3 sở bị truy trách nhiệm vì để 'giám đốc nhận lương khủng'

Ngoài việc kỷ luật 8 lãnh đạo ở 4 công ty công ích, các Sở Giao thông Vận tải, Tài Chính, Lao động – Thương binh và Xã hội cũng phải chịu trách nhiệm liên quan vì để xảy ra sai phạm trong vụ lương khủng. - VnExpress

Tại cuộc họp công bố kỷ luật đối với sai phạm của 8 lãnh đạo thuộc 4 công ty Công ích chiều 12/9, Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM cho biết, trong quá trình họp xử lý vụ việc, Ban Thường vụ Thành ủy cũng xem xét đến trách nhiệm quản lý của các Sở liên quan.

Đối với Đảng ủy Sở Giao thông Vận tải, bà Thư cho rằng, đơn vị này có đến 3 đảng ủy viên sai phạm thì "phải kiểm điểm công tác quản lý cán bộ, đảng viên; công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng cấp dưới và đề xuất giải pháp lãnh đạo chặt chẽ hơn đối với doanh nghiệp công ích trong thời gian tới".

Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý nhà nước của Chi cục Quản lý tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính) cũng được bà Thư đề cập đến. “Cái ông này là ông quản lý tài chính doanh nghiệp mà”, bà Thư nói và cho biết Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu Đảng ủy Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm điểm trách nhiệm cán bộ Phòng Lao động - tiền lương bởi "anh quản lý, theo dõi như thế nào mà để các cán bộ, đảng viên sai phạm như vậy”.

Từ đó, vị trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy yêu cầu "việc kiểm điểm các đơn vị này phải hoàn thành trong tháng 9 để báo cáo Ban thường vụ Thành ủy".

nuoc-ngap-1964-1378989076-7370-137905572

Công ty Thoát nước đô thị đang chịu trách nhiệm về vấn đề thoát nước của TP HCM. Ảnh: A.N

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hiền Lương (Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM)  - đơn vị được cho là “có trách nhiệm nhiều nhất” đối với sai phạm tại 4 công ty công ích cho biết, Đảng ủy Sở GTVT sẽ kiểm điểm, xác định trách nhiệm của mình trong thời gian vừa qua. “Ngay từ khi sự việc nổ ra, Đảng ủy cũng có vai trò trách nhiệm. Chúng tôi đã tập trung thực hiện các bước chỉ đạo của thành phố”, bà Lương nói.

Tuy nhiên, bà Lương cho rằng, các doanh nghiệp đã bị kiểm tra và đang xử lý là doanh nghiệp TNHH một thành viên, và từ năm 2010 đến 2011, "4 doanh nghiệp này không còn nằm trong sự quản lý của Sở Giao thông Vận tải về mặt nhà nước nữa".

“Chủ sở hữu của 4 doanh nghiệp này là UBND TP. Việc quản lý tài chính, quản lý về lao động tiền lương, về hoạt động của các doanh nghiệp này là thuộc về chủ sở hữu. Chủ sở hữu phân công đơn vị nào thì đơn vị đó phải có trách nhiệm thực hiện”, bà Lương nói.

Trước đó, tại cuộc họp về tình hình – kinh tế xã hội TP HCM vào cuối tháng 8, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cũng đã truy trách nhiệm đối với ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố. Tuy nhiên, lúc đó ông Thanh cũng có chung quan điểm với bà Lương về vai trò quản lý của Sở này khi cho biết 4 công ty này "chỉ từng là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Sở GTVT". Nhưng từ năm 2010, đơn vị này đã không thuộc Sở nên "Sở không tham gia vào việc phê duyệt quỹ lương của doanh nghiệp" mà doanh nghiệp tự chi trả theo quy định.

Tại cuộc họp này, khi được Chủ tịch thành phố yêu cầu báo cáo, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính) cho rằng, vấn đề xây dựng quỹ lương phải trên cơ sở định mức. Thông tư 27 rất rành mạch 2 quỹ tiền lương: của ban điều hành và của người lao động. "Vì vậy, nếu lấy quỹ tiền lương của người lao động trả cho ban điều hành là sai, cố tình làm sai và không thể chấp nhận”.

Tuy nhiên, Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá, Chi cục này cũng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ lương "khủng" vì đây là cơ quản quản lý tài chính.

Với kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, ngày 11/9, Đảng ủy Sở Giao thông vận tải đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với tập thể đảng ủy 4 công ty: Công ty Thoát nước đô thị, Công ty Chiếu sáng công cộng, Công ty Công trình giao thông Sài Gòn, Công ty Công viên cây xanh.

Trung Sơn

Nguồn: VnExpress