Philippines, Mỹ sẽ tập trận chung trên Biển Đông

Philippines và Mỹ sẽ bắt đầu cuộc tập trận chung ở gần khu vực tranh chấp trên Biển Đông từ ngày mai, thể hiện mối quan hệ quân sự gắn bó giữa hai nước nhưng cũng dự kiến sẽ làm dấy lên căng thẳng với Trung Quốc. - VnExpress

Khu trục hạm

Tàu khu trục USS Wayne E. Meyer của Mỹ từng tới thăm Philippines. Ảnh: Navy.mil

Cuộc tập trận Đổ bộ Philippines-Mỹ (Phiblex) sẽ bắt đầu từ ngày 18/9 tại căn cứ hải quân ở tỉnh Zambales, bờ biển phía tây đảo Luzon, hướng ra Biển Đông. Cuộc tập trận thường niên dự kiến sẽ kéo dài trong ba tuần, bao gồm 2.300 lính thủy đánh bộ của cả hai bên, với sự xuất hiện của hai tàu chiến Mỹ và những màn bắn đạn thật, quân đội Philippines cho hay.

Thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Manila cũng cho biết cuộc tập trận sẽ "tăng cường khả năng phối hợp trong các hoạt động an ninh và bảo vệ lãnh thổ giữa hai bên". Tuy nhiên, không bên nào công bố địa điểm chính xác của cuộc tập trận.

Tập trận chung diễn ra vào thời điểm Philippines và Mỹ đang tích cực đàm phán về việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á, và vào 3 tuần trước chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Manila. Chuyến thăm được Philippines mong chờ trong bối cảnh căng thẳng về chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc ngày một tăng cao.

"Trung Quốc sẽ coi cuộc tập trận lần này là một ví dụ nữa cho việc Philippines kích động căng thẳng trên Biển Đông và Mỹ đang nhân thời cơ đó để tăng cường sự hiện diện trong khu vực", chuyên gia về an ninh khu vực Ian Storey nói với AFP.

Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông và thường xuyên chỉ trích Philippines vì Manila không nhượng bộ trong các tranh chấp lãnh thổ và tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ trong vấn đề này. Các nước khác ở Đông Nam Á là Việt Nam, Malaysia, Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại đây, khu vực được cho là giàu tài nguyên thiên nhiên.

Cuộc tập trận lần này nằm cách bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham 220 km. Đây là bãi cạn mà Philippines nói thuộc vùng đặc quyền kinh tế được quốc tế công nhận, nhưng Trung Quốc tuyên bố thuộc lãnh hải của mình và bắt đầu chiếm đóng từ sau vụ tranh chấp năm ngoái.

Bãi cạn mà Manila gọi là Scarborough, còn Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham, là tâm điểm của những tranh cãi trong những tuần qua và Philippines tố cáo Trung Quốc đang xây dựng công trình kiên cố ở đây.

Trong khi đó, Philippines và Mỹ đang tích cực thảo luận về việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Philippines, với kỳ vọng đạt được thỏa thuận trong năm nay. Thỏa thuận sẽ cho phép Mỹ đóng quân tại những căn cứ chính thức và gia tăng số quân đoàn tới thăm.

Quân đội Mỹ duy trì sự hiện diện tại Philippines cho đến năm 1992. Các căn cứ ở đây bị đóng cửa vì sự phản đối trong nước, tuy nhiên chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino lại có xu hướng gần gũi với Mỹ để đối kháng với Trung Quốc.

Mặc dù chưa có thỏa thuận chính thức thì cũng có "sự bùng nổ" về số lượng lực lượng quân sự Mỹ tới Philippines trong những năm qua, John Blaxland, chuyên gia an ninh và quốc phòng của Viện châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Australia, nói.

Điều này cũng nằm trong chiến lược chuyển trọng tâm đến châu Á của chính quyền Obama, trước sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực. 
"Philippines là một trong những nước ủng hộ nhiệt tình nhất cho nỗ lực tái cân bằng ở châu Á, và Mỹ rất vui được lui tới thường xuyên, khi chưa có các căn cứ chính thức của hải quân và không quân ở đó", ông Blaxland nói.

Chuyên gia Storey thì cho biết thêm rằng các nghiên cứu độc lập chỉ ra rằng số lượng các chuyến thăm của quân đội Mỹ tăng nhiều trong những năm qua. Số lượng tàu chiến Mỹ tới Philippines "tăng đáng kể", lên đến 80 tàu trong năm nay.

Vũ Hà

Nguồn: VnExpress