Đằng sau thỏa thuận 'đổi vũ khí lấy hòa bình'
- 9/14/2013 8:30:13 AM
Các tổng thống Putin và Obama từng thảo luận về ý tưởng đòi Syria giao nộp vũ khí hóa học, nhưng sau đó là cả một năm dài bế tắc, mãi cho đến khi xảy ra bước đột phá với phát ngôn của ngoại trưởng Mỹ trưa hôm thứ hai. - VnExpress
Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được coi là gợi ý tạo ra giải pháp bước ngoặt cho cuộc khủng hoảng Syria sau một quãng đường dài thương thuyết với Nga. Ảnh: AP |
Trong họp báo với ngoại trưởng Anh trưa hôm 9/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chủ động nêu quan điểm mà không có sự chỉ đạo từ Nhà Trắng, khi ông gợi ý rằng Syria có thể tránh được một cuộc tấn công từ Mỹ nếu từ bỏ các vũ khí hóa học.
Phát biểu của ông sau đó được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả là mang tính "tu từ" và tính "giả thuyết", nhưng lại mở ra chuỗi phản ứng dồn dập có thể giúp tránh được một cuộc chiến tranh ở Syria. Nó khiến Tổng thống Barack Obama có thể thoát ra khỏi khủng hoảng, hoặc ít nhất cho ông một lý do chính trị để thực hiện các giải pháp ngoại giao, quan chức Mỹ nói với Wall Street Journal.
Dù các diễn biến xảy ra khá bất ngờ, nhưng một năm trước, ông Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ tại Hội nghị G20 tại Mexico và bàn về ý tưởng Syria sẽ bàn giao kho vũ khí hóa học cho quốc tế kiểm soát. Tuy nhiên, khi đó hai nhà lãnh đạo không đi đến thống nhất.
Trong một năm sau đó, các quan chức của chính quyền Obama và những người đồng cấp Nga đã thảo luận các biện pháp để vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học của Syria.
Hồi tháng 4, ông Kerry có chuyến công du đầu tiên tới Moscow trên cương vị bộ trưởng ngoại giao và dự tiệc tối cùng người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Bữa tiệc kéo dài đến tận 2h30 sáng. Họ thảo luận về phương thức tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria, tương tự như từng thảo luận về việc Libya từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân một thập kỷ trước.
Tháng 6, Mỹ kết luận rằng chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học trên quy mô nhỏ và ông Obama cho phép Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) hỗ trợ lực lượng chống chính quyền Assad. Nga tiếp tục thể hiện sự ủng hộ dành cho Syria.
Sau khi cuộc tấn công bằng hóa học xảy ra ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria hôm 21/8, Mỹ kết luận chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học làm hơn 1.400 người chết.
Từ sau vụ này, các cuộc thảo luận giữa ông Kerry và Lavrov càng trở nên nóng bỏng hơn. Họ đã nói chuyện đến 9 lần kể từ ngày 21/8, các quan chức Mỹ cho hay. Khi ông Obama và Kerry thể hiện quyết tâm tiến hành cuộc tấn công mạnh mẽ để trừng phạt, Nga vẫn bảo vệ Syria và nói rằng phe nổi dậy đứng sau vụ việc chứ không phải chính quyền Syria.
Syria là một trong số ít các quốc gia không ký Công ước cấm sử dụng vũ khí hóa học. Trong kho dự trữ của Syria có lưu trữ Sarin, khí Mustard, Tabun và VX. Trong ảnh là các binh sĩ của Syria. Ảnh: Business Insider |
Đột phá xuất hiện tại Hội nghị G20 diễn ra ở Saint Petersburg, Nga, tuần trước. Ông Obama nói không có kế hoạch gặp ông Putin, nhưng đến ngày cuối cùng, họ bất ngờ trao đổi với nhau hơn 20 phút bên lề hội nghị.
