Obama tạo ra khác biệt trong kế hoạch tấn công Syria

Bằng việc chờ đợi cái gật đầu của Quốc hội trong vấn đề Syria, Barack Obama đã tự mình thu hẹp giới hạn quyền lực so với các vị tổng thống tiền nhiệm. Tuy nhiên, với bản thân ngài tổng thống, hành động này được cho là "lùi một bước tiến trăm bước".  - VnExpress

obama-afp-1-1378535950.jpg
Tổng thống Obama phát biểu tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, hôm 31/8. Ảnh: AFP.

Không giống những người tiền nhiệm, đương kim Tổng thống Barack Obama khiến cả ekip của ông bất ngờ khi quyết định hỏi ý kiến các nghị sĩ ở Quốc hội trước khi đưa quân vào Syria. 

Hiện vẫn chưa rõ những tính toán của tổng thống sau hành động có một không hai này. Có thể ông làm vậy vì không muốn phải đơn độc đối đầu với dư luận trước kế hoạch không kích Syria, nhằm đáp trả vụ tấn công hóa học khiến hơn 1.000 dân thường thiệt mạng hồi cuối tháng trước. Hoặc Obama đã nhận ra những hiểm họa chính trị khi tấn công thêm một quốc gia Trung Đông khác mà không có sự hậu thuẫn ở quê nhà. 

Và ngài tổng thống, vốn là một phó giáo sư luật Hiến pháp, có lẽ vẫn còn nhớ những gì được ghi trong Điều I, Phần 8, Hiến pháp Mỹ, trong đó khẳng định, ngoài Quốc hội, không một cơ quan hay cá nhân nào được quyền "tuyên bố chiến tranh" nhằm vào một quốc gia khác. 

Dù mục đích thực sự của Obama là gì và kết quả cuộc bỏ phiếu tại Đồi Capitol hôm 3/9 có đẩy tình hình Syria đi xa đến đâu, thì lựa chọn mới nhất của tổng thống cũng đã đưa lịch sử nước Mỹ bước sang một trang mới. Phải rất lâu rồi đất nước cờ hoa mới được chứng kiến sự "lên ngôi" của Quốc hội, kể từ khi cựu tổng thống Harry Truman ra lệnh đưa quân vào bán đảo Triều Tiên mà không cần sự ủng hộ của các nghị sĩ. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Obama, một tổng thống của phe Dân chủ, tiến hành chiến tranh mà không quan tâm tới thái độ của các nghị sĩ trong Quốc hội sẽ một lần nữa bẻ cong Hiến pháp, thứ được lập ra để điều chỉnh hành vi của mọi công dân, kể cả người đứng đầu đất nước. 

Jack Goldsmith, giáo sư luật học ở Harvard, người từng làm việc cho chính quyền George Bush trong thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, trong một bài viết trên trang Lawfare, đã nhận định rằng: "Theo những gì được ghi trong Hiến pháp, kế hoạch tấn công Syria nếu không được Quốc hội thông qua sẽ đẩy chủ nghĩa đơn phương đi xa hơn bao giờ hết". 

Học giả hiến pháp tự do Garrett Epps, một cây bút của tờ The Atlantic, cũng cho rằng: "Tấn công kiểu này rõ ràng là vi phạm Hiến pháp". 

Mặc dù khẳng định như vậy, nhưng hầu như không một chuyên gia nào trong các lĩnh vực từ chính trị, báo chí hay quân sự hy vọng rằng, Obama sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ Quốc hội. Bởi đơn giản, đó không phải là cách những người đứng đầu nước Mỹ sử dụng quyền lực của họ trong thời đại này. Thậm chí, đó còn là sự thật mà những ông chủ của phòng Bầu Dục chỉ muốn tránh xa. 

Suốt 6 thập kỷ qua, nước Mỹ đã phải chứng kiến sự "thê thảm" ngày càng tăng của Quốc hội, đặc biệt là trước thềm những cuộc chiến lớn. Và đứng sau nó, không ai khác chính là các vị tổng thống, từ cả hai phe tả hữu. 

Mở đầu cho làn sóng này là cựu tổng thống Truman, người năm 1950 đã khiến cả thế giới chấn động khi quyết định đưa quân vào bán đảo Triều Tiên, với lý do bảo vệ đồng minh Hàn Quốc trước sự "bành trướng" của chính quyền miền bắc do Kim Nhật Thành đứng đầu. 

Dean Acheson, vị ngoại trưởng dưới trướng Truman, từng nói trong hồi ký của ông rằng, những cuộc tranh luận ở Quốc hội xung quanh cuộc chiến tranh Hàn - Triều là để "vực dậy tinh thần của các binh sĩ (những người vừa trải quan Thế chiến thứ hai) và củng số sự đoàn kết của nước Mỹ, trong thời điểm họ đang là những người chiếm ưu thế".

Nhưng phải chăng ngài Acheson đã quên rằng, không phải tinh thần của binh sĩ hay sự đồng thuận của quốc gia, mà chính sức mạnh khơi mào một cuộc chiến của Quốc hội mới là thứ được nhấn mạnh trong Hiến pháp. 

