Obama: 'Tôi rất phẫn nộ'

Cuộc thương lượng mới nhất giữa Tổng thống Barack Obama và những lãnh đạo đảng Cộng hòa đi vào ngõ cụt, và ông cho biết rất phẫn nộ vì việc một số nghị sĩ có thể đe dọa Nhà Trắng về ngân sách. - VnExpress

Chủ tịch Hạ viện  John Boehner phát biểu với giới truyền thông sau cuộc gặp với Tổng thống Obama hôm qua. Ảnh:AFP
Chủ tịch Hạ viện John Boehner phát biểu với giới truyền thông sau cuộc gặp với Tổng thống Obama hôm qua. Ảnh: AFP

Tổng thống Obama chiều qua có cuộc gặp dài hơn một tiếng với Chủ tịch Hạ viện John Boehner và một số quan chức khác của Quốc hội. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ của ông Obama đã đưa ra được giải pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng của chính phủ. Hai phe vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về bế tắc này.

"Tổng thống đã tái khẳng định một lần nữa rằng ông ấy sẽ không đàm phán gì hết", AFP dẫn lời ông Boehner.

Ngay sau đó một giờ, ông Harry Reid, lãnh đạo phe đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện, lên tiếng chỉ trích thái độ của ông Boehner và thề sẽ không bao giờ cho phép phe Cộng hòa loại bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe của ông Obama (Obamacare) bằng cách lợi dụng cuộc khủng hoảng ngân sách.

"Chúng tôi sẽ theo đến cùng chương trình Obamacare", ông Reid nhấn mạnh.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với CNBC, Obama cũng tuyên bố ông sẽ không đàm phán về vấn đề ngân sách cho đến khi các nghị sĩ Cộng hòa thông qua một dự luật tạm thời để cung cấp ngân sách cho chính phủ và nâng trần nợ công đang ở mức 16,7 nghìn tỷ USD, để Washington tránh bị vỡ nợ trong vài tuần tới.

"Chỉ khi nào cuộc bỏ phiếu diễn ra và chính phủ hoạt động trở lại, và chỉ khi nào họ đảm bảo cho Quốc hội thanh toán các khoản chi của chúng tôi kịp thời, để nước Mỹ không phải vỡ nợ, thì khi đó tôi mới chuẩn bị cho một cuộc thương thuyết hợp lý về một loạt các vấn đề", ông nói.

Tổng thống cũng cảnh báo sự cố lần này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu khi cho phép các nghị sĩ của bất kỳ đảng nào "tống tiền" Nhà Trắng quanh vấn đề nâng trần nợ công. 

"Tôi đang hết sức phẫn nộ, vì chuyện này hoàn toàn không cần thiết", ông Obama nói. 

Trong bối cảnh chưa bên nào của lưỡng viện sẵn sàng nhượng bộ, hy vọng giải thoát khỏi bế tắc của chính phủ Mỹ đang đi vào ngõ cụt. Trong khi đó, giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cảnh báo, việc chính phủ Mỹ đóng cửa "là một mối nguy cơ nếu nó kéo dài". "Đó sẽ là nguy cơ không chỉ với nước Mỹ mà cả nền kinh tế thế giới", ông nói.

Chính phủ Mỹ bắt đầu ngừng hoạt động từ ngày 1/10 sau khi Thượng viện và Hạ viện không thể thống nhất về ngân sách cho các cơ quan của chính phủ. Tình trạng này đã diễn ra 17 lần kể từ năm 1977, trong đó thời gian ngắn nhất là một ngày và dài nhất là 21 ngày.

Anh Ngọc

Nguồn: VnExpress