'Trước chuyến đi biển, ông ấy đã nhắc đến cái chết'
- 9/18/2013 8:30:02 AM
"Không hiểu sao trước chuyến đi biển này, ông ấy dặn: ‘nếu tui có chết, bà nhớ đem về quê chôn'"; "mấy ngày liền, ông khóc suốt nhưng không cho biết là buồn chuyện gì", người thân của một trong 7 ngư dân đang mất tích trên tàu cá ở Vũng Tàu, kể. - VnExpress
Từ lúc nhận được tin chồng gặp nạn, căn nhà nhỏ của bà Trần Thị Kiểng (ngụ tại phường 2, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) bao trùm không khí tang thương. Mấy người làng xóm, anh em thân thuộc cũng tập trung về cả đây để đợi tin ông Ba Chiến (tên thật là Nguyễn Văn Tú, 59 tuổi). Nghe những người sống sót trên tàu cá báo rằng ông Chiến tử vong khi bị tàu hàng của Singapore đâm trúng, bà Kiểng đã lập di ảnh thắp hương, mong xác chồng sớm được tìm thấy để đưa về quê an táng.
Bà Đỗ Thị Thương đau đớn chờ tin chồng và em trai. Ảnh: Lê Vân |
Trong cơn nấc nghẹn ngào, bà Kiểng cho biết, 10h ngày 16/9, cả nhà mới biết tàu cá của ông Chiến gặp nạn. Mấy mẹ con bà hốt hoảng chạy lên nhà ông Nguyễn Văn Hơn (chủ tàu) để nghe ngóng tin tức. Đến 13h, từ chiếc điện thoại bật loa ngoài, hải quân báo cứu được 8 ngư dân, một người được cho là đã chết, 7 người khác còn mất tích. “Khi nghe tên chồng mình đã chết, tôi không đứng được nữa. Không muốn tin đó là sự thật, nhưng tôi biết rằng mọi hy vọng đã hết", bà Kiểng nức nở. Các ngư dân trên tàu cho hay đã thấy ông Ba Chiến nằm úp mặt xuống nước cách họ vài mét và sau đó thì ông bị sóng cuốn trôi mất.
Bà Kiểng kể, ông Ba Chiến theo nghề biển từ nhỏ, 5-6 tuổi ông đã biết bơi, biết lặn. Từ ngày lấy nhau, ông cứ đi suốt, chỉ ở nhà với bà một tuần sau mỗi chuyến đi. “Không hiểu sao lần này trước lúc đi, ông ấy lại nói 'tui có chết thì bà nhớ đem tui về quê chôn'. Lúc đó tôi chỉ nghĩ ông ấy nói cho vui, không ngờ nó lại linh như vậy nữa", bà Kiểng bần thần.
Vợ chồng bà có 3 người con, hai người con lớn đã ra riêng nên ông bà sống với cậu con út. Thấy cha đã nhiều tuổi, cả gia đình khuyên ông nghỉ đi biển nhưng ông không chịu. Những lần trước, ông Chiến thường đi ghe nhỏ, mau trở về, nhưng không hiểu sao lần này ông lại đòi đi ghe lớn. "Trước lúc đi, thỉnh thoảng thấy ba khóc, hỏi thì ông bảo đang buồn nhưng cả nhà không biết ba buồn chuyện gì", người con út kể.
Chuyến tàu của ông Chiến và 15 ngư dân khác xuất phát từ ngày 19/6 âm lịch. Đến nay đã gần 2 tháng, song gia đình chưa từng liên lạc được với ông vì biển xa đằng đẵng, không có sóng.
“Ổng hiền nhất xóm, cả đời chỉ lo cho vợ con. Mới được thảnh thơi thì ông lại bỏ tôi đi... Thương tui tính đểnh đoảng, trước lúc đi, ông còn dặn phải nhớ đóng tiền điện, tiền nước kẻo người ta cắt, không có mà xài. Giờ tôi chỉ biết chờ tin, khi nào chồng tôi được đưa vào bờ tôi sẽ lên đón, đưa ổng về quê cho thoả tâm nguyện", bà Kiểng lại khóc.
