Trục vớt 'Titanic của Italy'

Du thuyền sang trọng Costa Concordia sẽ được lực lượng cứu hộ kéo lên và tháo dỡ, một năm rưỡi sau khi nó bị lật nghiêng khiến 32 người thiệt mạng. - VnExpress

Tàu Costa Concordia sắp được giải cứu sau khi nằm nghiêng bên bờ biển đảo Giglio gần hai năm qua. Ảnh: AP
Tàu Costa Concordia sắp được trục vớt. Ảnh: AP

Con tàu nặng 114.000 tấn đã nằm nghiêng sát đảo Giglio, phía tây Italy, kể từ khi đâm phải đá ngầm hồi tháng 1/2012. Lúc gặp nạn, tàu đang chở hơn 4.000 hành khách. Nó được báo chí mệnh danh là "Titanic của Italy".

Diễn biến gặp nạn của tàu Costa Concordia

Theo NY Daily News, một nhóm cứu hộ đa quốc gia gồm 500 kỹ sư đã làm việc ở hiện trường vụ tai nạn trong một năm qua để cố định con tàu có kích thước bằng 3 sân thể thao, nhằm chuẩn bị cho việc nâng tàu dự kiến diễn ra vào lúc 6h, ngày 16/9 tới. 

Các thợ lặn đã bơm 18.000 tấn xi măng vào các túi đặt dưới con tàu nhằm hỗ trợ và ngăn cho tàu không bị vỡ trong hoạt động cứu hộ dự kiến kéo dài từ 8 đến 10 tiếng.

Sau khi nửa bên phải của con tàu được nâng lên khỏi mặt nước, lực lượng cứu hộ sẽ tiếp tục tìm kiếm thi thể các nạn nhân bằng cách dùng các camera dưới nước để soi ở vùng đáy biển. Sau đó, con tàu sẽ được kéo đi và tháo dỡ. 

Theo các chuyên gia, đây có thể là vụ cứu hộ tàu mắc cạn đắt nhất trong lịch sử, với chi phí ước tính lên đến 800 triệu USD và bảo hiểm trị giá hơn 1,1 tỷ USD. Năm ngoái, việc cứu hộ con tàu từng bị gián đoạn nhiều lần do điều kiện thời tiết bất lợi.

4 thành viên thủy thủ đoàn và một nhân viên công ty chủ quản Costa Cruises đã bị kết án tù hồi tháng 7 vì chịu một phần trách nhiệm trong vụ tai nạn được ví như thảm họa Titanic của Italy.

Thuyền trưởng của Costa Concordia, ông Francesco Schettino bị cáo buộc bỏ tàu trước khi thủy thủ đoàn và các hành khách được giải cứu. Ông vẫn đang bị xét xử tội ngộ sát và gây thiệt hại lớn cho tàu. 

Video mô phỏng việc giải cứu Costa Concordia:

Anh Ngọc (Video:Telegraph)

Nguồn: VnExpress