PGS Văn Như Cương: 'Học thêm chỉ bất lợi cho học sinh'

Hiệu trưởng Trường PTDL Lương Thế Vinh (Hà Nội) tuyên bố chống lại học thêm vô tội vạ bởi chỉ gây tốn tiền, tốn thời gian, ảnh hưởng sức khỏe, nguy hiểm vì đi đường, không có thời gian tự học, nghiên cứu. - VnExpress

thay-van-nhu-cuong-1355204178-500x0-1378

Thầy Văn Như Cương nhắn nhủ, có thể cha mẹ không thiếu tiền, nhưng đừng đáp ứng hết mọi đòi hỏi của con bởi trẻ em càng đươc nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút. Ảnh: Hoàng Thùy.

Nhân dịp khai giảng năm học 2013 - 2014, PGS Văn Như Cương gửi thư tới phụ huynh trường Lương Thế Vinh, tâm sự về việc dạy dỗ con cái. Trong bức thư chia sẻ riêng với các bậc cha mẹ có con em học ở ngôi trường do ông cùng các cộng sự thành lập và điều hành, vị giáo già cũng gửi gắm những trăn trở của mình về sự nghiệp trồng người hiện nay.

Quan điểm không học thêm, dạy thêm được cá nhân ông và trường Lương Thế Vinh bảo vệ, duy trì kể từ khi thành lập trường năm 1989.

Dưới đây là tâm thư của ông.

"Một trong những nhân tố làm nên thương hiệu Lương Thế Vinh là ủng hộ của các bậc phụ huynh về đường lối giáo dục của nhà trường. Nhân dịp năm học mới, với tư cách Hiệu trưởng nhà trường, tôi xin gửi tới các vị phụ huynh đôi dòng tâm sự về việc dạy dỗ con em chúng ta.

1. Xin các bậc làm cha làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình. Một số vị luôn luôn cho rằng con mình cái gì cũng nhất: xinh đẹp, thông minh, tài năng, trí tuệ. Họ tâng bốc và làm cho con cũng cảm thấy mình hơn người. Một số vị khác thì ngược lại, luôn luôn buồn bực vì con, chì chiết thậm chí mạt sát con, xem nó là thứ vất đi, khó dạy, khó bảo, rồi chẳng làm nên cơm cháo gì…

Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu. Nghệ thuật làm cha làm mẹ là biết cách khuyến khích, khen ngợi, nhưng không đề cao quá đáng những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục mà không vùi dập những điểm yếu của nó.
Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta.

2. Xin các vị đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con cái. Hãy nhớ rằng con cái chúng ta luôn luôn “được voi, đòi tiên”, bởi vậy chúng ta cần cân nhắc trước yêu sách của con cái. Có thể các vị không thiếu tiền, nhưng ở đây là vấn đề giáo dục, nên có thể thừa tiền vẫn không cho.

Trẻ em càng được nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút, mà đó là điều tối kỵ. Trước hết chúng phải biết ơn cha mẹ mình, biết rằng trong điều kiện kinh tế khó khăn cha mẹ đã vất vả như thế nào để nuôi con ăn học. Sự biết ơn đó chính là động lực thúc đẩy các con ra sức học hành.

Đối với con cái, nếu “yêu cho roi cho vọt” là quan điểm sai lầm thì “yêu cho ngọt cho bùi” cũng sai lầm không kém.

3. Xin các vị đừng thương con đến mức không để chúng đụng tay đụng chân làm bất kỳ việc gì, dành toàn bộ thời gian cho chúng “dùi mài kinh sử”. Con muốn giúp mẹ làm bếp thì “thôi con học bài đi, mẹ làm tí xong ngay”, ăn cơm xong thì “con nghỉ một lúc rồi học bài nhé, để mẹ rửa bát cho”.

Thế là có những đứa trẻ không bao giờ biết làm việc, kể cả những việc đơn giản như quét dọn nhà cửa, lau rửa bát đĩa, ấm chén, tưới cây nhổ cỏ, vun luống tỉa hoa… Lớn lên chắc chắn chúng sẽ thành những kẻ lười biếng, xem thường lao động, coi khinh những người lao động. Là một thầy giáo lâu năm, tôi tin rút ra nhận định: Không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười lao động thì chắc chắn không làm việc gì thành công.

4. Hãy dạy con cái chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Thương người, đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mà mỗi con người nên có. Hãy để cho con trẻ chúng ta biết đến, nghĩ đến biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn, biết bao số phận cay đắng, biết bao hoàn cảnh ngặt nghèo của rất nhiều người trong xã hội.

Đối với những người như vậy, chia sẻ về vật chất và tinh thần, một lời động viên, một cử chỉ đồng cảm... chính là thể hiện lòng nhân ái. Lòng nhân ái trong mỗi người sẽ xóa tan sự đố kỵ, vô cảm, sự thù hận và làm cho con trẻ của chúng ta tốt đẹp và cao thượng hẳn lên.

5. Hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quanh, đang diễn ra hàng ngày, để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng. Hãy làm sao để chúng nói chuyện, trao đổi, tâm sự nhiều hơn với người thân trong gia đình, chứ đừng suốt ngày đuổi theo những ảo ảnh trên mạng. Xin các vị hãy quan tâm điều này nhiều hơn, đã có rất nhiều trẻ em trở thành hư đốn, thậm chí phạm pháp vì quá mê say với thế giới ảo.

6. Về việc học tập của con em, trường Lương Thế Vinh chống lại việc học thêm một cách vô tội vạ. Nhà trường bố trí và sắp xếp kế hoạch thực hiện chương trình đủ để học sinh không phải học thêm. Học thêm chỉ mang đến những bất lợi cho học sinh: tốn tiền, tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy hiểm vì đi đường, không có thì giờ để tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi... Học sinh Lương Thế Vinh được tuyển chọn một cách chu đáo, các em đều có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi hoặc khá. Học sinh như vậy, với đội ngũ thầy giáo có kinh nghiệm và với chương trình sắp xếp hợp lý, chúng tôi tin học thêm là không cần thiết.

Trên đây là một số ý kiến tâm sự muốn ngỏ cùng các vị của một người thầy giáo già luôn luôn cảm thấy hạnh phúc khi học trò của mình thành đạt".

Hoàng Thùy 

Nguồn: VnExpress