'Bóng ma' vũ khí hóa học ám ảnh nhân loại

Nghị định thư Geneva ra đời năm 1925 như một công cụ ngăn chặn thảm sát bằng vũ khí hóa học, nhưng sức mạnh ghê gớm của loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này vẫn khiến nhiều quốc gia không thể cưỡng lại và tiếp tục sử dụng nó.  - VnExpress

vu-khihh-1378464492.jpg
Cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của quân đội Đức trong Thế chiến I. Ảnh: Wikipedia

Bối cảnh ra đời

Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp của vũ khí hóa học, trong đó đáng kể nhất là vụ tấn công bằng vũ khí hóa học đầu tiên trên quy mô lớn của quân đội Đế quốc Đức ở Ypres, Bỉ, năm 1915. Hàng trăm binh lính Pháp đã hít phải thứ khí độc hại và thiệt mạng, số còn lại bỏ chạy tán loạn. Quân đội Đức nhanh chóng giành ưu thế trên chiến trường.

Sau sự kiện này, một cuộc chạy đua vũ khí hóa học bắt đầu với các nước tham gia gồm Anh, Nga, Áo-Hung, Mỹ và Italy, dẫn đến sự phát triển của một loạt hóa chất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến phổi, da và mắt. Một số chất có khả năng gây sát thương trên chiến trường, như hydro xyanua, và những phương pháp phân bố chất độc hiệu quả đã ra đời. Ít nhất 124.000 tấn chất độc hóa học đã được sản xuất trong suốt Thế chiến I.

Năm 1918, cứ ba quả lựu đạn thì có một quả chứa những chất hóa học nguy hiểm. Khoảng 1% số các trường hợp tử vong và 4% số các trường hợp bị thương trong cuộc chiến này là do khí độc, dù ảnh hưởng về mặt tâm lý đối với các binh sĩ có thể lớn hơn nhiều. Khi các thiết bị bảo vệ khỏi chất độc hóa học được phát triển, công nghệ phá hủy các thiết bị này trở thành một phần trong cuộc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia.

Một năm sau, Hiệp ước hòa bình Versailles bao gồm một số điều khoản cấm Đức sản xuất hoặc nhập khẩu vũ khí hóa học ra đời. Những hiệp ước tương tự cấm vũ khí hóa học cũng ra đời sau đó.

Năm 1922, Mỹ giới thiệu hiệp ước về Sử dụng Tàu ngầm và Khí độc trong Chiến tranh, được gọi là Hiệp ước Washington. 4 trong số các nước thuộc phe chiến thắng là Mỹ, Anh, Italy và Nhật Bản, đã phê duyệt hiệp ước này, nhưng nó không thể có hiệu lực khi Pháp phản đối các điều khoản về tàu ngầm trong hiệp ước.

Ba năm sau, tại Hội nghị Geneva về Giám sát Vận chuyển Vũ khí Quốc tế, Pháp đã đề xuất một nghị định thư về cấm sử dụng khí độc. Ba Lan đề xuất bổ sung các vũ khí sinh học vào các điều khoản.

Ngày 17/6, Nghị định thư Geneva về cấm sử dụng khí gây ngạt, khí độc và các loại khí khác, các vũ khí sinh học trong chiến tranh được 38 quốc gia cùng ký kết. Đến tháng 5/2013, Nghị định thư Geneva đã có 138 nước thành viên.

Các hiệp ước sau đó gồm Hiệp ước Vũ khí Sinh học 1972 (BWC) và Hiệp ước Vũ khí Hóa học 1993 (CWC) đã bổ sung thêm vào Nghị định thư Geneva nội dung liên quan đến việc sản xuất, tàng trữ hay vận chuyển vũ khí sinh, hóa học. 

Những vụ 'vượt rào'

Bất chấp việc ký kết Nghị định thư Geneva, một số nước vẫn triển khai vũ khí hóa sinh. Một số ví dụ nổi bật là Pháp và Tây Ban Nha trong cuộc chiến tranh Rif trước khi Nghị định thư Geneva đi vào hiệu lực năm 1928, Italy chống lại Abyssinia năm 1935 với khí mù tạt, Nhật Bản thả bom vi sinh vật xuống Trung Quốc trong cuộc chiến tranh 1938-1941. 

nhat-1378464493.jpg
Quân đội Nhật mang mặt nạ chống độc đổ bộ vào Thượng Hải trong chiến tranh Trung-Nhật. Ảnh: Wikipedia

Trong Thế chiến II, Mỹ, Anh và Đức đã chuẩn bị các nguồn lực để triển khai vũ khí hóa học, tàng trữ hàng tấn chất độc, nhưng sau đó không sử dụng do e ngại khả năng bị trả đũa. Sau chiến tranh, hàng nghìn tấn tabun, sarin và những vũ khí hóa học khác trữ trong các thùng và container được phe Đồng minh xử lý trên biển.

