Gingrich trả đũa bằng cách đe dọa sẽ không nâng trần nợ quốc gia, gián tiếp dẫn đến tình trạng Bộ Tài chính phải cắt giảm kinh phí của chính phủ.

Tổng thống Clinton lên án hành động của đảng Cộng hòa, đồng thời phủ quyết dự luật dự toán ngân sách với kế hoạch cân bằng tài chính trong vòng 7 năm của Hạ viện. Ông cũng phủ quyết dự luật thứ hai, cho phép chính phủ được hoạt động khi quyền chi tiêu hết hạn.

Lãnh đạo hai đảng dù đã ngồi lại với nhau để tìm ra phương án giải quyết, nhưng vẫn không đạt được đồng thuận. Kết quả là ngày 14/11/1995, phần lớn các cơ quan chính quyền Liên bang phải đình chỉ hoạt động.

Tuy nhiên, tình trạng này chỉ duy trì đến ngày 19/11 với một dự luật chi tiêu tạm thời, nhưng mâu thuẫn chính giữa Tổng thống và Hạ viện vẫn chưa được giải quyết triệt để, trực tiếp dẫn đến lần đóng cửa chính phủ lần thứ hai từ ngày 16/12 đến 6/1/1996.

Cuộc khủng hoảng chỉ kết thúc khi hai đảng đạt được thỏa thuận với sự nhượng bộ của Clinton trên vấn đề cân bằng ngân sách.

Uy tín của cả Clinton và Gingrich đều bị ảnh hưởng mạnh trong suốt cuộc khủng hoảng. Nhưng mức độ tín nhiệm của Clinton đã hồi phục nhanh chóng sau đó. 

Cuộc khủng hoảng chính trị đó cũng ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống năm 1996, với thất bại của ứng cử viên đảng Cộng hòa Bob Dole trước Tổng thống đương nhiệm Bill Clinton.

Lịch sử một lần nữa được lặp lại với mâu thuẫn giữa hai đảng xoay quanh vấn đề cải cách y tế. Kết quả của cuộc khủng hoảng lần này có lẽ không khó dự đoán, với sự tái hoạt động của chính phủ. Nhưng câu hỏi đặt ra là hệ thống chính trị Mỹ học được bài học gì từ lịch sử.

Đức Dương tổng hợp

Nguồn: VnExpress