Ngôi nhà của ba chị em có đôi chân dị tật
- 9/8/2013 8:30:04 AM
Nhà ba chị em họ Phạm: Phạm Thị Mến (1950), Phạm Thị Huyền (1956), Phạm Thị Thu (1958) nằm nép mình khiêm nhường trong một ngõ nhỏ. Trước sân ra giàn mướp lúc lỉu quả xanh mướt và đàn gà ríu rít vô cùng thích mắt. - VnExpress
Tìm đến Đội 3, xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, hỏi thăm nhà bà Mến bán nón thì già trẻ đều biết.
Ba chị em gái đều có đôi chân bị dị tật, phải đi lại bằng tay. |
Căn nhà của 3 chị giống như nhà của 7 chú lùn trong truyện cổ tích. Từ bậc cửa, cầu thang, bàn ghế, giường, cho đến cả chiếc kệ đặt bếp ga cũng như được thu nhỏ lại. Bà Mến loay hoay mang nước mời chúng tôi. Chân bà đã bị hỏng nên hoàn toàn đi lại bằng đôi tay. Cứ đi được một bước thì lại dừng lại một nhịp để nhấc chai nước theo. Bà Mến rớt nước mắt, kể:
Bà Mến chia sẻ: "Căn bệnh này ác lắm cô chú à. Bố mẹ tôi đều là nông dân bình thường, đâu có ai đi chiến trận gì đâu mà có người bảo do dính chất độc da cam. Người độc mồm độc miệng lại nói do ăn ở không tử tế nên bị thần linh nguyền rủa. Không ai có chỉ rõ tụi tôi mắc chứng bệnh cụ thể gì. Chỉ nói do thiếu canxi. Thiếu canxi mà sao hai anh trai nhà tôi không bị? Có bác sĩ lại nói do con gái không hợp máu với bố mẹ nên biến dị chi chi đó, tôi không hiểu. Cứ thế rồi cũng kệ, chẳng buồn chạy chữa nữa. Học cách thích nghi với nó vậy".
Cả ba chị em đều là những đứa trẻ hoàn toàn bình thường cho đến năm 1 tuổi. Cứ đến tuổi ấy thì lần lượt đôi chân các bà bị teo nhỏ lại. Bà Mến kể, hồi xưa, khi bà trông nom đứa em thứ hai là bà Huyền đáng lẫm chẫm đùa nghích trong sân. Thế rồi bỗng nhiên, Huyền té sụm xuống, khóc ré lên, không đứng lên được nữa. Bà Mến đâu ngờ rằng từ sau cú ngã định mệnh, em gái bà vĩnh viễn không còn bước đi được nữa. Hồi đó làm gì có thuốc thang tử tế. Thêm vào đó, gia cảnh nghèo nên mẹ bà chỉ lấy lá cây bòng, cùng thuốc của người bệnh phong xoa qua loa cho bà Huyền.
Sự việc tiếp tục lặp lại với bà Thu, em gái út. Lần này bà Mến không thấy lạ nữa, chỉ biết rớt nước mắt nhìn em gái đột nhiên té ngã, cảm tưởng như có thể nghe xương gãy rôm rốp. Tuy bị tàn tật nhưng các bà vẫn phải lao động cật lực mới có cái ăn. 14 tuổi, cái tuổi mà bạn đồng trang lứa vẫn trong vòng tay bố mẹ, cắp sách đến trường thì bà Mến đã phải học cách mưu sinh.
Ông trời lấy đi của bà Mến nhiều thứ, nhưng cũng lại phú cho bà đôi tay khéo léo và một bộ óc thông minh. Bà Mến kể, có một lần, khi đang ngồi trông em trong nhà thì có một đám cưới đi qua. Với bà, váy áo xiêm ý hay vẻ đẹp của cô dâu đều không có sức hấp dẫn bằng chiếc nón lá thêu hoa lộng lẫy kia. Bà Mến chợt nảy ra ý định: "Sao mình không thử làm nón nhỉ?”.
Chiếc xe tay lắc, phương tiện bà Mến chở nón đi bán. |
Hàng ngày, bà vẫn thường lết ra bụi tre gần nhà, chặt về vót ra đan rổ, rá, quạt, hay lấy chít về bó chổi. Đồ vật gì bà làm ra cũng đều xinh xắn, hàng xóm vào tận nhà bà để mua. Nghĩ gì làm vậy, sáng hôm sau, bà xỏ hai tay vào chiếc dép, lết đi khắp xóm, tìm nhà nào làm nón đẹp nhất thì ghé vào học nghề. Ai cũng nói người tàn tật như bà không làm được đâu. Làm nón khó lắm không chỉ đơn giản như đan rổ rá… ngần ngừ không muốn dạy. Bà Mến chỉ im lặng, quan sát thật kỹ đôi tay thoăn thoắt của thợ. Về nhà, bà bắt đầu tập đan theo. Cái thứ nhất méo mó, cái thứ hai không đều, cái thứ ba… đôi tay bà sưng rộp lên dần, tóe máu vì bị lá cứa. Thế nhưng bà Mến vẫn không bỏ cuộc. Cuối cùng, chiếc nón bà làm ra cũng tròn vành vạnh, trắng phau như đàn cò. Bà mừng muốn rớt nước mắt.
Bà Mến lắc đầu kể: “Khi mới bán nón bà chỉ lãi đúng 100 đồng một cái nón. Tiền nhập vào 1.400 đồng và bán đi giá 1.500 đồng. Cơ cực lắm, mấy chị em chỉ biết ôm nhau khóc nhưng rồi lại an ủi nhau thôi thì cố bán, cứ năm chiếc nón là đã được một bơ gạo rồi. Dần dà, người ta dần biết đến tiếng nón bà Mến. Nhờ thế mà món đồ của bà giá cao và lãi nhiều hơn. Nhiều nhà đến đặt cho đám cưới cùng lúc, ba chị em làm không xuể. Có khi 2 giờ đêm mới ngơi tay để nghỉ, 4 giờ sáng phải dậy đi chợ rồi. Vất vả là thế mà bà Mến vẫn không quản ngại.
Bà nói với chúng tôi: “Nếu thực sự chúng tôi không cố gắng hết mức thì kéo nhau đi ăn xin từ lâu rồi đấy chứ. Thế nhưng tôi dạy các em, mình tàn tật nhưng mình có tự trọng. Mất chân thì còn tay, mình làm mình ăn chứ không để ai coi thuờng, thương hại mình được”. Vài người trong xóm cũng tìm đến học, các bà đều nhiệt tình dạy hết. Nhờ đó, có nhiều người đã thành nghề. Ngày lễ Tết họ lại mang quà bánh đến cám ơn các bà. Ba chị em còn chắt chiu, gom góp nuôi dưỡng người cháu gái. Giờ cô đã tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Hà Nội.
Tuy bị tàn tật, nhưng bà Mến vẫn tự tay làm hết việc nhà. |
Giữa trưa nắng, ngoái lại nhìn ba bà nhỏ bé như những chấm mực, gần như lọt thỏm trong căn nhà, giơ tay vẫy chúng tôi. Tôi thấy trong lòng nảy lên những mầm tin yêu…
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Nhân vật trong bài viết dự thi có cơ hội trở thành người Thụ hưởng Gameshow Vì bạn xứng đáng phát sóng vào 17-18h chủ nhật hàng tuần trên VTV3. |
Vũ Thị Thanh Huyền
Nguồn: VnExpress