Obama coi Putin là 'đối tác tin cậy'

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua có cuộc trả lời phỏng vấn kênh ABC News, trong đó bác bỏ những chỉ trích về việc thay đổi chính sách đối với Syria, đồng thời khẳng định người đồng cấp Nga Vladimir Putin là đối tác tin cậy - VnExpress

HT-barack-obama-this-week-jt-1-1304-2928
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ABC ngày hôm qua. Ảnh: ABC

"Tôi không quan tâm đến phong cách thực hiện. Tôi chú ý đến việc đưa ra chính sách đúng đắn hơn", Tổng thống Obama trả lời trong cuộc phỏng vấn độc quyền trên kênh truyền hình ABC ngày hôm qua.

"Sau gần một tháng đầy biến động, kế hoạch xử lý Syria gặp nhiều bất ngờ, có thể không trơn tru nhưng nó đã có hiệu quả", ông chủ Nhà Trắng nói thêm.

Theo Obama, một loạt diễn biến từ việc ông xin phép Quốc hội thông qua kế hoạch tấn công trừng phạt Syria, Thượng viện hủy bỏ phiếu về Syria, đến việc theo đuổi một kế hoạch ngoại giao do Nga đề xuất, đã đưa nước Mỹ đến "một vị trí tốt hơn".

"Mục tiêu cuối cùng của tôi là phải chắc chắn sự việc kinh hoàng hôm 21/8 ở Syria sẽ không lặp lại một lần nào nữa", ông Obama nói, với ý nhắc về vụ tấn công hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria làm hơn 1.400 người thiệt mạng. "Chúng tôi có khả năng đảm bảo điều này".

Trong khi đó nhiều người chỉ trích tổng thống Mỹ vì đã phản ứng "vòng vèo" để cuộc nội chiến Syria kéo dài rồi trở nên đẫm máu, đồng thời thất bại trong việc thuyết phục người dân Mỹ ủng hộ lệnh trừng phạt.

Putin là đối tác tin cậy

Trong những diễn biến ngoại giao mới nhất, một số người còn cho rằng ông Obama đang bị qua mặt, thậm chí là xúc phạm, bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin, người có bài viết đăng trên tờ New York Times hôm 11/9.

Obama cho biết, những lựa chọn của ông, bao gồm cả việc làm mới quan hệ với Putin, đã tạo ra hiệu quả ngăn chặn như mong muốn. Nó làm giảm tối đa khả năng chính phủ Syria sẽ sử dụng lại vũ khí hóa học trong ngắn hạn. Thỏa thuận Nga - Mỹ để giải trừ vũ khí hóa học của chính quyền Assad sẽ có tác dụng tốt hơn so với bất kỳ cuộc tấn công trừng phạt nào vào Syria.

"Nếu như mục tiêu đó thành công thì chúng tôi đã hành động đúng", ông Obama nói.

Nga và Mỹ hôm 14/9 đã đạt được một thỏa thuận chung về việc đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế và tiến tới tiêu hủy vào giữa năm 2014. Chính quyền Assad có thời hạn một tuần để đưa ra thông tin cụ thể về quy mô cũng như nơi lưu trữ kho vũ khí hóa học, nhằm phục vụ quá trình làm việc của các thanh sát viên quốc tế vào tháng 11 tới.

Tuy nhiên, việc các thanh sát viên có thể kiểm tra, loại bỏ vũ khí hóa học trong khi cuộc nội chiến đang diễn ra cũng như chính quyền Assad có hỗ trợ hay không vẫn còn chưa được sáng tỏ. Một câu hỏi mở khác được đặt ra là khi nào thì Nga sẽ thúc ép Syria thực hiện thỏa thuận đó.

putin-obama-8216-1379305010.jpg
Obama và Putin bắt tay trong cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G8 hồi giữa năm nay. Ảnh: AFP

Trong thái độ vừa lạc quan, vừa thận trọng, ông Obama đánh giá Putin là một đối tác đáng tin cậy. "Tôi không nghĩ rằng Putin có cùng quan điểm với chúng ta", Tổng thống Obama trả lời khi được hỏi về phản ứng sau bài viết gây chấn động dư luận Mỹ đăng tải trên tờ New York Times của Putin.

