Thường vụ Quốc hội xem xét quy định hôn nhân đồng giới

Phiên họp tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về hàng loạt luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật hôn nhân gia đình. - VnExpress

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình sẽ được Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, đại diện cơ quan soạn thảo, trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 10/9.

Theo dự thảo đang được lấy ý kiến, điều kiện kết hôn đưa ra phương án bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người đồng giới. Quy định về giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, về cơ bản cũng giống như giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

hon-nhan-1378520089.jpg
Kết quả thăm dò dư luận trên website Dự thảo online của Quốc hội với chỉ 2,8% phản đối hôn nhân đồng tính. Ảnh chụp màn hình ngày 7/9.

Đa số các cuộc thăm dò dư luận cho đến nay đều thu được kết quả nghiêng về ủng hộ quy định về quyền kết hôn của người cùng đồng giới. Trong phiên họp của Chính phủ giữa tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận định, hôn nhân đồng giới là một thực tế xã hội, vấn đề của toàn cầu, không thể “né tránh”, và cần đưa vào luật Hôn nhân, gia đình sửa đổi để thảo luận, cân nhắc cặn kẽ.

Bắt đầu từ 9/9 và kéo dài trong hai tuần, chương trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ yếu dành cho công tác xem xét, cho ý kiến về các dự án luật. Trong đó, nhiều dự án luật lần đầu được cho ý kiến như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật công an nhân dân (sửa đổi)...

Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND các cấp; tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật đất đai (sửa đổi) và dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) Dương Đăng Huệ, từ quy định "cấm” trong pháp Luật Hôn nhân, gia đình hiện hành đến “không thừa nhận” trong dự thảo sửa đổi là cả bước tiến về nhận thức. Hiện, cả thế giới chỉ có 11 quốc gia chính thức thừa nhận hôn nhân đồng tính và đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Nguyễn Hưng

Nguồn: VnExpress