Hàng trăm học sinh Quảng Ngãi bỏ học đi biển

Vừa vào năm học mới nhưng rất nhiều học sinh ở các làng chài ven biển và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã "giã từ" trường lớp để lên tàu ra khơi đánh cá xa bờ.  - VnExpress

10-9-Anh-2-Nghi-hoc-di-bien-1676-1378870
Trường THCS Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa có rất nhiều học sinh bỏ học theo người thân đi biển. Ảnh: Trí Tín.

Sáng 11/9, dọc bến cá Nghĩa Phú, những cậu bé chừng 13-14 tuổi (quê Nghĩa An) tất bật phụ các thuyền viên kéo dây thừng trước mũi tàu hay đảm trách công việc nấu ăn để chuẩn bị cho chuyến ra biển mới. 

"Ba than thở mùa này tìm "bạn" (thuyền viên) khó khăn quá nên bảo em học không được nữa thì ở nhà phụ việc nấu cơm, kéo lưới trên tàu. Từ khi nghỉ hè đến nay, em đã đi một chuyến biển ngoài khơi rồi", Thảo - vừa học hết lớp 8 trường THCS Nghĩa An cho biết.

Còn Trần Minh Đạo, học sinh lớp 9 của trường này xách giỏ cơm ra bến tàu cho cha và anh, nói: "Nhà có hai anh trai và ba chị gái nên em học lớp 9 (không cần thi tốt nghiệp) sẽ nghỉ học phụ giúp cha đi biển nuôi gia đình".

Tiếp lời con, cha Đạo cho rằng, đời ông không biết chữ, suốt ngày lênh đênh trên biển. Đời con trai học đến lớp 9 như vậy là tốt rồi. "Suy cho cùng học hành cho nhiều sau này cũng để đi làm, lao động kiếm tiền mà thôi. Mà lương tháng ở cơ quan nhà nước ít ỏi sao nhiều tiền bằng một chuyến đi biển", ông này so sánh.

Cùng tư tưởng, mẹ một học sinh lớp 9 khác vừa nghỉ học kể từ mùa hè năm nay cũng bộc bạch: "Học chắc gì đã xin được việc làm. Mà có xin được việc thì chắc gì kiếm được nhiều tiền hơn lao động trên biển. Đi biển vừa kiếm được tiền vừa không tốn tiền học phí".

Theo thống kê, năm học 2013-2014, trường THCS Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa đã có hơn 50 học sinh (lớp 6 đến lớp 9) nghỉ học theo gia đình ra khơi. Thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Nghiệp cho biết, hầu hết các em này theo cha, anh đi đánh bắt xa bờ suốt nhiều tháng dài. "Năm nào trường cũng có cả trăm học sinh nghỉ học dở chừng. Tình trạng học sinh chưa đến tuổi thành niên sớm phải mưu sinh trên biển ngày càng tăng khiến cho nhà trường lẫn chính quyền địa phương lo ngại", thầy Nghiệp nói.

Theo thầy Nghiệp, nhiều lần, trường cùng các hội, đoàn thể địa phương lập đoàn đến tận gia đình vận động học sinh trở lại lớp nhưng các em đều vắng nhà, có chuyến kéo dài từ 3 đến 5 tháng.

Về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Tây, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An thừa nhận, tình trạng học sinh bỏ học bậc học THCS đi biển ở địa phương đã đến mức báo động. Trong khi các xã ở trên địa bàn đã phổ cập giáo dục THCS từ lâu thì hiện nay xã Nghĩa An vẫn chưa thể hoàn thành. "Nhiều lần chính quyền địa phương tổ chức họp thôn, xóm phối hợp với nhà trường tìm giải pháp khống chế tình trạng này nhưng không mấy khả quan", ông Tây lắc đầu nói. 

10-9-Anh-1-Nghi-hoc-di-bien-3426-1378870
Ở bến cá Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa dễ dàng bắt gặp những cậu bé khoảng 13-15 tuổi lao động trên những tàu cá xa bờ. Ảnh: Trí Tín.

Không chỉ riêng trường THCS Nghĩa An "đau đầu" trước tình trạng học sinh bỏ học, nhiều trường học ở các làng chài huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn đều có tình trạng tương tự. Thống kê chưa đầy đủ, có hơn 200 học sinh ở các trường địa phương ven biển, hải đảo Quảng Ngãi bỏ học dở chừng theo người thân lên tàu đánh bắt thủy sản. 

Nỗi lo lớn nhất của các trường học ở làng chài hiện nay là không còn hưởng thụ chương trình bãi ngang ven biển. Điều này đồng nghĩa nhà trường phải thu học phí và các khoản thu khác theo quy định.

Thầy giáo Nguyễn Kiểu, hiệu trưởng trường THCS Bình Hải (huyện Bình Sơn) chia sẻ, học sinh vùng biển đi học không tốn tiền còn không chịu học, huống gì thu tiền. "Nếu cả hệ thống không nỗ lực vào cuộc thì nguy cơ hàng chục học sinh tiếp tục bỏ học thời gian tới sẽ xảy ra ", ông Kiểu lo lắng.

Trong khi đó, trường THCS Bình Châu (huyện Bình Sơn) cũng đang "báo động đỏ" tình trạng học sinh lớp 7 đến lớp 9 nghỉ học. "Trung bình mỗi năm trường có khoảng 20 đến 30 học sinh bỏ học chưa hoàn thành tốt nghiệp bậc THCS , thầy hiệu trưởng Nguyễn Hoàng cho biết.

Còn tại huyện đảo Lý Sơn, sau kỳ nghỉ hè vừa rồi có 10 học sinh THPT bỏ học (chủ yếu học sinh nam). Mặt khác, năm học 2013-2014 này, chỉ tiêu tuyển sinh vào 10 của trường bị hạ thấp hơn 120 học sinh so với năm trước nên nhiều em yếu, kém thi rớt đành vào học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên học bổ túc, học nghề.

Thầy giáo Ngô Đình Mẫn, Hiệu trưởng trường THPT Lý Sơn ước tính, khoảng 42 học sinh ở huyện đảo thi rớt kỳ thi vào 10 vừa qua. Có thực tế là nhiều học sinh học lực yếu đã mặc cảm với bạn bè, không mặn mà học bổ túc, học nghề nên theo tàu với người thân kiếm sống.

Trí Tín

Nguồn: VnExpress