Người Mông xuống phố vui Tết Độc lập

Cứ đến dịp 2/9 là hàng nghìn đồng bào Mông từ khắp các bản làng vùng cao của huyện Mường Lát (Thanh Hóa) lại kéo nhau về trung tâm huyện vui Tết Độc lập. Họ ăn mừng Quốc khánh còn to hơn Tết âm lịch. - VnExpress

6-1378081425.jpg
Từ mờ sáng 2/9, hàng ngàn người Mông từ các bản làng xa xôi đã có mặt ở thị trấn trung tâm huyện Mường Lát vui Tết Độc lập. Ảnh: Lê Hoàng

Thị trấn nhỏ Mường Lát nằm lọt thỏm giữa trùng điệp núi rừng. Những ngày này, tại đây tràn ngập trong không khí lễ hội. Các chàng trai, cô gái Mông ăn vận những bộ áo váy đẹp lộng lẫy nhất, hòa theo dòng người đổ về phố huyện vui đón Tết Độc lập.

Với đồng bào Mông ở Mường Lát, lệ ăn Tết Độc lập đã có từ nhiều năm qua. Dịp này người dân ăn Tết còn lớn hơn dịp Tết Nguyên đán cổ truyền.

Thời tiết vào thu mát mẻ, tiết trời khô ráo, thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, lễ hội. Ngay từ mờ sáng ngày 2/9, hàng vạn đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú… đã có mặt tại trung tâm huyện để tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao và mua sắm đồ dùng tại các khu chợ.

Để vui chơi trong những ngày Tết Độc lập, các chàng trai, cô gái người Mông đã chuẩn bị cho mình những bộ váy, áo đủ màu sắc, với hoa văn đặc sắc theo nét văn hóa của dân tộc mình. Nhiều gia đình phải vượt qua quãng đường đồi núi gần 100 km để được đón tết vui vẻ.

Năm nay, để chào mừng ngày Quốc khánh, UBND huyện Mường Lát tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như thi bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, đánh bóng chuyền, hoạt động văn nghệ.

* Ảnh người Mông đón Tết độc lập

Ông Lâu Minh Pó, Trưởng Ban tổ chức huyện ủy Mường Lát, một người con của dân tộc Mông ở bản Pha Đén, xã Pù Nhi chia sẻ về lí do người Mông rất hồ hởi mỗi khi đến ngày Quốc khánh: “Tết Độc lập có nguyên nhân bắt nguồn từ trong lịch sử phát triển của dân tộc Mông. Xa xưa, trong các cuộc chiến tranh, người Mông là những người thua trận và chạy đi trú ẩn khắp nơi, trong đó có phần đất của Việt Nam ta ngày nay. Để lẩn tránh kẻ thù, người Mông chọn cách sinh sống trên các ngọn núi cao, vùng đất hiểm trở nhất”.

Các cụ cao niên kể rằng, người Mông dặn dò con cháu cứ chạy ngược lên theo các con suối, khi nào thấy con suối chỉ còn nhỏ như cái dây nỏ thì dừng lại lập bản mà sinh sống. Sinh sống ở trên cao, người Mông dễ quan sát kẻ thù và cũng dễ tấn công lại kẻ xấu khi gặp nguy hiểm.

“Cách mạng Tháng Tám thành công, người Mông sung sướng vô cùng bởi được tuyên truyền để tự giải phóng khỏi quan niệm “chỉ sinh sống cô lập trên núi cao”. Cũng từ đây người Mông có dịp xuống núi, được giao lưu với các dân tộc anh em, được học hỏi, tiếp thu những tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất...”, ông Pó nói.

Ở Mường Lát, bản người Mông có khi cách xa trung tâm huyện tới cả vài ba ngày đi bộ. Chính vì vậy, Tết Độc lập cũng là dịp người Mông xuống chợ mua sắm đồ dùng. Trẻ em hiếu kỳ quây kín bên các quán kem, nước ngọt có ga ướp lạnh. Các thiếu nữ không rời mắt khỏi các quán bán dày dép, đồ trang sức, quần áo… Trong khi đó, lớp trung niên lại đặc biệt chú ý tới vật dụng dùng trong gia đình, như con dao, cái cuốc, chậu đựng nước, xoong nồi…

3-1378081425.jpg
Những đứa trẻ theo cha mẹ xuống phố chơi Tết. Ảnh: Lê Hoàng

Điện thoại di động là thứ hàng đặc biệt được nhiều người ưa thích, ngắm nghía. Dù ở một số bản vùng núi cao, gọi được một cuộc điện thoại là hết sức khó khăn do sóng di động chưa phủ tới, hoặc chập chờn, song điều đó gần như không quan trọng lắm. Người ta có thể đi bộ cả ngày chỉ để gọi một cuộc điện thoại, hoặc mua điện thoại đơn giản chỉ để lấy cái… nghe nhạc khi lên rẫy.

Ngày nay, đã có thể mua sẵn váy, áo hay mặc những bồ đồ cách tân nhưng trong Tết Độc lập, người Mông thường thích mặc những bộ đồ truyền thống của dân tộc mình. Tự mình xe sợi, dệt vải rồi may áo vẫn được coi là tiêu chí của một người phụ nữ Mông trưởng thành. Chính vì vậy, vui Tết ngày Quốc khánh, nhiều cô gái Mông mặc trên mình những chiếc váy, áo sặc sỡ với những kiểu hoa văn đặc trưng. Những chiếc váy áo đó đã được họ tỉ mẩn chuẩn bị trong vòng nhiều tháng trời.

Trong khi các cô gái xuống chợ xúng xính trong các bộ váy sặc sỡ, đủ màu sắc hoa văn thì các chàng trai cũng chỉn chu không kém. Tết Độc lập cũng là dịp nhiều thanh niên có cơ hội tìm cho mình một người bạn đời ưng ý. Ngoài bộ quần áo truyền thống thì việc chàng trai nào biết nhảy múa, biết thổi kèn lá, thổi khèn, biết múa gậy… sẽ có những ưu thế lớn trong việc trao gửi thông điệp tình yêu đến bạn đời.

Ngồi nghỉ chân ven đường cùng cô vợ trẻ xinh đẹp và hai đứa con nhỏ sau một ngày vui hội cùng gia đình, Anh Lùa A Lừ (40 tuổi), ở bản Suối Hộc, xã Trung Lý tâm sự, nhà ở cách huyện gần 20km nhưng năm nào anh Lừ cũng chở vợ con đi chơi Tết Độc lập.

"Bản ta nhà nào cũng nghỉ cái nương, cái rẫy từ mấy bữa rồi. Bắt đầu từ sáng sớm 1/9, các gia đình gọi nhau đóng cửa nhà, đuổi con trâu, con ngựa vào rừng kiếm ăn rồi cùng đi chơi hết. Gặp bạn bè vui lắm, đêm nay ta sẽ cho vợ con ngủ lại phố huyện, chơi đến hết ngày 2/9 mới quay về", anh Lừ chia sẻ và cho biết, đã mua sắm được một số vật dụng gia đình dịp này chuẩn bị cho mùa rẫy sắp tới.

Lê Hoàng

Nguồn: VnExpress