Tấn công Syria đồng nghĩa với tự sát

Nếu Mỹ rời bỏ Syria sau một cuộc tấn công giới hạn thì đồng nghĩa với việc đẩy Damascus vào tay các chiến binh Hồi giáo cực đoan, những người có liên hệ mật thiết với tổ chức tiến hành vụ tấn công khủng bố 11/9 nhằm vào nước Mỹ gần 12 năm trước.  - VnExpress

Người biểu tình ở London kêu gọi phương Tây từ bỏ kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria. Ảnh: AFP
Người biểu tình ở London kêu gọi phương Tây từ bỏ kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria. Ảnh: AFP

Mặc dù từng nhiều lần lặp lại tuyên bố sẽ không "thay đổi chế độ" ở Syria, nhưng theo ông Kapil Komireddi, một nhà báo Ấn Độ, đồng thời là chuyên gia về Trung Đông - Bắc Phi, thì kế hoạch can thiệp quân sự ở mức "giới hạn" của chính quyền Barack Obama chỉ đơn thuần là một sự ảo tưởng, bởi trực tiếp dính líu vào quốc gia này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không thể rời khỏi Syria trong một sớm một chiều. 

Như lời Tổng thống Obama từng khẳng định, kế hoạch không kích mà Washington đang chuẩn bị chỉ đơn thuần là để ngăn chính quyền Bashar al-Assad ngừng sử dụng vũ khí hóa học và giảm thiểu tình trạng bất ổn ở khu vực. Nhưng tham vọng này liệu có thể được hiện thực hóa, hay sẽ vô tình biến Syria thành một Iraq hay Afghanistan phiên bản 2013, như nhiều người từng dự đoán. 

Syria, với tư cách là một quốc gia thống nhất, chỉ còn tồn tại trên bản đồ. Còn thực tế, đất nước này từ lâu đã bị chia cắt bởi cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa chính quyền của Tổng thống Assad và những người thuộc phe đối lập. Không ai trong số họ đủ mạnh để có thể đại diện cho đại đa số người dân Syria, cũng như nắm quyền quyền soát phần lớn lãnh thổ đất nước.

Cuộc chiến dai dẳng khiến phe đối lập gần như kiệt quệ và bất lực nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Trong hơn hai năm qua, họ vẫn không ngừng tìm kiếm sự hỗ trợ ấy, bằng cách cung cấp các bằng chứng chống lại chế độ al-Assad cho phương Tây, đỉnh điểm là những gì từng xảy ra hôm 21/8.  

Chán nản những cuộc điều tra kéo dài và gần như vô tác dụng của Liên Hợp Quốc, Washington đã đơn phương đưa ra các bằng chứng cho thấy chỉ có chính quyền của ông Al-Assad là đủ khả năng thực hiện một vụ thảm sát hóa học ở tầm cỡ như vậy.

Lý lẽ này tuy nhiên lại gây ra một sự cám dỗ chết người. Như tiểu thuyết gia Ấn Độ Amitav Ghosh, người đã dành gần như cả cuộc đời để nghiên cứu về tình hình bất ổn ở châu Á, từng nói: "viễn cảnh về một hành động can thiệp" trong các cuộc xung đột nội bộ thường trở thành tác nhân kích thích "sự leo thang bạo lực" cho bên yếu hơn. 

Một hành động can thiệp quân sự, mà theo Washington là để đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của chính quyền Assad, nhiều khả năng sẽ bị các lực lượng đối lập ở Syria, đặc biệt là những chiến binh Hồi giáo cực đoan, một chân rết của tổ chức khủng bố al-Qaeda, lợi dụng trong tương lai. Nó gần giống như một dạng phản ứng có điều kiện, khi mà sự xuất hiện của thứ chất độc chết người đồng nghĩa với sự can thiệp "có giới hạn" của Mỹ, thì phe đối lập sẽ tái sử dụng chúng để lật ngược tình thế và một lần nữa gieo nỗi kinh hoàng lên người dân. 

Vậy Mỹ sẽ làm gì sau khi can thiệp quân sự vào Syria? 

Nội chiến và bất ổn đang dần biến Syria trở thành miền đất hứa cho các chiến binh Hồi giáo từ hơn 60 quốc gia. Tham vọng của họ không chỉ dừng lại ở việc đánh bại Syria. Thay vào đó, họ muốn thiết lập một nhà nước thần quyền ở một trong các quốc gia thế tục nhất thế giới Arab. Hành động này sẽ vô tình biến những người thế tục cuối cùng, từ chỗ ủng hộ phe đối lập, chuyển sang hỗ trợ chế độ của Assad. 

Vậy là, để đưa Syria thoát khỏi chế độ của al-Assad và ngăn nó rơi vào tay các chiến binh Hồi giáo, nhóm người có chung lý tưởng với những kẻ từng gây ra sự kiện 11/9, Mỹ sẽ phải đảm bảo sự hiện diện quân sự của họ ở Syria trong hơn một thập kỷ, lật đổ Assad, ngăn cản phe thánh chiến, bảo vệ Israel và gìn giữ nền hòa bình mong manh ở Lebanon. Sau Afghanistan và Iraq, liệu Washington đã đủ sẵn sàng để lao vào một cơn ác mộng mới? 

Quỳnh Hoa (Theo CNN)

Nguồn: VnExpress