Người phụ nữ làm trống 'Âm Hồn' trên đất Huế

Hơn 40 năm qua, bà Hồ Thị Thương không nhớ rõ đã làm ra bao nhiêu chiếc trống truyền thống để bán cho khách, chỉ biết mình là người phụ nữ duy nhất làm nghề này ở cố đô. - VnExpress

Không bảng hiệu, không nhân công, dấu hiệu duy nhất để biết về cửa hàng của bà Thương chỉ là một vài cái trống cũ đã hỏng hoặc đang làm dở được đặt ngay trước mái hiên nhà 81 đường Lê Thánh Tôn, thành phố Huế.

Những sản phẩm của bà Thương được biết đến với tên gọi trống "Âm Hồn", vì nằm gần Miếu Âm Hồn (nơi thờ tự các linh hồn tha hương). Khách hàng quen thuộc cứ truyền miệng nhau đến ngã tư Âm Hồn là có cửa hiệu trống "Âm Hồn".

Bà Hồ Thị Hương người phụ nữ duy nhất còn giữ được nghề làm trống truyền thống
Bà Hồ Thị Thương, người phụ nữ duy nhất làm trống truyền thống ở Huế. Ảnh: Phúc Nguyễn.

Bà Thương quê gốc ở làng Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bà là con gái của nghệ nhân Hồ Khách, một nhạc công và cũng là nghệ nhân làm trống nổi tiếng dưới triều Nguyễn. Ngay từ thuở nhỏ, bà Thương đã tỏ ra là một người hiếu động, thích nghịch những dụng cụ và ngồi xem cha mẹ làm trống.

Lúc Thương lên 10 tuổi, nhìn mẹ ngồi cạo những lớp da trâu rất cực nhọc nên vào phụ giúp. Thấy con gái có vẻ thích học nghề gia đình, cha mẹ bà đã chỉ cho con những kỹ thuật cơ bản nhất. "Ban đầu, tui chỉ được học cách dùng các thanh gỗ vót nhọn thành đinh găm tròn xung quanh tang trống để giữ chặt lớp da trâu vào thành trống", bà Thương nhớ lại. Mỗi khi cha làm việc say sưa, Thương lại lặng lẽ quan sát. "Tui cứ ngồi nhìn cha làm rồi bắt chước, lúc đó chỉ mới tập các công đoạn đơn giản nhưng lòng tui vui lắm", người phụ nữ chia sẻ.

Sau khi cha mất, mẹ truyền cho con gái kỹ thuật và bí quyết để tạo ra những chiếc trống hay có âm thanh vang dội. Thân con gái chân yếu tay mềm, cầm búa còn chưa vững huống gì là học nghề chỉ dành cho đàn ông, nên bà đã nhiều lần có ý nghĩ tìm một công việc khác nhẹ nhàng hơn.

Chồng bà Thương ông Nguyễn Văn Phước giờ đã làm thuần thục các thao tác tạo ra 1 chiếc trống sau khi đã được vợ truyền nghề.
Chồng bà Thương, ông Nguyễn Văn Phước, giờ đã làm thuần thục các thao tác tạo ra một chiếc trống sau khi được vợ truyền nghề. Ảnh: Nguyễn Hiếu.

Nhưng rồi thấy mẹ vẫn ngày ngày cặm cụi để giữ nghề truyền thống, bà Thương không đành lòng nên đã quyết định nối nghiệp. Từ đó, mẹ con bà trở thành hai người phụ nữ duy nhất làm trống. Hồi đó, khách đặt cho sản phẩm của nhà bà là trống "Hai O" - ý chỉ có bà Thương và mẹ cùng làm trống.

Nhớ về ngày đó, bà Thương không thể nào quên được những khó khăn hai mẹ con trải qua. Bà kể, nhiều khách hàng tỏ ra ngỡ ngàng khi thấy hai phụ nữ lại có thể duy trì được nghề, chất lượng trống không hề giảm so với khi cha bà còn sống. "Hồi đó, chưa có máy móc để bào xẻ gỗ như bây giờ nên tui cùng mẹ phải xẻ gỗ bằng phương pháp thủ công rất vất vả, cả ngày hai mẹ con chỉ xẻ được hơn chục thanh gỗ dăm từ thân cây mít, bào nhẵn để làm thân trống", bà nhớ lại.

Đến năm 25 tuổi, làm thuần thục công đoạn khó nhất của nghề bịt trống là bào da, bà Thương mới thực sự bước vào nghề làm trống. Mẹ mất vì tai nạn, bà là người duy nhất của dòng họ biết làm trống rồi truyền nghề cho chồng là ông Nguyễn Văn Phước.

Để có được một chiếc trống hoàn chỉnh, phải trải qua ba bước: Làm da, làm tang và bưng trống. Theo bà Thương, phải sử dụng da trâu cái đem bào hết lớp màng, sau đó ngâm nước, khử mùi, chống thối rồi phơi khô ba nắng, không để da trâu ươn.

Khi bào da, cũng phải chú ý tùy theo loại trống để bào, đây là công đoạn khó nhất trong nghề làm trống, quyết định độ bền, tuổi thọ của trống. Làm thân trống phải dùng gỗ mít do loại gỗ này dẻo, mềm, không bị cong vênh, nứt vỡ. Gỗ được cắt thành nhiều khúc sau đó pha thành từng dăm. Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu dăm, cũng như phải tính toán độ cong và độ dẻo của dăm để khi khép với thân trống vừa khít, không có kẽ hở.

: Kĩ thuật thẩm âm cũng là một trong những yếu tố quyết định âm thanh của Trống
Kỹ thuật thẩm âm là một trong những yếu tố quyết định âm thanh của trống. Ảnh: Phúc Nguyễn.

Khách đặt trống "Âm Hồn" gần như quanh năm nhưng đông nhất vẫn là mùa trung thu. "Một tháng trước trung thu bao giờ cũng là quãng thời gian tui và chồng cũng vất vả vì khách đến đặt làm trống cho trung thu nhiều lắm, có khi không có da mà bọc trống đành từ chối để họ đi nơi khác đặt hàng", bà Thương cho hay.

Năm 2008, bà Thương được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mời phục chế trống treo ở Lầu Ngũ Phụng. Bà còn nhận những đơn đặt hàng làm các loại trống cho nhã nhạc cung đình Huế. Giờ đây ở tuổi 60, bà Hồ Thị Thương vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết với nghề. "Cái nghề đã ăn sâu vào máu thịt của mình rồi thì muốn bỏ cũng bỏ không được. Tui chỉ mong sao sau này con cháu có thể nối nghiệp được nghề truyền thống của cha ông đã để lại", bà Thương trải lòng.

Những người con của bà được cha mẹ truyền nghề từ nhỏ nên ai cũng nắm được những kỹ thuật cơ bản về nghề làm trống truyền thống của gia đình.

Phúc Nguyễn - Nguyễn Hiếu

Nguồn: VnExpress