Học sinh Hà Nội khai giảng trong mưa

Sáng nay, 18 triệu học sinh, sinh viên và 4,7 triệu trẻ đến trường mầm non chính thức bắt đầu năm học mới. Tại Hà Nội, mưa lớn kéo dài khiến lễ khai giảng của thày trò các trường vất vả hơn dự kiến. - VnExpress

khai-giang-trong-hanh-lang-JPG-137835121
Mưa to khiến cô và trò phải tổ chức khai giảng ở hành lang lớp học.

Cơn mưa suốt đầu giờ sáng nay khiến đường phố Hà Nội ngập, giao thông ùn tắc. Nhiều trường đã phải lùi thời gian hoặc khai giảng chóng vánh tại hành lang để cho học sinh sớm ra về. 

Lên phương án tổ chức khai giảng từ nhiều tuần, nếu mưa nhỏ hoặc nắng thì kéo bạt che khắp sân trường, song với cơn mưa to sáng nay, THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) phải cho học sinh dự khai giảng ở hành lang lớp học. Hiệu trưởng Phạm Thị Kim Liên cho biết, trời mưa lại khiến học sinh có một ngày khai giảng đáng nhớ.

"Học sinh ngồi thành hai hàng dọc hàng lang của lớp, khách mời ngồi ở sảnh chính của nhà hiệu bộ. Chào cờ ở gần phòng học nên khi hát Quốc ca, âm vang to và rất hay", cô Liên cho biết.

Từ hành lang các tầng, học sinh có thể nhìn xuống sân khấu xem các tiết mục văn nghệ. Mọi hoạt động của buổi lễ vẫn diễn ra như dự kiến, chỉ riêng phần diễu hành của học sinh lớp 6 bị cắt. Màn chào đón các em nhỏ tuổi nhất trường diễn ra ngay ở hành lang, học sinh ngồi vẫy cờ hoa và vỗ tay.

Tương tự, hàng trăm học sinh Tiểu học Việt Nam - Cu Ba (quận Ba Đình) cũng khai giảng tại hành lang, dù trường cũng đã căng bạt phía dưới sân. Học sinh nhỏ được vào ngồi trong lớp học, các anh chị lớp lớn đứng ngoài hành lang làm lễ chào cờ, nghe Hiệu trưởng đọc diễn văn. Còn phụ huynh khoác áo mưa, cầm ô đứng dưới sân xem các con khai giảng.

Trong khi đó, ở Tiểu học Hoàng Diệu, bốn chiếc dù lớn được trưng dụng, che kín cả sân trường để buổi lễ diễn ra như dự kiến. Ngồi phía dưới, các cô cậu học trò thích thú đùa nghịch với những giọt nước lọt qua dù phun xuống. Một số phụ huynh lo sợ con bị ướt mang ô vào tận nơi để che.

"Mưa to nhưng con vẫn được dự khai giảng. Một số bạn lớp con còn thích thú nghịch vũng nước dưới chân", Nhật Anh (lớp 3) nói.

khai-giang-2-1-1378355315.jpg
Tiểu học Hoàng Diệu phải căng 4 chiếc dù lớn để làm lễ khai giảng. Ảnh: Hoàng Thùy.

Tời mưa như trút nhưng lễ chào cờ ở THCS Nguyễn Trãi (phố Nam Cao, quận Đống Đa) vẫn diễn ra. Hàng trăm học sinh đứng chen chân dưới bạt rộng cả trăm mét vuông. THPT Hà Nội - Amsterdam, Mầm non Hoa Sen... phải tổ chức buổi lễ trong hội trường, chỗ ngồi khá chật chội và ồn ào.

Còn THCS Chu Văn An (Thụy Khuê) dự kiến tổ chức lễ khai giảng ấn tượng với màn thả bóng bay, nhưng sáng nay cũng phải cho học sinh về lớp, chờ ngớt mưa mới có thể bắt đầu. Khuôn viên trường mới xây, bóng cây chưa đủ lớn để có thể che mưa, hành lang lớp học cũng phân tán xa khu vực hội trường, sân khấu.

Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, sáng nay trời mưa nhưng lễ khai giảng vẫn diễn ra như dự kiến. Các trường đều có phương án từ trước khi trời mưa như thuê ô, dù, hoặc tổ chức ở các nhà thi đấu, thể thao...