Ai cũng cần một cái cớ

Ngay cả tổng thống Truman, một người nổi danh là thẳng thắn, cũng phải lấy lý do "bảo trợ Hàn Quốc" trước khi phát động một cuộc tấn công vào Triều Tiên. Chỉ có điều, trước Truman chưa từng có một hành động bảo trợ nào lại có thể khiến hơn 54.000 người thiệt mạng. 

Theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống sẽ luôn đảm nhiệm vai trò tổng tư lệnh quân đội mỗi khi xảy ra chiến tranh. Và Truman, bằng việc tận dụng tối đa quyền lợi này, đã tạo ra một khuôn mẫu cho những người kế nhiệm ông. Thậm chí nhiều tổng thống còn viện dẫn ra các lý do không có thật để nhận được cái gật đầu tấn công của Quốc hội.  

Tổng thống Lyndon Johnson, người mở màn cho cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, đã sử dụng Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, trong đó cho phép một hành động "giới hạn" nhằm đáp trả vụ đụng độ nhỏ trên biển hồi năm 1964, làm cái cớ để đưa quân vào Việt Nam.

Tương tự như vậy, George Bush cũng gán tội danh sử dụng kho vũ khí hủy diệt hàng loạt cho Saddam Hussein, trước khi tiến hành cuộc tấn công Iraq năm 2003. Kho vũ khí này, cho tới nay, đã được chứng minh là không hề tồn tại.  

Tuy nhiên, những hàng động này, về mặt pháp lý, vẫn rõ ràng hơn việc gửi quân đội tới một chiến trường chỉ sau vài cuộc họp không đầu không cuối giữa những người đứng đầu Quốc hội. 

Tổng thống Ronald Reagan từng lấy lý do bảo vệ một số sinh viên y khoa của nước Mỹ để gửi thủy quân lục chiến tới Grenada năm 1983. Năm 1999, Bill Clinton đã đi đường vòng để có được cái gật đầu của Quốc hội trước khi tiến hành cuộc không kích chống lại Kosovo, nhằm bảo vệ người dân tộc thiểu số ở khu vực này. Bản thân đương kim Tổng thống Obama cũng chỉ dựa trên một sự hỗ trợ mỏng manh trước khi để quân đội Mỹ tham gia chiến dịch đánh bom của liên quân vào Lybia hồi năm 2011. 

Syria là trường hợp đặc biệt

Nhưng bằng tính toán của một người từng học luật, Obama biết ông không thể dựa vào những lý do tương tự như vậy để tấn công Syria. 

Chưa có một cá nhân hay tổ chức nào của nước Mỹ bị chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đe dọa. Và không chỉ có NATO mà cả Anh, đồng minh thân cận nhất của Washington, cũng đã khẳng định sẽ đứng ngoài cuộc. Cùng với sự chống đối hết mình của Nga, Mỹ cũng không có được bất cứ một giải pháp nào của Hội đồng Bảo an hay sự ủy quyền của Liên Hợp Quốc.

Lật lại lịch sử, mỗi quyết định vượt quyền Quốc hội của một tổng thống lại tạo ra tiền lệ xấu cho những người tới sau, đặc biệt là với các vị tổng tư lệnh không đủ kiên nhẫn để tuân theo những quy định của Hiến pháp. Đó là lý do sẽ rất nguy hiểm cho nước Mỹ nếu tổng thống Obama quyết định can thiệp vào Syria mà không có sự đồng thuận của Quốc hội và sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc hoặc NATO. 

Trong trường hợp tổng thống nhận được sự "chống lưng" của Quốc hội, cuộc tấn công sắp tới của Mỹ vào Syria sẽ trở thành một lời cảnh báo, rằng không một chính phủ nào có thể tái sử dụng vũ khí hóa - sinh học mà không phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc. Giống như câu hỏi mà Obama từng đặt trong bài phát biểu hôm thứ bảy tuần trước tại Vườn Hồng: "Thông điệp của chúng ta là gì nếu một tên độc tài có thể mặc sức thổi khí độc vào trẻ em, khiến chúng đau đớn đến chết, mà không phải chịu bất cứ sự trừng phạt nào?".

Không chỉ dừng lại ở đó, hành động của Obama còn nhằm tạo ra một tiền lệ mới với các tổng thống tương lai, trong khi xem xét một hành động quân sự đơn phương, sẽ phải trả lời câu hỏi, "có lẽ tôi nên tới Quốc hội và học theo những gì Obama từng làm trong vụ Syria". 

Khi phải đối mặt với hàng loạt các lựa chọn khó khăn, thay vì thể hiện sức mạnh tổng thống như những người tiền nhiệm, Obama đã chọn cách trung thành với Hiến pháp. Hy vọng, trong những ngày tới đây, hành động khác biệt của vị đương kim tổng thống sẽ tạo ra những hiệu quả khác biệt. 

Quỳnh Hoa (Theo Y!M News)

Nguồn: VnExpress