Trong cuộc gặp kín đó, Putin nhắc đến kế hoạch phá hủy kho vũ khí mà Tổng thống Syria đang nắm giữ và ông Obama đồng ý rằng đây có thể là con đường có thể dẫn đến hợp tác. Cả hai bên đều xác nhận như vậy. Họ thống nhất rằng hai Ngoại trưởng Kerry và Lavrov sẽ lên kế hoạch chi tiết. Nhưng các cuộc thảo luận vẫn bị trì hoãn và Mỹ đã không còn hy vọng là kế hoạch này sẽ thành hiện thực.
Tuy nhiên, Kerry bất ngờ nhắc lại ý tưởng trong cuộc họp báo ở London hôm 9/9. Sau đó, diễn biến có tính bước ngoặt xảy ra. Ngoại trưởng Nga Lavrov công khai đề xuất ý tưởng. Ngay sau đó, Syria nhanh chóng chấp thuận.
Vài giờ sau, Tổng thống Obama cũng lên tiếng. "Chúng tôi bất ngờ vì tuyên bố của Nga. Nó vượt xa hơn rất nhiều so với dự kiến", quan chức cấp cao của Mỹ cho hay.
Ông Kerry nói chuyện với Cố vấn An ninh Susan Rice và hai người đồng ý rằng đề xuất phá hủy kho vũ khí hóa học mà chính quyền Assad sở hữu có thể rất khó thực hiện, nhưng đây là một "bước đi tích cực" và cần phải theo đuổi.
Các nghị sĩ Mỹ thì cố tránh một cuộc bỏ phiếu khó khăn, trong đó hoặc là miễn cưỡng ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria, hoặc là bỏ phiếu chống lại đề nghị của Obama. Một số nghị sĩ chỉ trích cách tiếp cận mà họ thấy là "đầy ngẫu hứng" của chính phủ Mỹ trong vấn đề Syria.
"Tôi chưa bao giờ chứng kiến cách làm việc như thế này trong suốt những năm ở đây", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain nói.
Các nhà ngoại giao Mỹ thì cho biết họ hy vọng cuộc tranh luận sắp tới sẽ chứng minh Nga cũng như Syria "có mưu đồ", và vấn đề lại được đặt vào tay chính phủ và quốc hội Mỹ. Họ cũng đang chờ đợi xem đề xuất của Nga sẽ được chính quyền Assad thực hiện như thế nào, nhưng tuyên bố sẽ không đợi lâu.
"Cần phải xúc tiến nhanh chóng, cần phải làm thật và cần phải được kiểm chứng. Đây không phải là biện pháp dùng để câu giờ", một quan chức Mỹ nói.
Tuy nhiên, giải pháp Syria giao nộp vũ khí để tránh bị tấn công được Ngoại trưởng Kerry coi là biện pháp tốt nhất vào thời điểm này.
Mặc dù có sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ trong một số vấn đề, bao gồm việc Nga cho cựu nhân viên an ninh Mỹ Edward Snowden tị nạn, các diễn biến mới cho thấy hai nước đang bị đẩy xích lại gần nhau trên chính trường quốc tế.
Nhà Trắng hy vọng một kết quả tích cực dù kế hoạch được triển khai theo cách nào. Syria có thể đồng ý bàn giao kho vũ khí hóa học, hoặc nếu không thì ông Obama sẽ quay trở lại Quốc hội với những luận điểm vững chắc hơn, rằng ông đã thử hết các biện pháp ngoại giao.
Sự chia rẽ trong Thượng viện và Hạ viện sẽ khiến kế hoạch ban đầu của tổng thống gặp khó khăn. Do đó, "gợi ý của Kerry đã cứu chúng ta", James Jeffrey, cựu đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq dưới thời Obama và phó cố vấn an ninh quốc gia thời George W. Bush, nói.
Một số quan chức Mỹ cho biết họ vẫn nghi ngờ tính khả thi của kế hoạch. Họ lo ngại rằng Nga, đồng minh lớn nhất của Syria, có thể dùng giải pháp này như một chiến thuật trì hoãn. Hơn nữa, việc giám sát một chính quyền trong bối cảnh nội chiến là một việc không khả thi.
Vũ Hà (theo WSJ)
Nguồn: VnExpress