"Tôi hoan nghênh ông Putin tham gia. Tôi luôn chào đón câu nói 'Tôi sẽ chịu trách nhiệm thúc đẩy chế độ Assad trong việc xử lý vũ khí hóa học' của ông ấy. Đây không phải thời kỳ Chiến tranh Lạnh, không phải một cuộc đua giữa Nga và Mỹ. Nếu Nga muốn gia tăng ảnh hưởng ở Syria, thì điều đó không làm ảnh hưởng đến lợi ích của chúng ta", Obama nói.

Vỗ về Iran

Tổng thống Mỹ còn cho rằng ông nhìn thấy khả năng tiềm ẩn của Iran trong việc giúp Syria ổn định, bất chấp các báo cáo về việc binh sĩ Iran đã vào nước này để giúp đỡ chính quyền Assad.

Cũng trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Obama công khai xác nhận đã có sự tiếp cận đầu tiên tới Tổng thống Iran Hassan Rowhani. Ông cho rằng biện pháp ngoại giao sẽ phát huy hiệu quả nếu được hỗ trợ bởi "đe dọa quân sự".

Khi được hỏi về việc tổng thống Mỹ đã có liên hệ với Rowhani hay chưa, ông cho biết: "Có, và Rowhani là người chủ động tìm đến tôi. Tuy nhiên chúng tôi không nói chuyện trực tiếp mà chỉ trao đổi qua thư".

Quá trình trao đổi thư cũng tăng thêm sự tích cực trong quan điểm cho rằng tân tổng thống Iran mở ra một con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đặt ra câu hỏi liệu việc Mỹ không tiến hành tấn công trừng phạt Syria có thể khiến nhà lãnh đạo Iran này cho rằng sự đe dọa của Mỹ với Tehran là không có.

Trong thực tế, các trợ lý hàng đầu của Obama từng cảnh báo Quốc hội Mỹ, rằng việc không tấn công trừng phạt Syria có thể sẽ gửi tới Iran một thông điệp sai lầm.

Ông Obama cho biết thỏa thuận mà Syria đạt được chính là "bài học" về ngoại giao cho Iran. Tổng thống Mỹ đã cẩn thận phân biệt giữa phản ứng của Mỹ với Syria, đã bớt căng thẳng sau thỏa thuận với Nga về xử lý vũ khí hóa học, cũng như cách tiếp cận của Washington với chương trình hạt nhân của Iran.

"Tôi nghĩ rằng những người Iran hiểu được mối quan tâm của chúng tôi đến các vấn đề về hạt nhân lớn hơn nhiều so với vũ khí hóa học", ông Obama nói. "Chương trình hạt nhân của Iran có liên quan đến lợi ích cốt lõi của Mỹ. Một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực sẽ gây ra những bất ổn sâu sắc. Người Iran không nên cho rằng Mỹ không tấn công Syria thì Mỹ cũng sẽ không tấn công Iran".

Mặt khác, ông Obama chỉ rõ bài học từ vụ việc vũ khí hóa học ở Syria chính là "khả năng giải quyết những rắc rối bằng con đường ngoại giao".

Washington từng nhiều lần cảnh báo sẽ tiến hành lựa chọn giải pháp quân sự với Iran nếu giải pháp ngoại giao và các lệnh trừng phạt không ngăn được quốc gia Hồi giáo này phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Iran phủ nhận cáo buộc nước này sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích quân sự.

Bức thư của Obama gửi cho Rowhani được thông báo trên các phương tiện truyền thông. Nhà Trắng không có sự xác nhận công khai nào về vấn đề này, đồng thời cũng không có thông tin chính xác về việc tổng thống Iran từng viết thư gửi tổng thống Mỹ.

Trước đó, quan hệ giữa Mỹ và Iran luôn trong tình trạng căng thẳng khi cựu tổng thống Mahmoud Ahmadinejad còn nắm quyền lãnh đạo quốc gia Hồi giáo này.

Mối liên hệ giữa Mỹ và Iran được tiết lộ sau khi ông Rowhani kêu gọi Moscow giúp đỡ giải quyết vấn đề khủng hoảng hạt nhân của Tehran trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Kyrgzystan.

Nguyễn Tâm

Nguồn: VnExpress