Syria: 'Ngón tay đã đặt trên cò súng'

Syria đồ rằng một cuộc tấn công từ Mỹ có thể xảy ra "bất cứ lúc nào" và sẵn sàng đáp trả, sau khi các chuyên gia Liên Hợp Quốc điều tra nghi án vũ khí hóa học rời khỏi nước này. - VnExpress

ten-lua-1377965684.jpg
Dàn phóng tên lửa phòng không của lực lượng vũ trang Syria trong một cuộc tập trận bắn đạn thật hôm 20/12/2011. Ảnh: Sana
 
Việc các thanh sát viên Liên Hợp Quốc rời khỏi Syria sáng nay đã dọn đi những cản trở cuối cùng đối với một cuộc tấn công tiềm tàng của Mỹ, sau khi Tổng thống Barack Obama hôm 30/8 đưa ra dấu hiệu rõ ràng nhất, trong đó khẳng định hành động can thiệp quân sự đang cận kề.
 

Các diễn biến về Syria:

Obama có bài phát biểu về Syria

Lãnh đạo cấp cao chính phủ và quốc hội Mỹ họp kín về Syria.

Iran: 'Tấn công sẽ khiến bạo lực lan tràn không chỉ trong phạm vi Syria'.

Hàng nghìn người đổ về quảng trường trung tâm London phản đối can thiệp quân sự vào Syria.

Tổng thống Nga Putin yêu cầu Mỹ công khai bằng chứng nếu đúng là chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học.

Có tin Mỹ điều thêm tàu đổ bộ, con tàu chiến thứ sáu của Mỹ triển khai gần Syria.

Báo Arab dự đoán cuộc tấn công sẽ diễn ra trong những giờ tới.

"Chúng tôi đồ rằng một cuộc tấn công sắp xảy ra vào bất cứ lúc nào. Chúng tôi sẵn sàng đáp trả bất cứ lúc nào", AFP dẫn lời một quan chức quân sự Syria hôm nay cho biết. 

Thủ tướng Syria Wael al-Halqi trong bài phát biểu trên truyền hình chiều nay tuyên bố: "Quân đội Syria hoàn toàn sẵn sàng, ngón tay đã đặt trên cò súng, đáp trả bất cứ thách thức hay kịch bản nào mà họ (nước ngoài) muốn bày ra".

Các thanh sát viên Liên Hợp Quốc rời khách sạn ở Damascus trong một đoàn xe vào trước lúc bình minh và vượt qua biên giới với Lebanon vài giờ sau đó. Họ dự kiến báo cáo trực tiếp với Tổng thư ký Ban Ki-moon và nêu chi tiết về kết luận rằng liệu một cuộc tấn công bằng khí độc có thực sự diễn ra tại ngoại ô Damascus vào ngày 21/8 hay không, dựa trên những mẫu thu thập được. 

Chính quyền Obama nói không cần chờ kết quả của cuộc điều tra của Liên hợp quốc, bởi tình báo nước này đã có bằng chứng xác đáng rằng chính quyền Syria đã mở cuộc giết người hàng loạt bằng hóa chất, làm 1.429 người chết, trong đó có ít nhất 426 trẻ em. 

Điều này gây ra một phản ứng mạnh mẽ từ phía Tổng thống Nga Vladimir Putin. Moscow vốn là đồng minh thân cận của Damascus. Putin nói tuyên bố cho rằng Syria sử dụng vũ khí hóa học là "hết sức phi lý" và đề nghị Mỹ cung cấp bằng chứng. 

Obama hôm qua cho biết "không thể chấp nhận một thế giới nơi phụ nữ, trẻ em và dân thường vô tội bị đầu độc bằng khí trên một quy mô khủng khiếp". "Thế giới có nghĩa vụ đảm bảo rằng chúng ta duy trì một quy tắc chống việc sử dụng vũ khí hạt nhân", ông nói, ý chỉ trích sự thất bại của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi không thể thống nhất về hành động. Nga và Trung Quốc phủ quyết đề xuất can thiệp vào Syria.

Obama nói ông đang cân nhắc về khả năng một hành động "hẹp và hạn chế" nhưng chưa có quyết định cuối cùng về việc tấn công quân sự chống lại chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.  

Syria bác bỏ cáo buộc về cuộc tấn công, đổ lỗi cho "những kẻ khủng bố", ám chỉ phe nổi dậy chống lực lượng của Assad. 

Tại Damascus, bầu không khí trở nên nặng nề vì nỗi sợ hãi. Các lực lượng an ninh đang chuẩn bị cho các cuộc không kích có thể xảy ra, rút binh lính khỏi những nơi có thể là mục tiêu của tên lửa Mỹ.

Người dân đang trữ dầu cho máy phát điện, trong trường hợp mất điện vì một cuộc tấn công. Họ cũng mua thật nhiều thực phẩm và nước uống từ hồi đầu tuần, khi những lời đe dọa tấn công được đưa ra. Nhiều gia đình cho biết họ không quá quan tâm liệu có hay không và việc ai là người đã sử dụng vũ khí hóa học, mà phải nghĩ đến an toàn cho gia đình mình, trong lúc trống trận đang dồn dập. Và khi các thanh sát viên đi sang Lebanon, theo sau họ là những gia đình liều lĩnh bỏ trốn. 

Abu Malek, một công nhân 31 tuổi ở gần Damascus cho biết mọi người ở nhà đang khiếp sợ. "Những người có thể thì đã bỏ đi. Nhưng nhiều người khác không thể", anh nói sau khi chạy sang Lebanon. 

Hơn 100.000 người thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột Syria nổ ra hồi tháng 3/2011, và hai triệu người đã trở thành những người tị nạn. Một nửa trong số đó là trẻ em, Liên Hợp Quốc cho hay. 

Trọng Giáp

Nguồn: VnExpress