Cảnh báo tình trạng chó hoang mắc dại cắn người

Hơn 175.000 người bị chó cắn từ dầu năm tới nay, trong đó 64 đã tử vong. Hầu hết các mẫu xét nghiệm đều dương tính với virus dại. - VnExpress

Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện tại nhiều tỉnh thành đặc biệt phía Bắc, xuất hiện tình trạng chó hoang mắc dại hoặc nghi nhiễm bệnh dại tấn công con người. Đáng lưu ý hiện virus dại lưu hành trên đàn chó rất cao. Một số mẫu xét nghiệm lấy tại lò giết mổ chó cũng có kết quả dương tính với virus dại

Lấy ví dụ tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 đã ghi nhận 83 người bị chó cắn. Cơ quan chức năng đã lấu mẫu trên đàn cho đã bị tiêu diệt sau khi tấn công người gửi đi xét nghiệm. Kết quả 2/3 mẫu dương tính với virus dại. Tại huyện Sóc Sơn đã có 130 người bị chó hoang cắn, tập trung ở các xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Việt Long, Minh Phú. Đặc biệt 4/4 mẫu chó được lấy cũng cho kết quả dương tính với virus dại.

cho1-1378723405.jpg
Gia đình nên đưa chó đi tiêm vắcxin để chủ động phòng bệnh dại. Ảnh minh họa: P.N.

Theo giáo sư Hiển, nguy cơ bùng phát bệnh dại là rất lớn. Việc giao lưu mua bán, vận chuyển giữa các đàn chó qua biên giới là yếu tố làm gia tăng việc lây truyền chó dại. Tại Trung Quốc năm 2007, số ca tử vong do bệnh dại đã tăng gấp 16 lần so với năm 1995. Ngoài ra, tâm lý chủ quan cũng là một nguyên nhân khiến việc phòng, chống bệnh dại bị lơ là. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại  cho đàn chó thời gian gần đây rất thấp, nhiều nơi chỉ đạt khoảng 30%, tại các tỉnh miền núi trung du chỉ đạt khoảng 10% và thậm chí có tỉnh chưa tiêm phòng.

Để khống chế bệnh dại ở Việt Nam, giáo sư Hiển cho rằng, chính quyền cần tổ chức, triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dại trên địa bàn. Người dân cần khai báo việc nuôi chó cho chính quyền địa phương. Chó ra đường phải bịt mõm và có người dắt, đặc biệt là phải tiêm vắcxin để chủ động dự phòng bệnh dại. Khi bị chó dại cắn thì phải rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch, sau đó rửa bằng cồn 70% và đến ngay các cơ sở y tế để được chỉ định tiêm phòng bệnh dại.

Dại là bệnh lây từ động vật sang người. Bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được và kể cả người sau khi bị chó dại cắn mà được tiêm phòng đúng phác đồ thì vẫn tránh được tử vong. Khi bệnh dại khởi phát, có nghĩa là cơ hội sống của bệnh nhân đã khép lại vì bệnh này không có thuốc chữa và tử vong rất nhanh. 

Phương Trang

Nguồn: VnExpress