Cùng chung nỗi đau mất chồng, bà Nguyễn Thị Bé (vợ của nạn nhân Trương Đức Hùng) vừa hay tin xác chồng bà đã được tìm thấy sáng 17/9. "Trước lúc đi ông còn dặn tôi nhớ giữ gìn sức khỏe, có việc gì phải bình tĩnh lo liệu. Vậy là từ nay tôi phải sống cô độc một mình rồi ông ơi...", người phụ nữ than khóc. Rồi trong cơn nức nở, bà kể vợ chồng bà đến với nhau do chắp nối, tưởng về già rồi nương tựa lẫn nhau. Họ cũng có một đứa con chung nhưng đã qua đời. "Vậy mà giờ ông ấy cũng bỏ tôi đi", bà Bé thổn thức.
Lực lượng cứu hộ vẫn quần thảo tìm dấu vết của các nạn nhân đang mất tích ngoài khơi Vũng Tàu. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân |
Với gia đình bà Đỗ Thị Thương (ngụ Bạc Liêu), trên chuyến tàu định mệnh ấy có chồng, con và em trai của bà. Nhưng hiện chỉ có anh Đặng Thành Được, con bà, may mắn được cứu sống. Còn chồng bà là ông Đặng Văn Thơm và em trai Đỗ Ánh đến giờ vẫn biền biệt tin tức.
Chị Nguyễn Thị Diệp (vợ nạn nhân Đỗ Ánh) kể, anh chị quê ở miệt Bạc Liêu. Do không có ruộng vườn, kinh tế khó khăn nên vợ chồng chị ra thành phố với hy vọng có cuộc sống khấm khá hơn. Hơn chục năm nay, cả năm anh đánh cá ngoài biển, mỗi lần về chỉ nghỉ được 3-4 ngày. Mà những ngày đó cũng không được gần vợ con, phải lên nhà chủ vá lưới, chuẩn bị đồ nghề cho chuyến đi sau. Ngày nào đến tối mịt anh mới về tranh thủ dẫn đứa con nhỏ đi chơi.
Thế nhưng nghèo lại càng nghèo hơn khi những chuyến đi biển ngày càng ít cá. Cả năm nay làm không đủ ăn, mọi chi phí gia đình chị đều phải mượn chủ ghe với hy vọng chuyến này về đủ tiền trả nợ. "Đầu năm học, hai đứa con (lớp 8 và lớp 1) đều chưa có tiền đóng học phí. Chúng nó đang đợi ba về. Trước lúc đi anh còn hứa khi về sẽ mua quà trung thu cho con...", chị Diệp òa khóc.
Đứng ngồi không yên, ông Nguyễn Văn Hơn (thường gọi là Hai Hơn), chủ tàu cá cho biết, những người làm thuê trên tàu đều là họ hàng, làng xóm quen biết của ông. Có người đã gắn bó với ông suốt 20 năm, người ít cũng 7-8 năm.
"5h sáng qua đang mắt nhắm mắt mở thì điện thoại reo. Tin từ bộ đội biên phòng cho hay tàu cá của tôi gặp nạn trên biển. Nghe xong tôi rụng rời tay chân", ông Hơn nói. Cả nhà ông từ qua đến nay cũng như ngồi trên đống lửa, chỉ biết ngóng chờ tin từ ngoài khơi báo về.
“Khi nghe đến tên Ba Chiến tử vong, mấy đứa con của ổng đổ quỵ. Chúng nó cứ hỏi đi hỏi lại có chắc là ba chúng không, bắt tôi gọi điện xác minh mấy lần, đau lòng lắm", ông Hơn kể. "Ba Chiến đã làm với tôi nhiều năm nay, ông ấy hiền và chăm chỉ lắm. Trước lúc đi mấy anh em còn làm bữa nhậu, mong mỏi chuyến này thuyền về đầy cá".
Nguyễn Loan
Nguồn: VnExpress