Mưa lũ miền Trung gây chia cắt nhiều nơi
- 9/19/2013 8:33:38 AM
Mưa lớn liên tiếp những ngày qua khiến mực nước các sông, suối miền Trung dâng cao cuốn trôi một người, gây cô lập cục bộ huyện Nam Trà My; đồng thời sạt lở núi gây chia cắt nhiều xã vùng cao các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam. - VnExpress
Chiều 18/9, ông Pơloong Hon, Chủ tịch UBND xã Tàbhing, huyện Nam Giang (Quảng Nam) cho biết, do mưa lũ lớn bất ngờ tràn về sông Thanh, anh Alăng Mốp (20 tuổi) bơi qua dòng sông này trở về thôn Pà Rồng, xã Tàbhing không may bị lũ cuốn trôi. Hiện chính quyền địa phương vẫn chưa tìm thấy thi thể.
Lãnh đạo huyện Tây Giang cho hay, mưa lớn suốt từ ngày 17/9 đến chiều nay đã gây sạt lở núi nghiêm trọng, chia cắt hoàn toàn 4 xã biên giới vùng cao Quảng Nam gồm Ch’um, Gary, Axan và Tr’hy giáp với Lào. Nhiều khu dân cư tại đây cũng bị sạt lở nên huyện Tây Giang di dời khẩn cấp 258 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Lũ tràn về đột ngột cũng đã cuốn trôi 7 con bò của người dân tại các xã Avương, Tr’Hy và Atiêng; gây ngập úng hàng chục ha hoa màu, lúa nước của đồng bào huyện Tây Giang.
Trong khi đó, mưa lớn khiến mực nước lũ dâng cao băng qua ngầm sông Trường gây chia cắt hoàn toàn giữa huyện Bắc Trà My với Nam Trà My. Lực lượng cảnh sát giao thông phải túc trực, dựng gác chắn barie ngăn cấm người dân qua lại khu vực này phòng tránh nước lũ cuốn trôi nguy hiểm tính mạng.
Mưa lớn kéo dài gây ngập ngầm qua sông Trường, cô lập giữa huyện Bắc Trà My về huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Gác chắn barie được dựng lên để cảnh báo người dân. Ảnh: T.B. |
Tại Quảng Ngãi, trên các tuyến đường về huyện miền núi Sơn Tây xuất hiện một số điểm sạt lở núi, gây ách tắc giao thông trên tỉnh lộ 623. Tuyến đường Đông Trường Sơn đang thi công đoạn từ Sơn Dung qua Sơn Long cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở.
Ông Tô Cước, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Sơn Tây cho biết, để ứng phó với bão số 8, huyện đã chỉ đạo các địa phương theo dõi ứng trực tại những khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở cao cũng như có thể xảy ra lũ quét để kịp thời sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. "Sợ nhất là mưa lớn tiếp tục kéo dài trong những ngày tới gây sạt lở núi", ông Cước lo lắng.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở thôn Trà Veo và Trà Ôi huyện miền núi Tây Trà. Hàng chục mét khối đất đá đổ xuống lấp cả con đường, các phương tiện không thể đi lại được, gây cô lập trên 70 hộ dân. Ông Phan Văn Hiền, Phó Ban Chỉ huy PCLB &TKCN huyện cho biết, ngoài 2 điểm sạt lở ở xã Trà Xinh, các tuyến đường về xã Trà Thọ hiện lầy lội, đi lại khó khăn. Huyện đã lập phương án di dời 135 hộ dân với hơn 630 nhân khẩu ra khỏi 16 điểm sạt lở núi ở các xã Trà Quân, Trà Thanh, Trà Khê và Trà Lãnh đến nơi an toàn.
Đến chiều 18/9, tại huyện miền núi Trà Bồng có 8 điểm nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở núi gây nguy hiểm cho hơn 170 hộ dân và khoảng 820 khẩu. Ông Trần Văn Sương, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết đã chỉ đạo các xã lập danh sách từng hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở núi để khi có tình huống khẩn cấp thì tổ chức di dời đến nơi an toàn.
Tại Quảng Trị, sáng 18/9, lốc xoáy cục bộ làm tốc mái 18 căn nhà tại thôn Tân Hóa (xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh) và 11 nhà tại thôn Phú Tài (xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong), may mắn không thiệt hại về người. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng từ công an đến đoàn viên giúp dân lợp lại mái, chằng chống nhà cửa.
Các tỉnh miền Trung đang có mưa lớn, nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ. Ảnh: Nguyễn Đông |
Mưa lớn cũng làm nhiều nhà dân ở huyện Triệu Phong bị nước tràn vào, phá hoại hoa màu. Riêng xã Triệu Lăng có tới 12 ha hoa màu ngập úng, 2 hồ tôm diện tích 8.00 m2 bị vỡ… Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh này chỉ đạo lực lượng tại chỗ di dời người dân và vật dụng cần thiết lên nơi cao, giảm thiểu thiệt hại.
Tại Thừa Thiên – Huế, có ít nhất 10 km bờ biển dọc các xã Hải Dương (huyện Hương Trà), Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (huyện Phú Vang), Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền) và Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều điểm sạt lở cách nhà dân khoảng 50 m đe dọa tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân. Quốc lộ 49A từ TP Huế lên huyện miền núi A Lưới cũng bị sạt lở, ách tắc giao thông.
Chính quyền sở tại phải huy động 400 người tham gia khắc phục sạt lở, làm kè tạm chống sóng, thông xe tại bốn điểm sạt lở nặng trên quốc lộ 49A, đồng thời lên phương án di dời dân.
Trong khi đó tại TP Đà Nẵng, chiều 18/9, lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành địa phương túc trực 24/24 để đối phó với bão, dù theo dự báo bão số 8 đang suy yếu thành áp thấp. Đồng thời chuẩn bị xe thiết giáp sẵn sàng huy động trong những tình huống cần thiết ứng cứu dân.
Nhiều phương tiện ở Đà Nẵng bị chết máy do đi qua những đoạn đường ngập sâu. Ảnh: Nguyễn Đông |
Mưa lớn cũng làm ngập cục bộ nhiều tuyến đường trong thành phố, có nơi ngập sâu hơn nửa mét khiến giao thông ùn tắc, nhiều phương tiện bị chết máy… Thành phố cũng chính thức có thông báo cho học sinh nghỉ học trong ngày mai 19/9 và điều chỉnh theo diễn biến của bão.
Trí Tín - Nguyễn Đông
Nguồn: VnExpress