TP HCM cấm chấm điểm học sinh lớp 1

“Bài làm tốt, đáng khen”; Em cần nỗ lực nhiều hơn"... là những nhận xét của giáo viên sẽ dành cho học sinh lớp 1 ở TP HCM thay cho điểm số. - VnExpress

Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM vừa chỉ đạo, bắt đầu từ ngày 12/9, tất cả các trường tiểu học trong thành phố, ngoài bài kiểm tra cuối năm học, "tuyệt đối không chấm điểm cho học sinh lớp 1" trong suốt quá trình dạy.

Theo Sở, thay vì chấm điểm như từ trước đến nay, giáo viên thực hiện đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, trong đó tập trung về những nội dung học sinh đã và chưa thực hiện được để có kế hoạch động viên, giúp đỡ. Việc đánh giá thường xuyên được thực hiện cho tất cả các môn học.

Đối với các môn tiếng Việt, Toán, Tin học và Tiếng dân tộc đều được đánh giá bằng nhận xét. Các môn Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Thủ công được đánh giá bằng nhận xét theo quy định từ năm 2009 của Bộ Giáo dục Đào tạo. Riêng môn tiếng Anh và các ngoại ngữ khác sẽ thực hiện đánh giá theo quy định của đề án áp dụng riêng cho từng ngoại ngữ.

IMG-8131-JPG-9955-1379039492.jpg
Ngoài việc không chấm điểm, giáo viên cũng "cấm kị" việc so sánh giữa học sinh này với học sinh khác. Ảnh: Nguyễn Loan

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tiểu học Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM cho biết, việc không chấm điểm cho học sinh lớp 1 sẽ giảm áp lực cho các em; thay đổi nhận thức của phụ huynh về việc cho con học trước chương trình; đồng thời giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp dạy, tránh tạo tâm lý tự ti, so sánh giữa các em mà thay vào đó tạo ra một nền chung. Đặc biệt, lứa tuổi các em còn khá "nhạy cảm", nếu được động viên, khích lệ sẽ tốt hơn những con điểm "xấu".

Ông Vinh cũng cho biết thêm, những lời nhận xét sẽ tương đương với các con điểm. Ví dụ, nếu học sinh hoàn thành tốt chương trình học thì giáo viên sẽ đánhi giá: “Bài làm tốt, đáng khen”; “Thầy/cô rất hài lòng về bài làm của em. Tiếp tục như thế em nhé”. Còn nếu học sinh chưa hoàn thành tốt thì có thể nhận xét “Em cần nỗ lực nhiều hơn, cần … và … thầy/cô tin chắc em sẽ có kết quả tốt hơn”;  “Em đã cố gắng thực hiện bài làm. Nếu lưu ý những điểm như… em sẽ có kết quả cao hơn”...

Trong giai đoạn học sinh chưa đọc được lời nhận xét trong vở, giáo viên dùng những hình thức động viên kèm theo lời trực tiếp. Khi học sinh đã đọc được, giáo viên ghi lời phê trong vở. Hàng tháng, giáo viên nhận xét vào sổ liên lạc những điều cần đặc biệt lưu ý, giúp ích cho quá trình theo dõi, giáo dục đối với học sinh. Từ đó, thông tin cho phụ huynh biết kết quả học tập của con em mình sau mỗi tuần, mỗi tháng. Ngoài ra, phụ huynh cũng tham gia đánh giá con em mình bằng nhận định, ý kiến phản hồi ghi vào sổ liên lạc như một kênh thông tin tham khảo cho giáo viên.

Ngoài bài kiểm tra vào cuối năm học được đánh giá bằng điểm số (theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân) kết hợp với nhận xét những ưu điểm, hạn chế và góp ý, sửa lỗi cho học sinh, các bài kiểm tra định kì giữa kỳ, cuối kỳ được đánh giá bằng nhận xét.

Các em học sinh cũng tự đánh giá đối với mỗi hoạt động cá nhân sau khi thực hiện nhiệm vụ; chia sẻ kết quả, khó khăn với bạn, nhóm bạn hoặc giáo viên, sau đó sẽ báo cáo kết quả cuối cùng với giáo viên để được xác nhận và hướng dẫn thêm.

"Trong những năm gần đây, Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM đã chỉ đạo trong 2-4 tuần đầu các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đánh giá học sinh bằng nhận xét. Do đó, năm nay việc đánh giá học sinh thay vì chấm điểm sẽ dễ dàng thực hiện hơn", ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ thêm.

Nguyễn Loan

Nguồn: VnExpress