Các kịch bản can thiệp quân sự của Mỹ và đồng minh

Mỹ và các nước đồng minh đã tham gia vào nhiều chiến dịch quân sự quốc tế trong hai thập kỷ qua, với nhiều quy mô khác nhau. Những chiến dịch dưới đây có thể là hình mẫu cho sự can thiệp quân sự vào Syria, nếu ông Obama quyết tâm hạ lệnh tấn công. - VnExpress

Trong tất cả các trường hợp can thiệp quân sự, mối lo ngại về nhân đạo luôn được nêu ra như là động cơ chủ chốt. Tuy nhiên, lý do thực sự khiến Mỹ hành động thường liên quan đến một tầm nhìn xa hơn, như gìn giữ sự ổn định và duy trì ảnh hưởng ở khu vực hay duy trì sự gắn kết của NATO và các đồng minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, hãng tin BBC nhận định.

Mỹ có thể bí mật cung cấp vũ khí cho các phiến quân và áp đặt vùng cấm bay, bất chấp việc đi ngược lại với luật pháp quốc tế. Những biện pháp này mang tính quyết định chỉ khi nào chúng được kết hợp với một sự tham chiến ở quy mô lớn hơn.

Chiến tranh Vùng Vịnh 1991

[Caption]
Máy bay của không quân Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh 1991. Ảnh: Matthew1026

Còn có tên là Chiến dịch Bão táp Sa mạc, cuộc chiến tranh Vùng Vịnh vẫn được xem là một điển hình về sự can thiệp quân sự quốc tế, được một liên minh quân sự quốc tế do Mỹ dẫn đầu tiến hành, được Hội đồng Bảo an phê chuẩn, với những mục tiêu rõ ràng và cụ thể.

Sự kiện dẫn tới chiến tranh là việc Iraq xâm chiếm Kuwait ngày 2/9/1990, sau khi Iraq cho rằng Kuwait đã "khoan nghiêng" giếng dầu của họ vào biên giới của Iraq.

Liên minh chống Iraq thu hút gần một triệu binh sĩ từ 12 quốc gia tham chiến, trong đó một nửa là binh sĩ Mỹ. 27 quốc gia khác tham gia hỗ trợ về hậu cần và tài chính.

Cuộc chiến bắt đầu vào đầu năm 1991 đã kết thúc nhanh chóng với việc lực lượng Iraq phải rút lui khỏi Kuwait và chủ quyền của Kuwait được khôi phục. Quan trọng hơn, Mỹ đã cự tuyệt lời kêu gọi của một số đồng minh Arab về việc can thiệp sâu hơn vào lãnh thổ Iraq để "thay đổi chế độ". Người Mỹ lo ngại rằng điều này sẽ làm mất sự đồng thuận của quốc tế và tinh thần hợp tác an ninh đang phát triển mạnh mẽ lúc bấy giờ. 

Chiến tranh Balkans

serbia-1377931663.jpg
Một vùng dân cư ở Serbia sau khi bị NATO đánh bom. Ảnh:Sebiasos

Một loạt cuộc chiến tranh đã nổ ra trên bán đảo Balkans ngay sau khi Slovenia và Croatia tuyên bố độc lập khỏi Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Nam Tư vào ngày 25/6/1991. Khi những nỗ lực ngăn chặn bạo lực bùng phát ở Nam Tư thất bại, các lãnh đạo châu Âu khẳng định rằng đã đến lúc họ phải vào cuộc để giải quyết cuộc khủng hoảng ở sân sau của mình.

Lãnh thổ Croatia chứng kiến xung đột với người Serbia và một cuộc chiến tranh luẩn quẩn ở Bosnia-Hercegovina, một nước cộng hòa khác tách khỏi Nam Tư vào tháng 3/1992.

Trước sự bất lực của các nước châu Âu trong việc ngăn chặn đổ máu trên bán đảo Balkans, Mỹ cuối cùng can thiệp bằng cách cung cấp vũ khí cho lực lượng chống Serbia ở cả Croatia và Bosnia. Chiến tranh Bosnia kết thúc vào tháng 11/1995.

Các máy bay Mỹ xuất kích khoảng 38.000 lần khi NATO tiến hành cuộc chiến chống Serbia từ tháng 3 đến tháng 6/1999. Tại cả Bosnia và Kosovo, không lực Mỹ đã không thể đánh bại được các lượng lực hay tiêu diệt được quân đội của Serbia. Tuy nhiên, cuối cùng, Serbia vẫn phải chấp nhận sự dàn xếp của Mỹ.

Trong suốt các cuộc chiến tranh Nam Tư, châu Âu cung cấp hầu hết binh sĩ ở Balkans, còn Mỹ áp đảo về không lực và các loại vũ khí chính xác.

Nội chiến Somalia

20130828-USmilitary4-1377934172.jpg
Các binh sĩ Mỹ ở chiến trường Somali. Ảnh: Zerohedge

Trước thảm họa về nhân đạo trong cuộc nội chiến ở Somalia, năm 1992, Hội đồng Bảo an đã phê duyệt thành lập một lực lượng quốc tế với mục tiêu tạo lập môi trường để cung cấp viện trợ nhân đạo.

Mỹ cũng tổ chức một liên minh quân sự tiến vào Somalia tháng 12 năm 1992 và thành công trong việc tái lập trật tự và làm giảm bớt nạn đói. Tuy nhiên, sự tham chiến mà không có mục tiêu rõ ràng sau đó trở thành thảm họa khi giao tranh leo thang. 18 binh sĩ Mỹ và hơn 1.000 người Somalia thiệt mạng trong cuộc bố ráp ở Mogadishu tháng 10 năm 1993, khiến dư luận Mỹ phản ứng mạnh mẽ. Quân đội Mỹ lập tức rút lui, dù nội chiến ở Somalia vẫn còn tiếp diễn. 

Lần xuất quân đến Somali về sau được biết đến với tên gọi "Diều hâu gãy cánh" để lại cho Lầu Năm Góc Mỹ một bài học kinh điển về việc không nên tiến hành can thiệp quốc tế trong một số trường hợp.

Nội chiến Libya

s-l02-19146277-1377934172.jpg
Máy bay của Libya bị bắn rơi trong cuộc không kích ở Benghazi ngày 19/3/2011. Ảnh: AFP

Pháp và Anh là hai nước đã đề nghị Hội đồng Bảo an phê duyệt một chiến dịch nhân đạo mà họ cho rằng cần thiết để cứu những người dân của thành phố Benghazi khỏi sự thảm sát từ lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Mỹ đóng vai trò quan trọng khi thuyết phục thành công Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng thay vì phiếu chống nghị quyết.

Với nghị quyết này, Liên Hợp Quốc đã cho phép thiết lập vùng cấm bay và dùng các phương thức cần thiết nhưng không có chiếm đóng nước ngoài với mục tiêu được nêu ra là để bảo vệ thường dân Libya. Chiến dịch can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu kết thúc vào tháng 10/2011, với cái chết của nhà lãnh đạo Gaddafi. 

Anh Ngọc (theo BBC)

Nguồn: VnExpress