Quốc hội Mỹ tiếp tục bất đồng về ngân sách
- 10/3/2013 8:30:40 AM
Các nghị sĩ Mỹ sáng 1/10 (giờ Washington) tiếp tục họp và bỏ phiếu lần thứ 4 tại Thượng viện nhưng vẫn không thể thông qua kế hoạch ngân sách mà Hạ viện đề xuất, để khôi phục hoạt động cho chính phủ. - VnExpress
Bảo tàng Lincoln ở Washington DC chăng biển đóng cửa vì chính phủ Mỹ dừng hoạt động, trong khi các nghị sĩ quốc hội vẫn chưa tìm được tiếng nói chung cho kế hoạch ngân sách. Ảnh: Telegraph |
Lần này, đề xuất của Hạ viện cũng bao gồm lời kêu gọi thành lập ủy ban thương thảo để tìm kiếm sự thỏa hiệp, nhưng hai đảng vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau và không bên nào chịu nhượng bộ, dẫn đến kết quả cả hai bên đều không mong muốn là 800.000 công chức phải nghỉ việc và có thể gây thiệt hại 1 tỷ USD trong một tuần.
Lãnh đạo Thượng viện Harry Reid cho biết đảng Dân chủ và Thượng viện bác bỏ dự luật ngân sách vì hành động gây sức ép của đảng Cộng hòa và Hạ viện đối với chương trình cải cách y tế của Tổng thống Barack Obama.
Reid nói Thượng viện muốn đàm phán về ngân sách với Hạ viện, "nhưng không phải trong tình trạng đóng cửa chính phủ".
"Chúng ta sẽ không tái tranh luận về vấn đề gói chăm sóc y tế nữa", Reid nói sau cuộc bỏ phiếu mới nhất của Thượng viện, và kêu gọi Hạ viện đề xuất một kế hoạch chi tiêu "sạch" để cho chính phủ hoạt động trong vòng vài tháng, trước khi cuộc đàm phán tiếp theo có thể thay đổi Dự luật về chăm sóc sức khỏe năm 2010. "Đây là thời điểm để đảng Cộng hòa xem xét lại những tranh cãi cũ".
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dick Durbin, một tiếng nói tự do hàng đầu, cũng nói với CNN rằng ông sẽ đàm phán với Hạ viện trên ít nhất một phương diện cụ thể về chương trình Obamacare, về vấn đề thuế đánh vào các thiết bị y tế mà cả hai đảng đều phản đối.
Tuy nhiên, ông Durbin nhắc lại quan điểm của lãnh đạo Thương viện Harry Reid rằng các cuộc đàm phán cần phải tách khỏi bế tắc chi tiêu dẫn đến tình trạng đóng cửa chính phủ.
"Cuộc thảo luận cần phải tiếp tục nhưng sẽ không liên quan đến tình hình đóng cửa chính phủ", ông nói và cho biết thêm rằng Quốc hội sẽ phải bù đắp khoản tiền 30 tỷ USD thất thoát trong 10 năm nếu miễn thuế cho các thiết bị y tế.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong gần 18 năm. Trong lần gần đây nhất dưới thời chính quyền Clinton, tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài 21 ngày.
Vũ Hà
Nguồn: VnExpress