Trong giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh, Anh đã phối hợp với Mỹ phát triển vũ khí hóa học. Liên Xô cũng có các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học nhưng việc phát triển này được giữ bí mật.

Trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988 và các cuộc nổi dậy năm 1991 ở Iraq, chính quyền Tổng thống Sadam Hussein từng dùng nhiều chất hóa học khác nhau, bao gồm khí mù tạt, sarin và VX để chống lại Iran và những người Iraq muốn lên nắm quyền.

Một số nước tuyên bố họ xem nghĩa vụ không sử dụng vũ khí hóa sinh chỉ được áp dụng với các nước khác. Họ sẽ không thực thi nghĩa vụ này nếu các vũ khí bị cấm trong nghị định thư được sử dụng để chống lại họ.

Nghi án vũ khí hóa học ở Syria

Ngày 21/8/2013, một cuộc tấn công nhằm vào thành lũy của phe đối lập ở ngoại ô thủ Damascus, Syria đã làm chết hơn 1.400 dân thường, trong đó có hàng trăm trẻ em. Những hình ảnh được phe đối lập công bố cho thấy các nạn nhân bị ngạt thở, mắt đục, co giật, những triệu chứng thường thấy khi hít phải khí độc.

Video cảnh kinh hoàng của các nạn nhân ở Syria

Phe đối lập cáo buộc quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng chất độc hóa học trong cuộc tấn công này, trong khi phe chính phủ bác bỏ và đổ lỗi cho lực lượng nổi dậy.

Do nghi án sử dụng vũ khí hóa học diễn ra trong biên giới Syria, thay vì một cuộc chiến tranh giữa các nước tham gia Nghị định thư Geneva, nên tình trạng pháp lý của trường hợp này chưa rõ ràng. 

syria2-1378464493.jpg
Các bác sĩ cấp cứu một nạn nhân được cho là hít phải khí độc ở Damascus ngày 21/8. Ảnh: Telegraph

Trong khi Liên Hợp Quốc đang điều tra về nghi án này và dự kiến mất ba tuần để đưa ra kết luận, Mỹ tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng cho thấy chính quyền Syria dùng vũ khí hóa học sát hại dân thường, trong đó có dấu hiệu của chất độc thần kinh sarin.

Washington lên án đây là một hành động man rợ và vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn quốc tế về cấm sử dụng vũ khí hóa học. Mỹ cũng cho rằng một cuộc tấn công quân sự hạn chế vào quốc gia Trung Đông là cần thiết để trừng phạt sự vi phạm này của chính quyền Assad. Syria đã ký kết Nghị định thư Geneva 1925 vào năm 1968.

Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc phản đối kế hoạch này và yêu cầu Mỹ cung cấp bằng chứng rõ ràng về vũ khí hóa học. Tổng thống Vladimir Putin cho hay ông sẽ mạnh tay với Syria, nước đồng minh lâu đời của Nga, nếu có bằng chứng chứng minh cáo buộc trên.

Sau khi quốc hội Anh bác bỏ kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria, Mỹ đang tính đến phương án hành động đơn phương, thậm chí không cần có sự phê duyệt từ Hội đồng Bảo an. Tổng thống Barack Obama đã đạt được sự đồng thuận của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về một kế hoạch tấn công Syria trong 60 ngày và đang chờ đợi sự thông qua của Hạ viện, nơi có nhiều nghị sĩ Cộng hòa phản đối chiến tranh.

Theo tình báo Pháp, chính quyền Syria hiện có khoảng 1.000 tấn vũ khí hóa học, do lực lượng đặc biệt của quân đội bảo vệ. Có 50 cơ sở sản xuất cũng như các điểm cất giữ và trung tâm nghiên cứu vũ khí hóa học trên toàn Syria.

Anh Ngọc

Nguồn: VnExpress