Obama: 'Hãy mở cửa chính phủ'

Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc những người theo đảng Cộng hòa trong quốc hội mở cửa lại chính phủ, cho rằng càng đóng lâu, nền kinh tế càng bị tổn hại.  - VnExpress

obama-8868-1380678267.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP

"Sẽ có thêm nhiều gia đình bị ảnh hưởng, sẽ có nhiều nhiều doanh nghiệp nữa bị thiệt hại", Obama hôm qua nói sau cuộc họp với những người ủng hộ chương trình luật chăm sóc y tế, vốn là trung tâm của mâu thuẫn ngân sách.

Theo USA Today, Obama chỉ trích các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa về cái ông gọi là "sự đóng cửa của người Cộng hòa", và cho rằng một số thành viên đảng đang thực hiện "cuộc thập tự chinh ý thức hệ" chống lại bộ luật chăm sóc y tế mới của ông. 

Obama cũng cảnh báo các nghị sĩ Cộng hòa về việc nâng trần nợ công 16,7 nghìn tỷ USD, dự kiến diễn ra vào ngày 17/10. Ông cho rằng thất bại trong việc này sẽ dẫn đến một sự "sụp đổ kinh tế".  

Tổng thống phát biểu sau cuộc gặp với những người đăng ký giao dịch bảo hiểm sức khỏe. Giao dịch này bắt đầu được trực tuyến từ hôm nay. Gọi đây là "ngày lịch sử" đối với ngành y tế, Obama nói giao dịch sẽ cho phép những người Mỹ không có bảo hiểm được chi trả với giá hợp lý. 

Ngày đầu tiên chính phủ Mỹ đóng cửa vừa kết thúc trong sự bế tắc, khi phe Dân chủ bác bỏ cố gắng mở cửa lại một phần chính phủ mà những người Cộng hòa ở Hạ viện đưa ra.

Dự luật đề xuất của phe Cộng hòa nhằm mở lại các công viên và bảo tàng quốc gia, chi tiền dịch vụ cho cựu chiến binh và thành phố Washington DC. Đề nghị này không thu đủ hai phần ba số phiếu ủng hộ.

Nhà Trắng cho biết kể cả nếu đề xuất mở cửa một phần này được thông qua, Nhà Trắng vẫn sẽ phủ quyết. Phát ngôn viên Jay Carney nói những nỗ lực chi tiền cho một số hoạt động trong khi để một số khác đóng cửa thể hiện một sự thiếu nghiêm túc.

Nhiều bộ phận lớn của chính phủ Mỹ đêm qua đóng cửa sau khi đảng Cộng hòa và Dân chủ không thể thống nhất về một kế hoạch chi tiêu mới cho năm tài khóa tiếp theo. 

Phe Cộng hòa, chiếm đa số ở Hạ viện Mỹ, liên tục gắn việc thông qua ngân sách chính phủ với việc trì hoãn hoặc bãi bỏ luật cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế, thường được truyền thông và công chúng gọi là "Obamacare." Nhưng mỗi nỗ lực như vậy đều bị Thượng viện (do phe Dân chủ kiểm soát) bác bỏ. Thượng viện cũng từ chối yêu cầu của Hạ viện về việc đàm phán trong vấn đề này. 

Khoảng 800.000 công nhân viên chức liên bang đang bị cho nghỉ không lương, trong khi những người khác còn ở lại làm việc nhưng không bảo đảm sẽ được trả lương.

Trọng Giáp

Nguồn: VnExpress