'Không thể để mèo già hóa cáo trong giáo dục'
- 9/14/2013 8:30:08 AM
"Nâng cấp khiến trường trung cấp, cao đẳng mạnh thành cao đẳng, đại học yếu và làm cho cả hệ thống giáo dục thiếu ổn định", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định. - VnExpress
Trong hội thảo tổng kết 3 năm thực hiện đổi mới giáo dục đại học, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, sau khi 10 trường đại học thuộc khối nghệ thuật tự chủ tuyển sinh thành công, các trường còn lại cũng xin tuyển sinh riêng. Một số trường trung cấp, cao đẳng có tuổi đời lớn cũng xin được nâng cấp lên cao đẳng, đại học.
"CĐ Du lịch Hà Nội, CĐ múa Việt Nam, CĐ Văn hóa Đăk Lăk, CĐ Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ... có tuổi đời vài chục năm xin nâng cấp lên đại học. Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai xin nâng cấp lên cao đẳng. Bộ Văn hóa đang xây dựng đề án nâng cấp trường này, xin ý kiến của Bộ Giáo dục", đại diện Bộ Văn hóa cho hay.
Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Lợi, đại diện Bộ Y Tế đề cập đến thực trạng mở ngành đào tạo y dược tại một số đại học đa ngành. Theo ông Lợi, y là một ngành đặc thù nên quá trình đào tạo phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các bệnh viện. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc thẩm định mở ngành quá dễ dãi khiến một số trường đại học đa ngành, ngoài công lập được phép đào tạo y dược trong điều kiện không đảm bảo.
"Thiết bị thực hành thiếu, bệnh viện lại cách xa trường học đến vài chục cây số. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc giảng dạy mà còn khiến chất lượng đào tạo không đạt yêu cầu", ông Lợi cho hay.
"Không thể lấy lí do đào tạo cao đẳng vài chục năm để xin lên đại học. Không thể tiếp tục để xảy ra tình trạng mèo già hóa cáo", Bộ trưởng Luận nói. Ảnh: Nhật Minh. |
Đại diện Bộ y tế cho rằng, nếu để Sở Giáo dục thẩm định với chuyên môn y dược không có thì không ổn. Giải pháp khắc phục tình trạng này là đội ngũ thẩm định phải có sự tham gia của các chuyên gia y tế. Mặt khác, hiện nay Bộ Giáo dục chỉ duyệt tổng chỉ tiêu, còn giao tự chủ chỉ tiêu ngành cho các trường. Đây là một kẽ hở để một số trường phân chỉ tiêu ngành y dược cao, nhưng thực tế số lượng giảng viên rất khiêm tốn dẫn đến chất lượng đào tạo kém.
Phản hồi ý kiến đề xuất của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc các trường cao đẳng khó tuyển sinh Bộ Giáo dục tiếp nhận. Tuy nhiên, việc nâng cấp cao đẳng lên đại học cần phải suy nghĩ bởi vấn đề quan trọng nhất là phân luồng học sinh, đào tạo nhân lực đáp ứng cho xã hội. Mà nhu cầu thì cần cả lao động ở các cấp độ khác nhau.
"Không nên coi cao đẳng là con đường vòng để lên đại học. Mục đích của giáo dục là cho các cháu có một cái nghề để ra làm việc. Nếu tốt nghiệp trung cấp lại đi học cao đẳng, tốt nghiệp cao đẳng lại đi học đại học thì mục tiêu phân luồng sẽ không đạt được", Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành giáo dục nhắn nhủ, không nên vì các trường cao đẳng khó khăn trong tuyển sinh mà kiến nghị thay đổi, nâng cấp. Cần phải nhìn sâu hơn nguyên nhân các trường không tuyển sinh được là gì. Nếu học sinh vào trường trung cấp, cao đẳng chỉ để vào học đại học thì các trường này đã không thực hiện được sứ mệnh.
Ngành giáo dục có một thời gian nâng cấp ồ ạt, điểm tích cực là có thêm nhiều trường đại học, cao đẳng nhưng hệ quả là làm cho cả hệ thống giáo dục không ổn định. Các trường trung cấp, cao đẳng luôn hoạt động với "tâm trạng nhấp nhổm", 3-5 năm xin lên cao đẳng, đại học. Lên đại học vài năm lại đòi đào tạo thạc sĩ, vài năm sau lại xin đào tạo tiến sĩ cho đầy đủ mũ mão. Điều này khiến cho ngành giáo dục luôn chịu một sức ép. Trung cấp, cao đẳng mạnh trở thành cao đẳng, đại học yếu và dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa thầy và thợ.
"Tôi đang yêu cầu các Vụ, Cục tổng kết việc nâng cấp. Bộ cũng sẽ không nhận các hồ sơ xin nâng cấp nữa. Trung cấp, cao đẳng có sứ mệnh, vị trí, vai trò, vinh quang riêng. Ở nước ngoài trường cao đẳng có tuổi đời 100 năm là chuyện thường và họ tự hào vì điều đó. Không thể lấy lí do đào tạo cao đẳng vài chục năm để xin lên đại học. Không thể tiếp tục để xảy ra tình trạng mèo già hóa cáo", Bộ trưởng Luận nói và cho hay, việc các trường đại học bắt đầu từ trường trung cấp hay trường nghề rất nguy hiểm. Việc nâng cấp nếu có phải do nhu cầu bức thiết của xã hội và do các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu.
Về vấn đề đào tạo nhân lực y tế, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, trong hội nghị đào tạo nhân lực y tế đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương có ý chê trách bộ GD&ĐT và Bộ Y tế về việc thẩm định các trường đào tạo ngành y. Họ cho biết, việc này tưởng như rất bài bản, đúng quy trình nhưng trên thực tế có chuyện các cơ sở đào tạo nhân lực y tế không đủ thiết bị thí nghiệm, thiết bị thực hành đã thuê của các đơn vị phân phối. Sau khi đoàn kiểm tra rời đi, họ đem đi trả. Chất lượng đào tạo của những trường này cũng rất kém.
"Tôi đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ thẩm định việc này và đề nghị Bộ Y tế tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ lại các trường vừa cấp phép, đặc biệt là các trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nếu trường nào không đủ điều kiện thì xử lý, có thể đóng cửa hoặc đình chỉ tuyển sinh", Bộ trưởng Luận nói.
Ông Luận cũng cho rằng, cả hai Bộ cần phối hợp chặt chẽ để có một quy trình thẩm định nghiêm túc, thực chất nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Nếu cần thiết sẽ có văn bản quy định riêng đối với ngành Y vì đây là ngành đào tạo đặc biệt.
"Tôi thường xuyên nhận được hồ sơ nhờ xin việc hộ, nhất là từ khi công khai địa chỉ email. Điều này có nghĩa là nguồn cung ứng lao động của chúng ta chưa đắt hàng. Nhiều địa phương phản ánh sinh viên ra trường phải mất tiền xin việc. Như vậy thì làm sao đòi hỏi doanh nghiệp phải đóng góp?", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ. |
Hoàng Thùy
Nguồn: VnExpress