Trái ngược với thời tiết Hà Nội, sáng nay, TP HCM khá mát mẻ, trong lành tạo cảm giác dễ chịu cho các thầy cô và các em học sinh trong ngày đầu năm học. Từ 6h30, trên khắp các ngả đường TP HCM, hơn một triệu học sinh xúng xính trong những bộ đồng phục mới trên tay cầm cờ đỏ sao vàng phấp phới tới trường.

Trước cổng Tiểu học Nguyễn Bình Khiêm (quận 1), phụ huynh tập trung đông hơn thường lệ, nhiều người tất bật sửa quần áo, tranh thủ cho con ăn sáng. Nhiều phụ huynh tranh thủ ghi lại những khoảng khắc đáng yêu của con trong ngày đặc biệt. 

Trong khi các anh chị lớp 3, lớp 4 giúp thầy cô bê bàn ghế ra sân thì nhiều bé lớp 1 bỡ ngỡ nắm chặt tay ba mẹ, có em còn òa khóc khi mẹ trao tay cho cô giáo dẫn vào trường.

Còn ở THPT Trần Đại Nghĩa (quận 1), hàng trăm nữ sinh trông xinh đẹp, duyên dáng hơn trong bộ áo dài trắng muốt. Các nam sinh thì bảnh bao bộ đồng phục quần xanh áo trắng đóng thùng. Các học sinh trung học cũng tỏ ra rất háo hức với ngày lễ trọng đại bắt đầu năm học 2013-2014. Nhiều em tranh thủ thắt bóng bay, làm hình nộm đáng yêu để chào đón một năm học mới.

Vì lễ khai giảng diễn ra khá sớm nên các tuyến đường khá thông thoáng. Tuy nhiên, do nhiều phụ huynh đưa đón và đứng đợi con trước cổng trường nên ở những tuyến đường gần trường học đã bị ùn tắc nhẹ.

IMG-8617-JPG-1378346481.jpg

THPT Trần Đại Nghĩa chào đón thêm những học sinh mới. Ảnh: Nguyễn Loan.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết dự kiến năm học 2013-2014 cả nước có hơn 22 triệu học sinh sinh viên, trong đó trẻ mầm non có khoảng 4,7 triệu (tăng gần 220 nghìn so năm ngoái). Học sinh tiểu học có hơn 7,4 triệu em (tăng hơn 100 nghìn), THCS có gần 5 triệu, THPT hơn 2,7 triệu, trung cấp chuyên nghiệp 520 nghìn và cao đẳng, đại học gần 2,2 triệu.

Trước thềm năm học mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lời chúc mừng đến các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức ngành giáo dục và phụ huynh, học sinh. Chủ tịch nước nhấn mạnh, năm học 2013 - 2014 là năm đầu tiên thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 6 về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, ngành giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

"Cần quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đẩy mạnh thi đua dạy tốt, học tốt để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học", Chủ tịch nước viết trong thư.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, mục tiêu giáo dục năm nay không thay đổi so với các năm trước nhưng cách tiếp cận sẽ có nhiều đổi mới. Hiện nay, một số giải pháp đã được triển khai trong giáo dục như mô hình trường tiểu học chất lượng cao, dạy học tiếng Việt công nghệ lớp 1, áp dụng phương pháp dạy học mới "bàn tay nặn bột", động viên học sinh nghiên cứu khoa học, tổ chức thi giáo viên dạy kiến thức liên môn...

"Đổi mới phương pháp dạy và phương pháp kiểm tra đánh giá cũng như quan niệm về chất lượng giáo dục sẽ được thực hiện nghiêm túc trong năm học mới. Ngành giáo dục cũng sẽ chú trọng xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục", Thứ trưởng Hiển nói.

Năm nay, trong hệ thống trường công lập xuất hiện mô hình trường chất lượng cao. Theo Thứ trưởng Hiển, mọi trẻ em đều được đảm bảo bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục, còn sự bình đẳng về chất lượng giáo dục thì khó có thể làm được và hiện cũng chưa nước nào làm được.

Năm 2013, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo là hơn 194.400 tỷ đồng, tăng hơn 24.000 tỷ đồng so với năm 2012. Trong số đó, tiền chi cho giáo dục ở trung ương là gần 42.200 tỷ đồng, địa phương là 152.220 tỷ đồng. Số tiền chi cho giáo dục cơ bản là 30.015 tỷ, chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo là 164.401 tỷ.

Nhóm phóng viên

Nguồn: VnExpress